Nắng mưa đâu chỉ tại giời ( Kì 2)
Nghiên cứu - Trao đổi 09/11/2020 09:00
Ở nước ta, Luật số 33/2013/QH13 về Phòng chống thiên tai và Pháp lệnh về phòng chống lụt bão trước đó đều xác định rõ: “Phòng, chống thiên tai là quá trình mang tính hệ thống, bao gồm hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai”.
Phòng ngừa chủ động
Công tác phòng, chống thiên tai có thể phân chia thành 3 giai đoạn “phòng ngừa”, “ứng phó” và “khắc phục hậu quả”, trong đó giai đoạn phòng ngừa có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, muốn chống thiên tai hiệu quả trước hết phải chú ý đến công tác dự báo, đề phòng, chuẩn bị. Người luôn nhắc đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cảnh giác, tập trung chuẩn bị trước để phòng chống thiên tai. Người viết: “Tuyệt đối không nên chờ “nước đến chân mới nhảy”.
Bộ đội tìm kiếm người bị nạn ở xã Trà Leng |
Đảng, Nhà nước cũng có nhiều chỉ thị, nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống, giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 quy định rất rõ những nội dung, biện pháp phòng chống thiên tai và trách nhiệm của các bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương. Nhiều vấn đề được đặt ra và triển khai thực hiện như phương châm “4 tại chỗ”; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm… Đặc biệt, Luật xác định công tác phòng chống thiên tai phải tuân thủ nguyên tắc “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả”. Trong đó, phòng ngừa và thích ứng được đặt lên hàng đầu, đồng thời là giải pháp cơ bản để giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai…
Tuy nhiên, công tác phòng ngừa của ta cũng chưa thật chủ động, hiệu quả. Phương án, kế hoạch phòng chống lụt bão ở nhiều nơi còn hình thức, ít được phổ biến, diễn tập hoặc có diễn tập nhưng không sát với thực tiễn. Cán bộ và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu thích ứng, sống chung với bão lũ. Việc chuẩn bị lực lượng tại chỗ của toàn dân gắn với phương châm “4 tại chỗ” còn thiếu thực lực. Tình trạng phá rừng đầu nguồn, khai thác cát sỏi bừa bãi, quy hoạch xây dựng công trình kinh tế thiếu tính toán làm cho lượng nước mưa thất thoát nhanh, dòng chảy bị bồi lấp, khí hậu biến đổi; hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, úng lụt kéo dài sau mưa bão càng khiến cho mức độ thiệt hại thêm trầm trọng.
Ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả
Đây là 2 giai đoạn quyết định hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa khó lường, đòi hỏi phải tập trung trí lực cao độ và được chuẩn bị từ giai đoạn phòng ngừa.
Người dân xã Phước Thành cắt rừng, cõng hàng cứu trợ. |
Tuy nhiên, việc ứng phó, khắc phục hậu quả thời gian qua vẫn còn những hạn chế. Đặc biệt khi bão lụt lớn kéo dài, mất điện, mất liên lạc; hệ thống giao thông bị chia cắt; thời tiết phức tạp; lực lượng, phương tiện phân tán… làm cho việc chỉ huy, tổ chức hiệp đồng giữa địa phương và các lực lượng ứng phó gặp khó khăn. Thực tế còn cho thấy, quân đội là lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, nhưng trừ một số quân, binh chủng có phương tiện máy bay, tàu xuồng, xe lội nước, máy xúc… còn các đơn vị bộ binh chỉ có dụng cụ cầm tay như cuốc, xẻng, nên hiệu quả thấp. Mặt khác, các lực lượng, phương tiện chuyên dụng của ta chưa đủ khả năng cơ động, ứng phó trong các điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp, nên việc cứu hộ muốn khẩn trương cũng không được.
Việc xây dựng, huấn luyện, sử dụng lực lượng chuyên nghiệp, tinh nhuệ, dày dạn kinh nghiệm trong cứu hộ, cứu nạn cũng là vấn đề đáng quan tâm. Vụ cứu hộ nạn nhân ở đập thủy điện Sê-rê-pốc 4 ngày 5/5/2010 khiến 5 chiến sĩ quân đội hi sinh; vụ rơi máy bay Casa C-212 ngày 16/6/2016 trong khi tìm kiếm cứu nạn làm 9 cán bộ, chiến sĩ hi sinh và vụ cứu hộ thủy điện Rào Trăng 3 vừa qua khiến 13 cán bộ quân đội và chính quyền địa phương hi sinh là những bài học đau xót. Tư tưởng chủ quan, thiếu chuẩn bị lực lượng; bỏ qua yêu cầu trinh sát, nắm tình hình, bảo đảm an toàn khi hành quân, trú quân, làm nhiệm vụ dẫn đến đánh giá, hành động theo cảm tính là việc tối kị trong tác chiến và công tác cứu hộ, cứu nạn.
Công tác khắc phục hậu quả bão lụt cũng còn một số nơi thực hiện chưa tốt. Việc phối hợp trong chỉ đạo, điều hành, sử dụng lực lượng, phương tiện còn lúng túng, chồng chéo giữa địa phương và lực lượng tăng cường. Tình trạng thừa người, thiếu việc, thừa việc thiếu người hoặc thừa việc, thừa người nhưng thiếu công cụ, phương tiện, vật tư trong khi không huy động được lực lượng tại chỗ còn xảy ra. Đây đó vẫn còn cảnh người đứng nhiều hơn người làm, người dân ra xem lực lượng cứu hộ làm việc… trong khi yêu cầu cứu hộ rất khẩn trương.
Việc vận động quyên góp, cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai cũng cần chấn chỉnh. Luật Phòng chống thiên tai quy định rõ “Tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ trung hạn”. Song, việc cứu trợ của nhiều tổ chức, cá nhân vừa qua còn mang tính tự phát, phô trương, bỏ qua chính quyền, đoàn thể cơ sở, nơi nào thuận lợi thì đến khiến chỗ thừa, chỗ thiếu, người cần không được, người được không cần, thậm chí nhiều quần áo cũ, bánh chưng cứu trợ bị vứt đi...
Nói chung, phòng chống thiên tai là việc phức tạp và chỉ có thể làm giảm thiệt hại chứ không thể vô hiệu hóa sự tàn phá do thiên tai gây ra. Hiệu quả của công tác phòng chống thiên tai phụ thuộc vào ý thức, thái độ của con người đối với môi trường sống. Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp thì trách nhiệm của con người đối với môi trường càng phải cao hơn. (Còn nữa)
Nắng mưa đâu chỉ tại giời Bão là hiện tượng cực đoan của tự nhiên thường kéo theo lũ lụt, sạt lở đất là những loại thiên tai gây nhiều thiệt ... |