Kì vọng về vấn đề khí hậu và tài chính toàn cầu tại Hội nghị G20
Quốc tế 19/11/2024 09:52
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình khí hậu và tài chính toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những điểm nóng trong chương trình nghị sự là vấn đề tài chính khí hậu, đặc biệt là việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra ở Azerbaijan, các cuộc đàm phán vẫn bế tắc, đặc biệt là về vấn đề tài trợ cho các quốc gia đang phát triển. Các quốc gia nghèo yêu cầu một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 1 nghìn tỉ USD mỗi năm từ các quốc gia giàu có. Tuy nhiên, Trung Quốc đã từ chối tham gia việc tài trợ cho các sáng kiến khí hậu toàn cầu, trong khi các quốc gia phát triển như Mỹ và EU gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân. Do đó, dư luận hi vọng rằng G20 sẽ thúc đẩy một thỏa thuận nhằm cung cấp đủ tài chính cho các quốc gia nghèo để giảm phát thải khí nhà kính và xây dựng khả năng chống chịu với các thảm họa khí hậu.
Cờ các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) |
Tổng thư kí Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia G20 - vốn đóng góp tới 80% lượng khí thải toàn cầu - phải thể hiện “sự lãnh đạo và thỏa hiệp” để thúc đẩy tiến trình đàm phán tại COP29. Trong khi đó, Tổng thống Lula da Silva của Brazil, với vai trò là nước chủ nhà, mong muốn tạo ra một nền tảng cho các quốc gia thuộc Nam bán cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngoài vấn đề khí hậu, hội nghị G20 lần này cũng sẽ thảo luận về việc tăng thuế đối với các tỉ phú và các tập đoàn lớn, một vấn đề được Tổng thống Lula đặc biệt nhấn mạnh. Brazil mong muốn áp dụng các mức thuế cao hơn đối với người giàu nhằm giải quyết tình trạng nghèo đói và khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ông cũng cam kết đấu tranh vì một thế giới không có nạn đói.
Bên cạnh đó, G20 năm nay cũng đối mặt với những thách thức lớn, đặc biệt là việc Tổng thống đắc cử Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng đang được dự báo có thể tác động đến các sáng kiến đa phương và làm gián đoạn các cuộc đàm phán quốc tế.
Tổng thống Lula da Silva cũng khẳng định tình hình xung đột tại Ukraine và Trung Đông sẽ không nằm trong chương trình nghị sự, thay vào đó, hội nghị sẽ tập trung vào những vấn đề cấp bách đối với người nghèo và những người ít được chú ý trong xã hội.
An ninh đang được tăng cường ở mức cao tại thành phố Rio de Janeiro, khi hội nghị G20 sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cùng các lãnh đạo từ Australia, Anh, Pháp, Đức, Ấn Độ hay Nhật Bản…
Để bảo đảm an ninh cho hội nghị, cảnh sát và quân đội đã triển khai lực lượng mạnh mẽ, với hơn 25.000 binh sĩ và cảnh sát được phân bổ khắp thành phố, bao gồm cả các khu vực sân bay và cảng. Các camera giám sát đã được lắp đặt tại hàng nghìn điểm, trong khi các thiết bị bay không người lái và trực thăng theo dõi tình hình từ trên cao. Các tàu hải quân cũng thường xuyên tuần tra dọc theo bãi biển Copacabana và Ipanema. Sân bay Santos Dumont sẽ đóng cửa trong suốt thời gian diễn ra hội nghị…