Nâng cao vị thế già làng ở địa bàn người Mông theo đạo Tin lành
Nghiên cứu - Trao đổi 14/05/2021 10:46
Kì cuối: Làm gì để nâng cao vị thế của già làng?
Người viết bài này trong lần dự hội nghị công tác dân vận của quân đội tại tỉnh Sơn La năm 2005 từng được nghe ông Thào Xuân Sùng, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy phát biểu: “Với đồng bào Mông thì chỉ nói nửa câu thôi. Nếu nói cả câu là hỏng rồi”. Rồi ông giải thích, nói nửa câu là chỉ nói một nửa và làm một nửa. Nghĩa là phải nói đi đôi với làm, nói đến đâu phải hướng dẫn đồng bào làm đến đó. Chỉ nói mà không làm là không hiệu quả. Điều ông nói thật chí lí không chỉ đối với công tác dân vận mà ngay cả với việc phát huy vai trò của già làng.
Để phát huy tốt vai trò của NCT nói chung và già làng nói riêng ở các địa bàn có người Mông theo đạo Tin lành, các cấp Hội NCT cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đổi mới công tác tuyên truyền vận động đồng bào có đạo. Việc đổi mới phải được chú trọng cả về nội dung và hình thức. Nội dung cần bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương nhưng phải phù hợp, thiết thực, không nên cứng nhắc, khiên cưỡng. Nhiều nội dung có thể khéo léo tuyên truyền vận động ngay tại các điểm sinh hoạt đạo hoặc thông qua những cốt cán của đạo Tin lành. Đặc biệt, cần giúp đồng bào phân biệt được các hệ phái Tin lành hợp pháp với các hình thức biến tướng của đạo Tin lành như đạo “Giê sùa”, “Bà cô Dợ” mang màu sắc mê tín dị đoan, xuyên tạc kinh thánh, lôi kéo kích động người Mông thành lập vương quốc riêng bị Nhà nước cấm hoạt động.
Già làng Tráng Lao Lử (thứ 2 từ phải sang) bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hướng dẫn người dân kĩ thuật trồng, chăm sóc chanh leo |
Hai là, tích cực vận động gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, kìm hãm sự phát triển trong cộng đồng người Mông. Đồng bào Mông có nhiều tập quán văn hóa truyền thống tốt đẹp như lễ hội Gầu tào, Nào sồng, đi chợ phiên, bảo vệ rừng, gìn giữ trang phục truyền thống, đàn hát dân ca, dân vũ… cần được tiếp tục phát huy.
Tuy nhiên, một số tập tục lạc hậu cần phải vận động xóa bỏ như nếp sống du canh du cư, trồng và hút thuốc phiện, thách cưới, phạt vạ nặng nề… Vì vậy, Hội NCT và các già làng cần có tiếng nói, hành động khuyến khích, bảo vệ hoặc xử lí phù hợp. Với đồng bào Mông theo đạo Tin lành, ở một số nơi bà con không mặn mà với các lễ hội truyền thống, cần động viên họ đề cao tinh thần thượng võ, ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc để tham gia các hoạt động thi đấu thể thao, bắn nỏ, đua ngựa, hội diễn văn nghệ, thi làm bánh dày… qua đó tạo sự gắn kết với người Mông theo tín ngưỡng truyền thống.
Ba là, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao kiến thức xã hội và khả năng phát triển kinh tế cho lớp NCT, đặc biệt là các già làng. Uy tín của già làng và NCT có được là nhờ tích lũy tri thức, kinh nghiệm trong cuộc sống. Trong thời đại hiện nay, già làng càng cần phải có kiến thức sâu rộng hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có khả năng và luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động thì nói mới có người nghe, làm có người tin. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền, Hội NCT mà còn cần sự nỗ lực tự thân của mỗi NCT và già làng. Thực tế, việc tổ chức các hội nghị biểu dương già làng tiêu biểu, NCT làm kinh tế giỏi… ở các cấp Hội NCT những năm qua đã có tác dụng tích cực, động viên khích lệ nhiều NCT học tập, noi theo.
Bốn là, chủ động tuyên truyền vận động các mục sư, trưởng điểm nhóm đạo Tin lành, xây dựng họ thành người có uy tín, là cầu nối giữa chính quyền và tín đồ. Mục sư, truyền đạo hay các trưởng điểm nhóm đạo Tin lành cũng là những công dân bình thường trong cộng đồng dân cư. Khi các điểm nhóm Tin lành đăng kí và được phép hoạt động thì việc vận động họ chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương là rất cần thiết. Nếu làm tốt việc này, họ sẽ là những hạt nhân tích cực trong tuyên truyền vận động tín đồ cùng chấp hành. Quá trình vận động cần tránh tư tưởng phân biệt đối xử, đẩy họ về phía chống đối mà phải gần gũi, kéo họ về phía chính quyền, thành cầu nối giữa chính quyền và tín đồ, thực hiện tốt phương châm hành đạo “tốt đời, đẹp đạo”, “kính chúa yêu nước”, “đồng hành cùng dân tộc”.
Năm là, đẩy mạnh công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT của Hội NCT. Nội dung chăm sóc và phát huy vai trò NCT đã được Trung ương Hội cụ thể hóa trong nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Tuy nhiên, việc chăm sóc, phát huy vai trò NCT và đặc biệt là các già làng ở vùng đồng bào Mông theo đạo Tin lành cần chú ý những nét đặc thù. Ở đây, các già làng (thậm chí có cả mục sư, truyền đạo, trưởng điểm nhóm Tin lành) là NCT hoặc hội viên Hội NCT nên hoạt động chăm sóc, phát huy phải cụ thể, thiết thực, rõ nét, sát từng đối tượng. Khi các hội viên này được quan tâm chu đáo thì niềm tin của đồng bào với Hội và NCT sẽ cao hơn, từ đó vai trò của già làng sẽ được củng cố, nâng cao.
Nâng cao vị thế già làng ở địa bàn người Mông theo đạo Tin lành Những năm qua, Hội NCT ở các tỉnh miền núi luôn chú trọng phát huy vai trò của các già làng và đã thu được ... |