Nâng cao vị thế già làng ở địa bàn người Mông theo đạo Tin lành
Xã hội 13/05/2021 09:15
Kì 1: Già làng và những bất cập
Vị thế của già làng giảm sút
Trong thiết chế quản lí truyền thống của một số dân tộc thiểu số ở vùng cao nước ta, già làng là một chức sắc, lãnh tụ tinh thần, tồn tại song song với trưởng buôn, trưởng bản trong các buôn làng.
Già làng thường là một người già, không nhất thiết là người già nhất nhưng phải là người uy tín cao được dân làng bầu ra. Khi buôn làng có các vấn đề, tranh chấp phát sinh trong cuộc sống, già làng chịu trách nhiệm đứng ra xử lí theo luật tục và tiếng nói có trọng lượng có khi còn hơn cả pháp luật.
Tuy nhiên, theo bài viết “Những hiện tượng mới trong quan hệ dân tộc - tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc nước ta hiện nay” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Hoàng Thị Lan đăng trên Cổng Thông tin điện tử - Ủy ban Dân tộc thì qua khảo sát với câu hỏi: Người quan trọng nhất trong làng/bản là ai? Có đến 81% người Mông theo đạo Tin lành được hỏi cho rằng đó là Mục sư/trưởng nhóm/trưởng điểm; 9,6% cho đó là già làng và 9,4% cho rằng đó là trưởng bản.
Với câu hỏi: Khi có việc quan trọng ông (bà) thường hỏi xin ý kiến của ai? Kết quả có 14,5% trả lời là hỏi ý kiến người thân trong gia đình, 3% hỏi ý kiến của già làng, 3,1% hỏi ý kiến của thày cúng, 70% hỏi ý kiến của trưởng điểm nhóm Tin lành, 4,2% hỏi ý kiến của cán bộ địa phương và 5,1% hỏi ý kiến của người đồng đạo.
Già làng cúng cảm tạ trời đất trong lễ hội Gầu tào của đồng bào Mông |
Lí giải tình trạng này, PGS.TS Hoàng Thị Lan cho biết, với những người Mông theo đạo Tin lành, “đức tin vào Chúa là yếu tố quan trọng nhất giúp họ gắn kết với nhau, tạo nên sự cố kết cộng đồng. Mối quan hệ cộng đồng gắn kết của những người Mông cùng có niềm tin vào Chúa vượt ra ngoài phạm vi dòng họ, làng bản, tộc người. Giữa họ cũng luôn có sự giúp đỡ, sẻ chia lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần. Nếu người Mông theo tín ngưỡng truyền thống cho rằng, chỉ có anh em trong dòng họ mới thương yêu nhau hết mình, mới có thể chết trong nhà của nhau thì người Mông theo đạo cho rằng, tất cả người Mông không phân biệt dòng họ, đều là anh em, đều phải quan tâm giúp đỡ nhau và đều có thể chết trong nhà của nhau”. Từ đức tin này, “mối quan hệ dòng họ, làng bản, cộng đồng của người Mông theo đạo không còn là sợi dây liên kết giữa các thành viên; vai trò, vị trí của trưởng họ, già làng, trưởng bản cũng bị suy giảm một cách nghiêm trọng, thay vào đó là vị trí của mục sư, trưởng điểm, nhóm Tin lành”.
Từ phân tích trên, đặt ra cho công tác lãnh đạo, quản lí xã hội của cấp ủy, chính quyền các địa phương có đồng bào Mông theo đạo Tin lành nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Trong phạm vi công tác Hội NCT, đây cũng là một nội dung phải hết sức lưu tâm để góp phần nâng cao vị thế, uy tín của già làng và vai trò của NCT trên các địa bàn này.
Những bất cập cần giải quyết
Xét về mặt truyền thống, vị trí già làng có bề dày hơn nhiều so với các mục sư hay truyền đạo của đạo Tin lành và có nhiều thuận lợi hơn trong việc tạo ra uy tín trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, vai trò già làng giảm dần, ngoài nguyên nhân khách quan là do kinh tế phát triển, sự tiếp biến văn hóa hoặc ảnh hưởng của các tôn giáo… thì còn có nguyên nhân chủ quan từ chính bản thân các già làng.
Không ít nơi, đời sống của người dân còn rất khó khăn nhưng các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ chỉ dựa vào những luật tục truyền thống khắt khe và thiết chế quản lí sẵn có để phạt vạ người vi phạm. Các tệ nạn rượu chè, hút thuốc phiện, ăn uống linh đình khi ma chay, cưới xin… ít được già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ quan tâm thì các vị mục sư, trưởng điểm, nhóm Tin lành lại lấy đó là nội dung để tuyên truyền vận động tín đồ từ bỏ. Họ vận động người theo đạo bỏ tục lệ thờ cúng, ma chay, cưới xin truyền thống gây tốn kém; nam giới không hút thuốc phiện, không uống rượu; mọi người được đến điểm sinh hoạt đạo hát thánh ca… khiến đồng bào Mông, nhất là phụ nữ và lớp trẻ thấy mình được giải phóng và tin theo.
Điều đáng nói là, trong khi những hủ tục và tệ nạn này được Đảng, Nhà nước ta tuyên truyền vận động và có nhiều chủ trương, chính sách xóa bỏ từ khi có chính quyền đến nay mà sự chuyển biến còn nhiều khó khăn thì đạo Tin lành giải quyết khá nhanh chóng chỉ trong vài chục năm gần đây. Thực trạng này cho thấy, phương pháp tuyên truyền vận động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở các khu vực có đồng bào Mông theo đạo Tin lành còn bất cập và chưa hiệu quả.
Nhiều nơi, dù chính quyền, đoàn thể các cấp tuyên truyền bài bản với các chương trình rầm rộ, tập trung đông người, có nhiều chính sách ưu đãi và quà tặng nhưng có khi bà con lại chưa tin hoặc nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào Nhà nước mà không tự vươn lên. Ngược lại, các mục sư, truyền đạo thường len lỏi đến từng gia đình, lên từng nương rẫy để tuyên truyền “rỉ tai” kiểu “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp với những quà tặng đơn giản, kịp thời thì người dân cảm thấy được quan tâm thiết thực. (Còn nữa)