Mua bán đầy đủ pháp lí nhưng vẫn bị xử thua(!?)
Pháp luật - Bạn đọc 02/04/2021 07:30
Mua bán hợp pháp
Tháng 9/1994, bà Nguyễn Thị Bẩy thỏa thuận với cụ Nguyễn Thị Phương và bà Nguyễn Thị Thu (con cụ Phương) về việc chuyển nhượng ngôi nhà xây 2 gian mái bằng, nằm trên diện tích 116m2 đất và một ao nhỏ diện tích 110m2, tại tổ 7, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Giá chuyển nhượng là 32 cây vàng, bà Bẩy đặt cọc 20 cây vàng và cầm bản chính của “Giấy mua bán nhà” mang tên cụ Chắt lập năm 1971, còn lại 12 cây vàng hẹn thanh toán khi bàn giao nhà và bàn giao Giấy ủy quyền của toàn bộ các con cụ Chắt vào ngày 1/10/1994. Ngày 1/10/1994, chị Thu đã đưa Giấy ủy quyền của gia đình gồm cụ Nguyễn Thị Phương và bà Phạm Thị Lan có nội dung: “Mẹ chồng chúng tôi bà Nguyễn Thị Chắt có mua mảnh đất diện tích 1 sào 10 thước, được UBND xã Bồ Đề công nhận ngày 3/1/1971. Sau khi mẹ chồng chúng tôi chết. Chúng tôi đã bán bớt 1 phần được UBND xã Bồ Đề xác nhận. Nay phần còn lại, chúng tôi xây 1 căn nhà mái bằng 25m cho con gái tôi là Nguyễn Thị Thu (37 tuổi) hiện đang ở và quản lí căn nhà cùng mảnh đất còn lại. Hôm nay ngày 1/10/1994, chúng tôi cùng nhất trí giao toàn quyền sử dụng và sở hữu căn nhà. Nay gia đình chúng tôi không ai còn quyền hạn gì ở căn nhà cùng mảnh đất trên nữa…” và kèm theo chữ kí của toàn bộ các ngôi thừa kế gia đình bà Thu. Sau đó, bà Bẩy giao nốt 12 cây vàng và nhận nhà, hai bên đã lập văn bản chuyển nhượng nhà đất thống nhất ghi ngày 1/10/1994 và ghi giá chuyển nhượng nhà đất là 45 triệu đồng, để giảm thuế. Văn bản chuyển nhượng nhà có chữ kí của hai bên. Từ tháng 10/1994-11/1995, bà Bẩy quản lí nhà đất trên và tiến hành san lấp ao.
Bản án sơ thẩm số 116/2019/DS-ST ngày 16/12/2019 của TAND TP Hà Nội và Giấy ủy quyền sử dụng và sở hữu nhà đất. |
Đến tháng 4/1995, bà Thu mua 1 kiot tại khu vực vườn hoa Gia Lâm của bà Bảy với giá 50 triệu đồng. Tuy nhiên, kiot bị giải tỏa, nên bà Thu quay sang đòi bà Bẩy bồi thường và buộc bà Bẩy phải kí vào biên bản bàn giao đề ngày 22/11/1995 để bàn giao lại một phần nhà đất đã bán trước đó. Bà Thu phá ngôi nhà cấp 4 đã bán cho bà Bẩy và chiếm giữ nhà từ đó đến nay. Ngày 23/4/1996, Công an huyện Gia Lâm đã giải quyết việc bà Thu tự ý chiếm, phá dỡ nhà trái phép đối với gia đình bà Bẩy và có Biên bản bàn trao trả tài sản cho chủ sở hữu là bà Nguyễn Thị Bẩy. Theo đó, biên bản ghi: “Toàn bộ tài sản do Nguyễn Thị Thu phá dỡ nhà của chị Bẩy tại thôn Ngọc Lâm xã Bồ Đề ngày 22/11/1995…”.
Quá trình giải quyết vụ án, TAND TP Hà Nội tiến hành định giá tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và Biên bản định giá ngày 29/5/2009 thì diện tích đất thực tế hiện nay cụ Phương và bà Thu đang quản lí là 74,91m2. Tại các biên bản trên, bà Bẩy xác định diện tích 116m2 đất của cụ Phương và bà Thu mà bà Bẩy mua chưa bán cho ai, bị các hộ liền kề lấn chiếm và UBND phường Bồ Đề lấn chiếm làm sân chơi cho trẻ em, nên hiện nay chỉ còn 74,91m2. Đối với diện tích ao 110m2, bà Bẩy đã mua và tiến hành san lấp thì bị bà Hoàng Thị Thu chiếm dụng bất hợp pháp, đã bán lại cho gia đình bà Nguyễn Thị Thu Hiền và anh Nguyễn Quang Phú là trái pháp luật, trong khi đất đang được Tòa thụ lí.
...Tòa án bác yêu cầu khởi kiện!?
Ngày 23/9/2011, TAND TP Hà Nội do Thẩm phán Lê Sơn Hà tiến hành xét xử sơ thẩm công khai Vụ án thụ lí số 99/DS/TLST ngày 23/10/2008 về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 410/2011/QĐXX-ST ngày 9/9/2011 giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bẩy, bị đơn là bà Nguyễn Thị Thu, Phạm Thị Thủy, Phạm Trung Kiên.
Từ những căn cứ pháp lí, chứng minh bà Bẩy đủ điều kiện sở hữu nhà và quyền sử dụng đất diện tích 116m2 đất ở và diện tích 110m2 đất ao tại tổ 7 phường Bồ Đề, quận Long Biên. Tuy nhiên, TAND TP Hà Nội lại quyết định bác yêu cầu khởi kiện của bà Bẩy về việc công nhận Hợp đồng mua bán nhà đất đối với diện tích nhà xây hai gian mái bằng, nằm trên diện tích 116m2 đất ở và diện tích 110m2 đất ao tại tổ 7 phường Bồ Đề, quận Long Biên giữa cụ Nguyễn Thị Phương, bà Nguyễn Thị Thu với bà Nguyễn Thị Bẩy; xác định hợp đồng mua bán nhà đất giữa cụ Nguyễn Thị Phương, bà Nguyễn Thị Thu với bà Nguyễn Thị Bẩy là giao dịch dân sự vô hiệu, nên bị hủy; Hủy văn tự bán nhà và đơn xin mua bán nhà lập ngày 1/10/1994 có chữ kí bên bán là cụ Phương, bà Thu với bên mua là bà Bẩy. Hủy tờ khai về nhà đất xin chuyển dịch sở hữu đề ngày 1/10/1994, có chữ kí của người khai là cụ Phương và bà Thu; xác định lỗi dẫn đến giao dịch dân sự vô hiệu bị hủy, bên bán và bên mua chịu 50%; Buộc bà Nguyễn Thị Thu, Phạm Thanh Thủy, Phạm Trung Kiên phải có trách nhiệm thanh toán cho bà Bẩy số tiền cả gốc và lãi 4.572.875.590 đồng; Buộc bà Bẩy phải trả lại cho bà Thu, Thủy và anh Kiên các giấy tờ gồm: Giấy nhượng đất lập ngày 3/1/1971 giữa cụ Phan Thị Đàn và cụ Nguyễn Thị Chắt có xác nhận của UBND xã Bồ Đề; Giấy ủy quyền sử dụng và sở hữu nhà đất lập ngày 1/10/1994 giữa cụ Nguyễn Thị Phương và cụ Phạm Thị Lan.
Tuy nhiên, sau đó TAND Tối cao quyết định do vi phạm về định giá, nên TAND Tối cao trả hồ sơ cho TAND TP Hà Nội.
Ngày 16/12/2019, TAND TP Hà Nội do thẩm phán Đỗ Quảng Oai đưa vụ án trên ra xét xử, quyết định y nguyên như Bản án sơ thẩm ngày 23/9/2011. Chỉ duy nhất, số tiền thay vì bà Thu có trách nhiệm thanh toán cho bà Bẩy số tiền 4.572.875.590 đồng, nay quyết định bà Thu trả cho bà Bẩy 2.233.910.000 đồng.
Dư luận người dân cho rằng, cả 2 bản án trên đều nghiêng về phía gia đình bà Thu mà không nghiêng về pháp luật.
Tạp chí Người cao tuổi đề nghị TAND Tối cao, TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại vụ án một cách khách quan để bảo đảm quyền và lợi ích cho gia đình bà Bẩy.