Một số bài học kinh nghiệm về hòa giải ở cơ sở
Nghiên cứu - Trao đổi 23/04/2021 08:48
Tổ Hòa giải 22 được thành lập đầu năm 2020, ngay sau khi sáp nhập Tổ dân phố 31 và 32 (cũ), có 5 vị trong chi ủy, do ông Nguyễn Huy Du làm Tổ trưởng. Trong số vụ việc tồn đọng từ những năm trước, Tổ Hòa giải đã lựa chọn vụ mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng, giữa gia đình bà Tạ Thị Luân, ở số nhà 59, đường 800A với gia đình anh Nguyễn Đình Dương và vợ là chị Nguyễn Thị Huyền, ở số nhà 61, đường 800A để hòa giải.
Quá trình xây dựng nhà số 61, gia đình anh Dương đã làm văn bản xin phép và được gia đình bà Luân chấp thuận; cơ quan chức năng đã cấp phép xây dựng. Trong quá trình xây dựng từ năm 2016 có những vướng mắc nhất định, đã được Tổ trưởng dân phố 32 (cũ) và hai gia đình giải quyết ổn thỏa từ năm 2017. Tuy nhiên, đến khi phường Nghĩa Đô có ý kiến về việc kiến nghị của gia đình bà Luân trong những năm 2018, 2019, Tổ Hòa giải mới nắm rõ nội dung. Trước vụ việc đó, Tổ Hòa giải 22 đã tìm hiểu những kiến nghị của gia đình bà Luân về quá trình xây dựng nhà 61, của gia đình anh Dương đã lấn chiếm lòng đường 800A và làm ngấm nước vào tường giữa hai gia đình. Tổ Hòa giải đã xem xét lại những kiến nghị của bà Luân từ những năm trước cũng như những đền bù của gia đình anh Dương với gia đình bà Luân những năm qua để có cơ sở hòa giải các nội dung do gia đình bà Luân kiến nghị. Vụ việc này đã được UBND phường Nghĩa Đô giải quyết ổn thỏa từ năm 2017. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây gia đình bà Luân vẫn kiến nghị UBND phường Nghĩa Đô tiếp tục giải quyết về hai nội dung nêu trên, mặc dù gia đình anh Dương đã đền bù ổn thỏa cho gia đình bà Luân.
Tổ hòa giải của khu Vĩnh Tường, phường Mạo Khê, TX Đồng Triều, tỉnh Quảng Ninh trao đổi kinh nghiệm hòa giải ở cơ sở. |
Dưới sự chỉ đạo của UBND phường Nghĩa Đô, lãnh đạo của Chi ủy, Tổ Hòa giải 22 đã gặp gỡ riêng từng gia đình nắm tình hình, nhằm hòa giải kết hợp với giải thích pháp luật về đền bù thiệt hại, giúp hai gia đình nhận thức được các quyền và nghĩa vụ của mỗi bên.
Sau nhiều lần gặp gỡ riêng và gặp chung cả hai gia đình, sau khi tổ hòa giải đã phân tích, giải thích đúng sai của từng gia đình, hai gia đình đã chấp thuận, không tiếp tục khiếu kiện nữa.
Từ thực tiễn hoạt động công tác hòa giải ở cơ sở của Tổ dân phố 22, chúng tôi thấy có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Về người chủ trì công tác hòa giải ở cơ sở thường là Tổ trưởng dân phố hoặc Trưởng ban Công tác Mặt trận, phải am hiểu pháp luật, phải nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, xác định hòa giải là một biện pháp quan trọng không thể thiếu trong quá trình giải quyết các tranh chấp, trên cơ sở đó căn cứ vào tính chất vụ việc để lựa chọn phương thức hòa giải phù hợp.
- Định hướng nội dung cần hòa giải: Tổ hòa giải khi xem xét đánh giá nội dung tranh chấp, điều trước tiên phải xác định được nội dung các vấn đề cần hòa giải. Để giải quyết nội dung này, tổ hòa giải cần tìm ra nguyên nhân xảy ra tranh chấp để yêu cầu các bên đương sự cung cấp chứng cứ chứng minh. Muốn vậy, tổ hòa giải phải nắm bắt các vấn đề cơ bản và cần thiết của vụ việc, phải có sự chuẩn bị chu đáo nội dung trước cuộc hòa giải, trên cơ sở các quy định của pháp luật và các chính sách liên quan, đồng thời chú ý giải quyết các vướng mắc, tâm tư, tình cảm của các bên đương sự, với thái độ khách quan, không thiên vị, nhằm hướng các bên đương sự cùng bàn bạc, thương lượng với nhau để các vấn đề được tháo gỡ.
- Sự phối hợp giữa các thành viên trong tổ hòa giải: Là tiền đề quyết định sự thành công của cuộc hòa giải. Trong trường hợp cần thiết, tổ hòa giải phải phối hợp với Tổ trưởng dân phố và các đoàn thể ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh thủ sự đồng tình của Nhân dân, qua đó tổ hòa giải nắm bắt chi tiết, cụ thể các tình tiết liên quan đến vụ việc, trên cơ sở ấy đưa ra hướng giải quyết tích cực và hiệu quả.
- Cần chủ động đặt ra đối với các bên đương sự để bảo đảm tiến độ giải quyết, song phải căn cứ vào tính chất, nội dung của vụ việc cụ thể, để định ra khoảng thời gian phù hợp cho cuộc hòa giải, với phương châm: “Kiên trì, không nóng vội, nhưng cũng không thể kéo dài”. Việc bàn bạc thương lượng dù có đạt được thỏa thuận hay không đều phải lập biên bản phản ánh trung thực những diễn biến trong quá trình hòa giải. Những điểm bất đồng, tổ hòa giải tiếp tục nghiên cứu tìm biện pháp hòa giải cho những lần tiếp sau. Tại buổi hòa giải, tổ hòa giải cần dành thời gian, tạo cơ hội để các bên tự thỏa thuận với nhau về nội dung tranh chấp. Đây là nghệ thuật, kĩ năng của các thành viên trong tổ hòa giải, cách đặt vấn đề để các đương sự hiểu biết lẫn nhau, hiểu biết về quy định của pháp luật, nhằm đi đến hòa giải được với nhau tại mỗi cuộc hòa giải.
- Ngoài công tác chuẩn bị nội dung các bước hòa giải, công tác chọn địa điểm để tổ chức hòa giải đối với một số vụ việc cũng có ý nghĩa to lớn đối với kết quả hòa giải, như tổ chức hòa giải tại nơi xảy ra tranh chấp hoặc nơi ở của đương sự để phối hợp với các chi hội đoàn thể hoặc những người có uy tín trong cộng đồng cùng tham gia hòa giải. Như vậy, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đương sự, đồng thời tạo tâm lí thoải mái để họ ít mặc cảm hơn so với tổ chức tại địa điểm quy định như nhà sinh hoạt cộng đồng tổ dân phố.
Hòa giải ở cơ sở, nhất là ở tổ dân phố là hoạt động có truyền thống lâu đời và quan trọng tại các địa phương, cơ sở ở Việt Nam. Hoạt động này góp phần để các bên có bất đồng tự thỏa thuận và tạo đồng thuận chấm dứt tranh chấp, nối lại mối quan hệ đoàn kết, tương giao. Cùng với sự phát triển của xã hội, hòa giải ở cơ sở tiếp tục đóng vai trò rất quan trọng trong giải quyết vướng mắc, bất đồng mới phát sinh hoặc vi phạm pháp luật nhỏ tại cộng đồng, tránh phải khiếu kiện đưa ra cơ quan nhà nước hoặc Tòa án, để bảo vệ quyền của các bên liên quan.