Lo vì… bệnh sớm!
Trong mắt người già 04/10/2022 10:54
Cuối tháng trước, trên địa bàn huyện Thường Tín (Hà Nội) có 2 nhóm thanh, thiếu niên (chủ yếu từ 16 - 18 tuổi) mang theo vỏ chai bia thủy tinh, tuýp sắt hàn dao quắm, dao, kiếm… lao vào nhau để… “giải quyết mâu thuẫn”. Được biết, các đối tượng này hầu hết đã bỏ học, thường xuyên dạt nhà đi lang thang, tụ tập chơi bời đàn đúm.
Ảnh minh họa |
Việc tội phạm hình sự có xu hướng trẻ hóa, tỉ lệ người phạm tội dưới 18 tuổi ngày càng tăng làm xã hội quan ngại. Nhóm người trẻ tuổi không chỉ có những phạm tội về trật tự xã hội mà còn có những tội phạm về kinh tế, ma túy, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên mạng Internet, tội phạm công nghệ cao...
Xu hướng trẻ hóa tội phạm không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống của bản thân đối tượng phạm tội và gia đình họ, mà còn để lại những hệ lụy lớn đối với đời sống xã hội, đe dọa tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay là thiếu sự quan tâm, buông lỏng quản lí, giáo dục của gia đình, dẫn đến tổn thương về tâm lí do tự ti, mặc cảm. Cạnh đó, do nhiều cháu bỏ học sớm, lại không được giáo dục đến nơi đến chốn nên dễ bị bạn bè lôi kéo tham gia vào những hành vi tiêu cực. Ngoài ra, một số thanh, thiếu niên có hoàn cảnh gia đình “đặc biệt”, nên cũng dễ bị “lây” tật xấu từ bố mẹ rồi dẫn đến phạm tội.
Dư luận xã hội cho rằng, căn “bệnh sớm” trong thanh thiếu niên đang trở nên phức tạp, rất cần những biện pháp quản lí khoa học để giáo dục. Trước mắt cần tổ chức điều tra chặt chẽ các thanh niên trong độ tuổi mới lớn mà bỏ học, chơi bời lêu lổng để có biện pháp phòng ngừa, răn đe, không để xảy ra tình trạng đáng tiếc. Cần lấy phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa bằng cách đẩy mạnh giáo dục từ gia đình. Bởi gia đình là chủ thể giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của chính con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái. Đồng thời, cần tạo tiếng nói đồng thuận trong xã hội để giáo dục, răn đe nhằm hạn chế đến mức thấp nhất căn “bệnh sớm” trong trẻ vị thành niên hiện nay.