Linh thiêng vùng đất Hàm Rồng
Nhịp sống văn hóa 03/04/2020 14:10
Cầu Hàm Rồng nằm vắt ngang dòng sông Mã, gối đầu lên núi Rồng phía bờ Nam và núi Ngọc phía bờ Bắc, gắn với truyền thuyết của miền đất linh về rồng thiêng vờn ngọc. Cuộc chiến thắng Hàm Rồng lịch sử oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ của quân dân Hàm Rồng - Thanh Hóa đã lui vào lịch sử nhưng âm vang, hào khí thì còn mãi trên mảnh đất anh hùng.
Trong cuộc chiến tranh phá hoại, giới quân sự Mỹ đã coi cầu Hàm Rồng là “điểm tấn công lý tưởng”, nhằm cắt đứt tuyến đường giao thông huyết mạch chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam nước ta. Chúng điên cuồng cho máy bay ngày đêm ném bom xuống khu vực cầu Hàm Rồng và vùng phụ cận. Ngày ấy, giặc Mỹ đã trút xuống mảnh đất chỉ vài km2 này 20 vạn tấn bom, giết hại 8.000 người, làm 13.000 người bị thương, tàn phá cả khu dân cư đông đúc thành một đống đổ nát. Chúng muốn ta “trở về thời kỳ đồ đá”. Nhưng quân và dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã ngoan cường chiến đấu trước các đợt không kích tàn khốc của máy bay giặc Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng - huyết mạch giao thông quốc gia, bảo đảm chi viện cho chiến trường miền Nam; với khẩu hiệu "Tất cả vì miền Nam ruột thịt", "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" và tham vọng của chúng đã bị chôn vùi xuống dòng sông Mã.
Cầu Hàm Rồng |
Chỉ tính trong 2 ngày 3 - 4/4/1965, quân dân Nam Ngạn - Hàm Rồng đã thiêu rụi 47 máy bay hiện đại của Mỹ, mang lại chiến thắng vô cùng hiển hách, lập nên kỷ lục về thành tích tiêu diệt máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Và, Hàm Rồng trở thành nỗi kinh hoàng của không lực Hoa Kỳ. Sau chiến thắng tháng 4/1965 và trong suốt cuộc chiến đấu với không lực Mỹ, kéo dài 7 năm khi đế quốc Mỹ phải chấp nhận ngừng bắn hoàn toàn ở miền Bắc, quân và dân Hàm Rồng đã dũng cảm chiến đấu đánh trả 2.857 lần tốp máy bay tối tân của Mỹ, bắn rơi 106 máy bay, trong đó có cả pháo đài bay B52. Những chiến công đã làm rạng danh truyền thống anh hùng, bất khuất của Nhân dân Thanh Hóa, trở thành biểu tượng của sức mạnh chính nghĩa Việt Nam: “Đất nghèo nuôi những anh hùng/chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên”.
Không phải sau cuộc chiến vang dội ấy người ta mới biết đến Hàm Rồng, mà trong ký ức xa xưa của người Việt Nam đã có Hàm Rồng. Vùng đất nằm sát bờ Nam sông Mã với 99 núi, đồi hình thân rồng uốn lượn từ làng Vồm (Thiệu Khánh) tới tận chân cầu Hàm Rồng đã làm nên một vùng “sơn kỳ, thủy tú”. Đây còn là nơi có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, vẫn lưu giữ những mái nhà cổ, ngôi mộ cổ, những di chỉ khảo cổ học quý giá.
55 năm đã trôi qua sau những năm tháng lịch sử ấy, Hàm Rồng hôm nay đang viết tiếp bài ca ngày mới. Để tri ân với những anh hùng đã ngã xuống vì nền độc lập dân tộc, đồng thời cũng là để nhắc nhở cháu con không thể quên những mất mát, hi sinh của cha ông trong thời bom đạn. Trên mảnh đất anh hùng này đã mọc lên nhiều công trình kiến trúc tâm linh đồ sộ. Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng tọa lạc trên ngọn đồi Cánh Tiên mà năm xưa nhân dân địa phương vẫn thường gọi là đồi Đám Cháy. Quả đồi mà trong chiến tranh giặc Mỹ cho máy bay B52 ném bom rải thảm, một vệt bom chùm lên đồi, máu thấm đỏ khắp các công sự, pháo. Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng vào loại lớn bậc nhất trong các đền thờ trên đất xứ Thanh, với tổng diện tích xây dựng các hạng mục là 150.000m2, gồm 16 hạng mục theo kiến trúc đền thờ truyền thống.
Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tọa trên ngọn đồi Cánh Tiên |
Đứng ở đền thờ nhìn về phía Bắc, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng tọa lạc trên đồi C4, một trong những trận địa pháo cao xạ lừng danh nhất trên mảnh đất Hàm Rồng (ngọn đồi trong chiến tranh hứng chịu nhiều bom đạn nhất). Thiền viện nằm thanh tịnh trên ngọn đồi cao, bên bờ sông Mã, xung quanh là rừng thông xanh ngút ngàn; có tổng diện tích 40.000 m2, gồm 12 hạng mục công trình, là một thể thống nhất với hệ thống Thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Cổng Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng |
Đối diện Đền thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng, phía bên kia đường lớn là Tượng đài Thanh niên xung phong, nơi ghi công của những người anh hùng mở đường, bám trụ trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Nằm trong tổng thể của khu du lịch Hàm Rồng còn có khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích như: Khu công viên sinh thái Cánh Tiên, Khu công viên Chiến Thắng Hàm Rồng, Khu du lịch động Tiên Sơn, Khu du lịch - văn hóa Hàm Rồng…Tất cả tạo nên quần thể di tích tưởng niệm tâm linh và vãn cảnh đặc sắc.
Từ sự liên kết chặt chẽ và mang tính cộng đồng cao, cư dân Đông Sơn đã tạo nên một nền văn minh rực rỡ. Làng cổ Đông Sơn nằm bên sông Mã, thuộc phường Hàm Rồng được đánh giá là 1 trong 10 làng cổ đẹp nhất của Việt Nam. Làng cổ Đông Sơn hội đủ 5 di tích về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc. Làng cũng có các di tích, đình, chùa, miếu, mái đình, giếng nước,…đậm chất làng quê Bắc Bộ xưa.Tại ngôi làng cổ này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trống đồng Đông Sơn – biểu tượng rực rỡ của văn minh thời đại Hùng Vương, có giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi và 13 ngôi nhà cổ.
Hố khai quật thám sát 2 tại di tích Đông Sơn (Hàm Rồng) |
Hàm Rồng xưa địa danh nào cũng thấm đỏ máu và đầy ắp những chiến công. Hàm Rồng nay đã tỏa sáng một vùng đất linh thiêng. Chính bề dày lịch sử, văn hóa, đấu tranh cách mạng tạo dựng nên mảnh đất anh hùng và tôi luyện nên con người Hàm Rồng - Thanh Hóa ngoan cường, bền bỉ.