Lễ chùa đầu năm - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
Nghiên cứu - Trao đổi 06/03/2024 10:02
Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ở các ngôi chùa lại chào đón phật tử, người dân khắp bốn phương đi lễ chùa đầu năm. Đây không chỉ là tín ngưỡng, mà còn là nét đẹp văn hóa truyền thống từ xa xưa được lưu giữ đến hôm nay. Từ thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, ở các chùa đã nhộn nhịp từ cửa vào đến chánh điện. Từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, không cầu kì lễ vật, họ đến lễ Phật với lòng thành tâm, cầu mong năm mới gia đạo bình an, hạnh phúc, phát tài, gặp nhiều may mắn.
Trong tâm thức của người Việt, chùa là chốn tôn nghiêm, linh thiêng nhưng cũng rất gần gũi; là nơi có giáo lí nhà Phật hướng định con người đến các giá trị đạo đức thiện lành, hiểu biết, yêu thương, từ bi hỉ xả; khuyên mọi người tránh xa lầm lạc, tham, ác, sân, si… Chính vì thế, cửa thiền, cửa Phật, cửa chùa luôn rộng mở với mọi người và ai cũng cảm thấy bình yên, thảnh thơi, an lành, hạnh phúc… mỗi khi lui tới viếng thăm.
Theo quan niệm người xưa, trong tháng Giêng, nếu đi lễ đủ 10 chùa sẽ phúc đức cả năm. Một người dân ngụ tại xã Tân Chánh, huyện Cần Đước chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, sáng sớm mùng 1 là cả gia đình tôi đi chùa lễ Phật. Rút kinh nghiệm mấy năm trước, đi trễ là chen lấn không lọt. Đi sớm sẽ đi được nhiều chùa. Trong năm, ngày mùng 1 và Rằm tháng Giêng là 2 ngày quan trọng, tôi nhất định phải đi chùa, lễ Phật. Cũng giống như mọi người, gia đình tôi đi chùa cầu sức khỏe, hạnh phúc, phát tài, vạn sự như ý. Không những vậy, đi chùa, lễ Phật đầu năm giúp tôi tìm thấy sự bình an, thanh tịnh và cảm nhận không khí Tết”.
Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc sống mưu sinh và cũng là dịp để du Xuân, vãn cảnh… mới thấy được phong tục lễ chùa ngày Tết quả thật đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân.
Không chỉ có người lớn đi chùa, ngày nay, việc đi chùa lễ Phật cũng thu hút khá đông các bạn trẻ, với mong muốn cầu cho việc học hành, thi cử đỗ đạt. Dù biết việc học hành, thi cử là do mình siêng năng, chăm chỉ học tập mới đạt kết quả cao, nhưng Tết năm nào, nhiều em học sinh cũng đi chùa cùng với ba mẹ, cầu cho việc học tập đỗ đạt.
Ngoài việc đi chùa vào dịp Tết, nhiều người tin rằng, đi lễ Phật Rằm tháng Giêng - Rằm đầu tiên trong năm là thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm.
Điều đáng quý nhất mà tôi nhận thấy là bà con phật tử hoặc khách du Xuân viếng chùa hành xử rất văn minh, lịch sự, thành tâm. Từ trang phục đẹp, kín đáo với áo dài truyền thống cho tới cung cách đi đứng, nói năng ứng xử đều nhẹ nhàng, vui vẻ, có văn hóa. Nơi tôi đến, tuyệt nhiên không có hiện tượng gây phản cảm như chen lấn, xô đẩy hoặc bẻ cành, lặt lá trong vườn chùa…
Có thể nói, đối với mỗi người dân, đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, qua đó không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn vun đắp cho tinh thần người Việt thêm trân trọng những giá trị cội nguồn, đi chùa lễ Phật đầu năm đã trở thành nét văn hóa của người Việt Nam, là sinh hoạt đặc sắc trong những ngày đầu năm mới.
Đầu năm đến chùa để cầu nguyện bình an, may mắn chính là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Việt. Vấn đề là mỗi người cần phải nâng cao nhận thức và có cách ứng xử đúng đắn để vừa gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa thể hiện nét đẹp văn hóa du Xuân mỗi dịp Tết đến Xuân về!.