Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng hương các Vua Hùng
Văn hóa - Thể thao 21/04/2021 14:03
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng hương các Vua Hùng tại Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. |
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, hàng triệu triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên dải đất Việt Nam đã lập hơn 1.417 di tích thờ các Vua Hùng, rồi tổ chức Giỗ Tổ hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hoá độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Sửu – 2021 tại Công viên văn hóa lịch sử dân tộc TP Hồ Chí Minh sáng ngày 21/4 (nhằm ngày mùng 10/3 âm lịch): Hàng năm, vào dịp mùng mười tháng ba âm lịch, những người con Lạc Việt trên khắp mọi miền đều thành kính hướng về Quốc Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Tổ tiên, tưởng nhớ những linh hồn đã vị quốc vong thân mà khai sinh, tạo dựng nên non nước Việt Nam giàu đẹp, đắp bồi và gìn giữ mảnh đất thiêng liêng của cha ông qua mấy ngàn năm lịch sử.
“Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền
Cành Nam, cành Bắc một cội nên”
Hùng Vương là thủ lĩnh của nước Việt Nam thời kỳ bắt đầu dựng nước. Con người Việt Nam thời Hùng Vương vừa mới cố sức vươn lên khỏi cuộc sống tự nhiên đầy khó khăn gian khổ, rừng rậm, đầm lầy, thú dữ, bão giông, lụt lội… đã phải đương đầu với kẻ thù xâm lược. Tản Viên Sơn Thần (Sơn Tinh - vị thần núi Tản Viên) là truyền thuyết tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên cho chiến thắng thiên tai; Thánh Gióng là truyền thuyết ca ngợi tinh thần chiến đấu bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc ta…
Để từ đó, đã làm nên một thời đại Hùng Vương với nền văn hóa Đông Sơn, tạo dựng nhà nước đầu tiên của người Việt - nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, tiếp nối bằng dòng chảy văn hóa Đại Việt của thời đại Lý - Trần và kết tinh, tiếp thành văn hóa Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh.
Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử dân tộc, chính thời kỳ này đã xây dựng nên một nền tảng của dân tộc Việt Nam, nền tảng văn hóa Việt Nam và truyền thống yêu nước Việt Nam.
Đồng thời là dịp quan trọng để chúng ta chuyển tải ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo đã tồn tại hàng ngàn năm nay, thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
“Nhớ ơn và bày tỏ lòng biết ơn lên Quốc Tổ và biết bao vị tiền nhân dân tộc, những người con từ mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh kế thừa phát huy truyền thống cách mạng, bản lĩnh kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; tiếp tục nỗ lực, phấn đấu và sáng tạo không ngừng để thực hiện công cuộc dựng xây, phát triển thành phố mang tên Bác trong giai đoạn mới “Vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”; quyết tâm vượt qua mọi thử thách nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid - 19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, sớm đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đi vào cuộc sống. Thành quả cuối cùng, có ý nghĩa quan trọng nhất đó chính là chất lượng sống của người dân, là hàm lượng thông minh trong các dịch vụ công cộng xã hội nhằm phục vụ con người, là thái độ phụng sự Nhân dân đi cùng hiệu quả phục vụ, mang lại một hệ sinh thái khởi nghiệp, lạc nghiệp ngay trên vùng đất văn minh - hiện đại - nghĩa tình”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Sức mạnh cội nguồn từ ngàn xưa đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, trường tồn và không ngừng phát triển; để dẫu đi qua mấy ngàn năm lịch sử, “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”, luôn là đạo lý, là cốt cách, là thế ứng xử văn hóa muôn đời của những người con Việt.