Lãng phí các nguồn lực công
Đời sống 03/12/2024 09:32
Bên cạnh huy động xã hội hoá, kêu gọi đầu tư nước ngoài, thì vẫn đang có một nguồn lực tại chỗ khá lớn, nếu có giải pháp hữu hiệu sẽ bổ sung đáng kể cho phát triển. Đó là những nguồn lực công đang bị lãng phí. Cụ thể có bốn hình thức lãng phí nguồn lực công sau:
Ảnh minh họa |
Lãng phí tài nguyên đất đai lâu nay đã được “mổ xẻ”, đánh giá khá rõ, đặc biệt ở các đô thị. Dù với diện tích tự nhiên không quá nhỏ, tỉ lệ người dân có nhà ở chưa cao nhưng tỉ lệ đất dành cho giao thông, công trình công cộng (công viên, bệnh viện, trường học, thư viện, nhà văn hoá…) ở nước ta thuộc loại thấp so với thế giới. Trong khi đó, từng có những giải pháp hay nhưng không được thực hiện. Đó là tập trung văn phòng đại diện phía Nam của các Bộ, ngành về toà nhà số 5 Lê Duẩn (TP Hồ Chí Minh) để thu hồi “đất vàng” dành cho công trình công cộng, thương mại dịch vụ… tạo thêm nguồn vốn đầu tư lên đến cả tỉ USD. Đương nhiên, nguồn vốn lớn khai thác tại chỗ ấy có thể đầu tư cải thiện ngay hạ tầng giao thông thành phố như tàu điện ngầm, đường trên cao… thay vì phải huy động trái phiếu với lãi suất cao. Rất tiếc là việc lãng phí tài nguyên vẫn tồn tại phổ biến, không chỉ ở các đô thị mà cả đất nông, lâm nghiệp. Thậm chí gần đây, còn xuất hiện những “thành phố hoang” tại Bình Dương, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Mộc Bài (Tây Ninh) và nhiều khu kinh tế…
Lãng phí vật tư, thiết bị, tiền vốn (nói nôm na là vật chất đo đếm được) hiển hiện ngay trước mắt. Đó là tình trạng những con đường “lấp xuống rồi lại đào lên”, tỉ lệ thất thoát nước máy sinh hoạt có lúc tới gần 50% ở các thành phố lớn… Điều đáng nói là sự lãng phí này ai cũng thấy, cũng nhận diện nhưng khắc phục thì hiệu quả không đáng kể và những người gây ra sự lãng phí này vẫn vô can, thậm chí vẫn thăng tiến..,
Lãng phí về thời gian cũng là một dạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn tồn tại ở mọi lĩnh vực và sự khắc phục lại quá chậm. Những dự án bị “ngâm” nhiều năm trời làm tổn hao biết bao công sức của nhà đầu tư, những dự án triển khai ì ạch làm vốn đầu tư tăng vọt theo thời gian… là điển hình rõ nhất của sự lãng phí này…
Lãng phí nhân lực trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đối với các công chức, viên chức hưởng lương theo chế độ bao cấp, không gắn với hiệu quả công việc và trách nhiệm, hao tốn chi phí công sở dù đã được nhận diện từ lâu nhưng hầu như chưa có nhiều thay đổi. Điều đáng nói là bộ phận nhân lực bị lãng phí này đa số đã được đào tạo, có trình độ cao đẳng, đại học…
Thiết nghĩ, lãng phí nguồn lực công gây hại không kém tham nhũng có khi còn lớn hơn vì do lượng tiền hữu hình và cả vô hình khổng lồ bị mất đi. Nếu có giải pháp hữu hiệu, chỉ cần khắc phục được một phần cũng sẽ chuyển hoá thành nguồn lực không nhỏ cho đầu tư phát triển của đất nước nhanh và bền vững.