Lắng đọng văn hóa người Cơ Tu
Nhịp sống văn hóa 09/07/2019 10:28
Ông Đinh Văn Trí (72 tuổi), Chi hội trưởng NCT thôn Phú Túc, xã Hòa Phú cho biết: Với chủ đề “Lắng đọng văn hóa người Cơ Tu” trại điêu khắc dự kiến mỗi nghệ nhân tham gia sáng tác 3 tác phẩm là tượng người, động vật hoặc phù điêu con người trong sản xuất, đời sống, săn bắt thú rừng...
Các tác phẩm được vinh danh và lưu giữ trong công viên vườn tượng tại khu du lịch sinh thái Suối Hoa nhằm giới thiệu văn hóa của người Cơ Tu bản địa cho du khách trong và ngoài nước tham quan.
Múa tung tung da dá trước khi tổ chức lễ bế mạc Hội trại sáng tác tượng gỗ Cơ Tu- 2019. |
Nghệ nhân Ca Lâu Nhím (65 tuổi), trú tại thôn Gừng, thị trấn Prao, huyện Đông Giang chia sẻ: Điêu khắc của người Cơ Tu có từ lâu đời. Ở các Gươl làng hay trong từng nếp nhà của đồng bào đều được trang trí bằng điêu khắc đủ loại về con người, loài vật hoặc sinh hoạt cộng đồng... Những bức tượng, tranh điêu khắc gỗ là biểu tượng, niềm tự hào của người Cơ Tu.
Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Bhriu Pố 70 tuổi (ở thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang), người được trao giải Nhất với tác phẩm “Mẹ rừng” cho biết: Người Cơ Tu sinh sống dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ từ xa xưa, rừng gắn bó mật thiết, chở che, nuôi sống họ. Người Cơ Tu không xem rừng là thứ tài nguyên để chiếm lĩnh, khai thác… mà coi rừng như một phần ruột thịt của mình. Khi rừng không bị tàn phá, bầu sữa của mẹ rừng sẽ nuôi dân làng sinh sống ấm no, hạnh phúc. Tác phẩm “Mẹ rừng” của tôi dựa theo ý tưởng đó nhằm gióng lên tiếng chuông nhắc nhở việc “bảo vệ rừng”.
Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hòa Vang cho biết: Các bức tranh điêu khắc gỗ của người Cơ Tu là những phác họa đơn giản, những nhát gọt, đẽo không cầu kì về đường nét song đã phản ánh được nhân sinh quan, thế giới quan của dân tộc mình về vũ trụ, trời đất, vạn vật, vẻ đẹp trong phong tục, tập quán và lao động, sản xuất...
Ông Đặng Thương, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nhận xét : “Chỉ sau 15 ngày lao động nghệ thuật, các nghệ nhân đã sáng tác được 45 tác phẩm gồm các thể loại: Huyền thoại, truyền thuyết, tín ngưỡng, chân dung, đời sống lao động sản xuất, lễ hội, muông thú… Các tác phẩm có tính thẩm mĩ cao và sắc thái riêng, thể hiện sinh động bản sắc văn hóa của người Cơ Tu. Tiêu biểu như các tác phẩm “Mẹ rừng”, “Rồng Adooc, đầu gà, thân rắn, đuôi cá, “Cảnh báo Chim bồ cành”, “Đôi bạn tắc kè”, Thổi khèn ”… Hội trại lần đầu được tổ chức nhưng đã thành công rỡ”.
Trại sáng tác tượng gỗ Cơ Tu huyện Hòa Vang năm 2019 khép lại với 45 tác phẩm điêu khắc gỗ được trưng bày, có 18 tác phẩm được trao giải, trong đó 2 giải nhì được trao cho các tác phẩm “Trai làng đấu toản” của Alăng Bêu, huyện Đông Giang và “Mùa da dá” của Bhriu Toàn, huyện Tây Giang. Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Mẹ rừng” của Bhriu Pố, huyện Tây Giang.