Người đi đầu trong mọi việc của thôn

Tuổi cao gương sáng 22/05/2025 09:24
Bản Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị hiện nay không còn những mái nhà sàn dột nát, thay vào đó là nhiều ngôi nhà sàn khang trang mọc lên bên những cánh rừng trồng, nương sắn, những ruộng lúa nước chín vàng, những rừng chuối mướt xanh no ấm. Công sức ấy là nhờ sự kết hợp giữa các chính sách của Đảng và Nhà nước, sự tự lực vươn lên của bà con Vân Kiều, Pa Kô và cả sự tận tình của trưởng bản Hồ Thị Men.
Học hết lớp 10, nhà nghèo khó nên Men nghỉ học. Nhưng với bản tính ham học, sau này Men đã tiếp tục quay lại học bổ túc văn hóa cho hết cấp 3. Rồi nỗ lực phấn đấu và được kết nạp Đảng từ nhiều năm trước. Men là 1 trong 500 học viên đầu tiên của dự án 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc do Bệnh viện Từ Dũ mở từ tháng 9/2005-1/2006.
![]() |
Chị Hồ Thị Men. |
Được đi học, rồi đảm nhận vai trò cô đỡ thôn bản, Men đã thành công trong việc hạn chế tăng dân số ở bản Tà Lao, giảm hẳn việc sinh con ngoài ý muốn, bảo đảm sức khỏe cho gia đình để tập trung lo cho đời sống kinh tế. Men lặn lội đến từng nhà trong bản để tuyên truyền, vận động, phân tích hết mọi lẽ thiệt hơn, từ đó mọi người cũng hiểu ra. Để đồng bào phát triển kinh tế, Men là cán bộ phải làm gương để bà con noi theo. Chị cùng chồng xây dựng mô hình trang trại với 3 ha trồng rừng, 1 ha trồng sắn và đào 4 sào hồ nuôi cá nước ngọt cho thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng mỗi năm. Đây cũng là nơi để người dân bản Tà Lao cũng như nhiều bản làng khác tìm đến học hỏi kinh nghiệm, cách làm giàu. Cứ thế, từng người từng hộ học hỏi rồi nhân rộng mô hình phát triển kinh tế. Bây giờ Tà Lao có 88 hộ thì chiếm đến 30 - 40% là hộ khá, hộ giàu nhờ trồng rừng và chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vừa là cô đỡ thôn bản, vừa là trưởng bản, Phó Bí thư chi bộ thôn Tà Lao, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn, Men còn là thành viên cốt cán của Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tà Lao từ năm 2019. Là phụ nữ nhưng phải băng rừng, trèo đèo, lội suối để đến từng cánh rừng, chưa kể quá trình đi còn gặp nhiều nguy hiểm khác nhưng Men đều vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tà Lao được giao khoán gần 1.150ha ở nhiều tiểu khu khác nhau, do đó việc tuần tra, kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên. Mỗi đợt tuần rừng phải xuất phát từ tờ mờ sáng, đi rừng hàng chục cây số với nhiều khúc quanh co, cheo leo, có đoạn phải vượt núi hiểm trở mới tiếp cận được. Dù vất vả và nhiều nguy hiểm nhưng vì nhiệm vụ, những người giữ rừng phải cố gắng hoàn thành, mong sao giữ được màu xanh của rừng cho mai sau. Hơn 6 năm gắn bó làm tốt với nghề “giữ rừng”, Men còn làm tốt công tác tuyên truyền, từng thuyết phục thành công rất nhiều đối tượng có ý định khai thác rừng trái phép, đặt bẫy chim, thú để không phá rừng.
![]() |
Chị Hồ Thị Men và chị Hồ Thị Thế tuần tra bảo vệ rừng. |
Chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long cho biết, chị Men là trưởng bản, tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Tà Lao là tấm gương sáng cho phụ nữ Vân Kiều, Pa Cô ở địa phương noi theo. Không chỉ giúp người dân bản phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe mà còn là người “cầm cương” cho nhiều phong trào ở bản Tà Lao.
Chồng chị Hồ Thị Men hiện làm cán bộ UBND xã Tà Long. Ba người con chị đều đang đi học, trong đó có đứa đang học đại học tại Huế. Ngôi nhà sàn của vợ chồng chị Men ngập tràn Bằng khen của các cơ quan huyện, xã tặng người phụ nữ này.