Khu du lịch giải trí Sông Lô, xã Phước Đồng, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Hậu quả việc thu hồi đất trái quy định pháp luật
Pháp luật - Bạn đọc 13/06/2019 10:30
Một trong những trường hợp điển hình, là hộ ông Nguyễn Văn Bình, trú 55 Lý Thánh Tôn, TP Nha Trang, nhưng có mẹ, em trai và đất ở thôn Phước Hạ. Ông Bình, quê huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, năm 1971, nhập ngũ, vào chiến đấu tại chiến trường Quân khu V. Năm 1973, ông bị thương với tỉ lệ 31% và nhiễm chất độc da cam. Sau năm 1975, ông chuyển ngành sang công tác ở một Xí nghiệp đông lạnh tại TP Nha Trang. Năm 1987, ông đưa mẹ là cụ Trần Thị Hưng và em trai là Nguyễn Văn Quẳng vào thôn Hải Thọ Đông, xã Phước Đồng, TP Nha Trang lập nghiệp theo chính sách kinh tế mới.
Ngày mới đến, cuộc sống còn biết bao khốn khó, chưa có đường đi, không có điện để thắp sáng, nhà chưa có để ở, thiếu nước ngọt sinh hoạt… Nhưng nhờ cần cù, chịu khó nên cuộc sống dần ổn định. Tuy nhiên, từ năm 2001, khi xuất hiện Khu du lịch giải trí Sông Lô của Công ty TNHH Xây dựng Hoàn Cầu (Công ty Hoàn Cầu), thì cuộc sống của gia đình ông cũng như nhiều người dân ở đây hoàn toàn bị đảo lộn. Theo Quyết định số 252/TTg ngày 9/3/2001 của Thủ tướng Chính phủ, diện tích Công ty Hoàn Cầu được thuê 1.708.404m2; khu đất được xác định theo các tờ bản đồ trích đo địa chính từ số 24 đến số 30/2001/BĐ-ĐC, tỉ lệ 1/2000 do Sở Địa chính Khánh Hòa xác lập ngày 30/1/2001. Thửa đất của gia đình ông Bình nằm ở tờ bản đồ 22, ngoài dự án. Thế nhưng, ngày 8/10/2001, bỗng xuất hiện Thông báo số 142/TB-UB của UBND TP Nha Trang và Hội đồng Bồi thường, niêm yết danh sách đền bù hỗ trợ, giải tỏa (Đợt III). Một cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt của những người dân có đất và Công ty Hoàn Cầu, được chính quyền địa phương ủng hộ đã diễn ra. Ông Bình vừa đại diện cho anh em trong gia đình, đồng thời đại diện nhiều người dân có đất cho rằng: Đất của họ nằm ngoài diện tích đất của Công ty Hoàn Cầu được Chính phủ cho thuê. Quá trình thực hiện dự án, Công ty Hoàn Cầu thực hiện bồi thường cho các hộ dân theo giá quy định của UBND tỉnh Khánh Hòa; lấy đất của dân, bán cho mỗi hộ dân một suất tái định cư. Nếu là ở mặt đại lộ Nguyễn Tất Thành thì 200m2; ở tuyến sau, đường 16m thì 400m2. (Theo quy định đất ở nông thôn của Chính phủ). Ông Bình và các hộ dân buộc phải chấp hành.
Mặc dù đất gia đình ông chưa có quyết định thu hồi, nhưng dưới sức ép của chính quyền địa phương và Ban quản lí dự án, ngày 10/4/2002, ông Bình đã chấp nhận đến UBND xã Phước Đồng kí Biên bản “Về việc chi trả tiền đền bù, hỗ trợ” cho mẹ ông, cụ Hưng; bản thân ông và em trai là ông Quẳng. Số tiền ông Bình được bồi thường 19.128.026 đồng; cụ Hưng, được 27.653.800 đồng; ông Quẳng được 46.490.500 đồng. Tổng cộng cả 3 người là 93.272.326 đồng. Diện tích đất gia đình ông bị thu hồi 8.914m2. Bình quân mỗi mét vuông được bồi thường 8 nghìn đồng. Bên cạnh việc bồi thường, 3 hộ dân còn được Công ty Hoàn Cầu hứa sẽ bán cho mỗi hộ một lô đất tái định cư 200m2, mặt đường Nguyễn Tất Thành, giá 24 triệu đồng/lô. Trừ tiền lô đất, cụ Hưng được nhận 3.653.800 đồng; ông Quẳng được nhận 22.490.500 đồng. Riêng ông Bình, phải nộp thêm hơn 4.800.000 đồng. Tuy nhiên, điều không thể chấp nhận, cả gia đình ông Bình, cũng như nhiều hộ dân khác, đã không được nhận đất tái định cư, trong khi đó họ đã bị cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa.
Ông Bình và các hộ dân đã không biết bao lần gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến các cấp có thẩm quyền từ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa lên Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội, Trung ương Đảng, các cơ quan báo chí, cơ quan bảo vệ pháp luật, nhưng chưa được giải quyết thấu tình, đạt lí. 16 năm nay, Công ty Hoàn Cầu chưa thể sử dụng đất của gia đình ông, nhưng ngược lại gia đình ông cũng không thể ở và làm ăn sinh sống được. Đất vẫn bỏ hoang, nhưng gia đình ông Bình không có đất làm nhà ở và đất để sản xuất, bảo đảm cuộc sống.
Năm 2018, thực hiện ý kiến chỉ đạo của trên, UBND TP Nha Trang có những động thái mới. Ngày 30/01/2018, TP Nha Trang có Thông báo số 74/TB-UBND, giao cho UBND xã Phước Đồng chủ trì, phối hợp với Công ty Hoàn Cầu và các cơ quan liên quan, tổ chức vận động các hộ dân giao mặt bằng. Trường hợp không chấp hành, lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương cưỡng chế. Riêng số tiền Công ty Hoàn Cầu đã nhận 24 triệu đồng của dân để mua đất tái định cư là chưa đúng quy định, yêu cầu trả lại cho họ; đồng thời cấp cho mỗi hộ dân 200m2 đất theo chủ trương của UBND tỉnh.
Thực hiện kết luận nói trên, UBND xã Phước Đồng, Công ty Hoàn Cầu và các cơ quan liên quan liên tục tổ chức hòa giải vào các ngày: 23/3; 20/7 và 19/11/2018. Tại các cuộc hòa giải, Công ty Hoàn Cầu đưa ra mức hỗ trợ cho các hộ dân, trong đó có hộ ông Bình số tiền 4.480.000.000 đồng. Ông Bình không đồng ý. Ông nói, 16 năm qua, Công ty Hoàng Cầu và TP Nha Trang đã cưỡng chế nhà, hủy hoại cây trồng, lấy đất triệt tiêu cuộc sống của gia đình ông, trong đó có người mẹ già góa bụa và gia đình người em trai, khiến họ rơi vào hoàn cảnh quẫn bách. Ông Quẳng bị tai nạn giao thông tử vong, vợ con ông không có nhà, phải quay trở về quê tá túc trong nhà bà con dòng họ. Ông Bình khẳng định: Đất của ông không nằm trong dự án. Điều này đã được ông Mai Xuân Hưng, người đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận. Việc cưỡng chế nhà, thu hồi đất của Công ty Hoàn Cầu và TP Nha Trang, khi chưa có quyết định thu hồi đất là trái pháp luật. Do đó, họ phải chịu trách nhiệm. Công ty Hoàn Cầu là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh, thương mại. Hiện họ đang xây chung cư, biệt thự bán hoặc cho người Trung Quốc thuê thông qua người Việt Nam. Do đó, Công ty Hoàn Cầu muốn lấy đất của gia đình ông, thì chỉ có con đường thương lượng, theo Điều 73 Luật Đất đai 2013. Căn cứ trên diện tích đã có, thống nhất với nhau theo giá thị trường rồi “tiền trao cháo múc”. Nếu không thực hiện được như thế, đơn giản là trả lại đất cho gia đình ông. Ngoài ra, Công ty Hoàn Cầu còn phải hỗ trợ cho mẹ và em trai ông khoản tiền thuê nhà 16 năm nay.
Chúng tôi thấy không cần bình luận thêm, vì phương án mà ông Bình đưa ra là quá chí tình, chí nghĩa. Thiết nghĩ, Công ty Hoàn Cầu nên thực hiện ngay và chính quyền TP Nha Trang, cũng như tỉnh Khánh Hòa không nên ưu ái nhà đầu tư này thêm một lần nữa.