Huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Làm trái chính sách bồi thường, vi phạm Luật Báo chí và quy trình giải quyết đơn?
Pháp luật - Bạn đọc 29/05/2018 16:59
Làm trái chính sách bồi thường
Như thông tin Báo điện tử Ngày mới đã phản ánh: Thực hiện chính sách bồi thường sự cố môi trường biển, 73 hộ nuôi cá lồng bè trên địa bàn xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà đã kê khai, được Hội đồng đánh giá thiệt hại xã kiểm tra, rà soát lập biên bản vào các ngày từ 23 đến 25/5/2016 ghi rõ: “…Cá lồng bè nuôi trên sông Hộ Độ bị chết; Đoàn xuống kiểm tra: diện tích 135m3, thả giống cá chẽm (hồng Mỹ) 2.000 con… Cá chết trên 70% do sốc từ nguồn nước, hộ nuôi tự gom cá xử lí”.
Ông Võ Viết Lượng đọc đơn khiếu nại gửi Ban Tiếp dân Trung ương cho các hộ nghe, bổ sung
Mẫu 1.2 (Ban hành kèm theo Công văn số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) còn có đầy đủ ý kiến của Trưởng thôn; chữ kí, ghi rõ họ tên, chức vụ của Chủ tịch UBND xã.
Hồ sơ đề nghị bồi thường được huyện thẩm định, áp giá, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh phê duyệt, giá trị thiệt hại mỗi lồng bè có thể tích 135m3 nước, 2.000 con giống, thời gian nuôi trên 90 ngày là 92.680.000 đồng. Thế nhưng, sau hơn 300 ngày niêm yết công khai, ông Nhàn lại kí, ban hành Văn bản số 38/HĐ cho rằng: “Các hộ không thả nuôi sau khi cá chết rét; không cung cấp hợp đồng mua bán, hóa đơn GTGT của đơn vị cung ứng giống trước ngày 17/10/2017. Do vậy, Hội đồng rà soát, đánh giá thiệt hại do sự cố môi trường biển của xã Hộ Độ và huyện Lộc Hà thẩm định, phê duyệt cho các hộ nuôi cá lồng bè ở xã Hộ Độ được hỗ trợ mỗi hộ 17.460.000 đồng theo Điểm a, Khoản 1.2; Điểm 1 Văn bản số 7433/BNN-TCTS và Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.
Qua trao đổi giữa nhóm người được ủy quyền, đại diện các hộ nuôi cá với Hội đồng bồi thường sự cố môi trường biển và Bí thư, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ tại Phòng Tiếp dân huyện Lộc Hà, ông Phan Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng: “Các hộ không có hồ sơ chứng minh là tiếp tục nuôi, sau khi được huyện hỗ trợ cá chết rét, không có hồ sơ thả giống. Tại Mẫu 1.2, các hộ khai thời gian thả từ tháng 11 đến tháng 12/2015, mà cá chết rét từ 20 đến 23/1/2016. Trong số 73 hộ nuôi, chỉ có hộ anh Dần, anh Dũng là có hóa đơn mua giống; 71 hộ khác không có hồ sơ chứng minh”.
Các hộ dân phản ứng, chất vấn, ông Nhàn rằng: “Cá bị chết rét mà không thả giống thì nuôi con gì để có 2.000 con và chết trên 70% vào các ngày 25/5 đến 27/5/2016? Hồ sơ đền bù của các hộ do ông Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã, ông Thanh phụ trách môi trường, Chủ tịch Hội nông dân, Thôn trưởng cùng các hộ đi kiểm tra, lập biên bản và Mẫu 1.2 do Thôn trưởng và Chủ tịch UBND xã kí là làm giả?
Ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã và ông Khanh, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Quy trình bồi thường đã được xã tổ chức thực hiện đúng, hồ sơ đền bù hoàn toàn thật, không bao giờ chúng tôi lập khống hồ sơ để lấy tiền Nhà nước, bồi thường hay không là do huyện”.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chung quan điểm với ông Nhàn. Ông Nghĩa còn yêu cầu dân phải có hóa đơn đỏ, phiếu xuất kho của các hộ đang là bản phô tô… Ông Võ Viết Lượng và các hộ phản ứng: “Chúng tôi mua cá về nuôi, chứ không phải lấy hóa đơn để thanh toán với Nhà nước, cũng không biết cá chết sẽ được đền bù, nên chúng tôi không quan tâm đến hóa đơn đỏ. Chúng tôi cử người đại diện đi mua ở Trại sản xuất giống thủy sản Quỳnh Liên, lấy phiếu xuất kho để làm cơ sở cho các hộ cùng mua giống biết. Nếu lấy hóa đơn đỏ, bà con sẽ mất thêm 10% tiền giống nữa, ai cho? Chúng tôi nuôi cá là có thật, cá chết là có thật và được Hội đồng đền bù từ thôn xóm đến xã lập biên bản đàng hoàng, chứ có làm khống đâu mà các anh không trả tiền…”.
Ông Võ Minh Châu (người được các hộ ủy quyền) nói: “Theo quy định tại Quyết định 12 của Chính phủ và Hướng dẫn 262 của UBND tỉnh, việc bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển được thực hiện theo 2 kênh: Thứ nhất là có hóa đơn chứng từ chứng minh, thứ 2 là cộng đồng dân cư xác định. Ở đây, các hộ nuôi đã được thực hiện đúng quy trình. Các hộ còn có phiếu xuất kho có nghĩa là kênh thứ nhất đã được bảo đảm. Tại sao huyện cứ để kéo dài mãi mà không làm, để dân mất ăn, mất làm, bỏ công đi khiếu nại?”.
Ông Nhàn yêu cầu các hộ cung cấp bản gốc phiếu xuất kho trong nội một ngày. Và người dân đã thực hiện đúng. Vậy, sao đã hơn 3 tháng, ông Nhàn không chịu trả lời, Hội đồng bồi thường không giải quyết?.
Một trong số lồng bè bị hư hỏng sau sự cố môi trường biển
Căn cứ Mục 2 về phương pháp tính toán giá trị thiệt hại đối với nuôi trồng thủy sản, kèm theo Công văn số 6851/BNN-TCTS ngày 12/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc ông Phan Văn Nhàn chỉ “cho” mỗi hộ nuôi (kể cả nuôi nhiều lồng) 17.460.000 đồng, là cố ý làm trái quy định về chính sách bồi thường sự cố môi trường biển.
Bỏ “lơ” quy trình giải quyết đơn, “đánh đố”dân, vi phạm Luật Báo chí
Bất đồng với hành xử của Chủ tịch Hội đồng bồi thường, 68 hộ nuôi cá (5 hộ là cán bộ, đảng viên đã bị ép nhận tiền) viết đơn yêu cầu: Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ trả tiền bồi thường thiệt hại do cá bị chết, theo đúng quy định của Nhà nước. Thế nhưng, ông Nhàn vẫn khăng khăng chỉ bồi thường hơn 17 triệu đồng. Các hộ ủy quyền cho luật sư và một nhóm người nhờ giúp, đồng thời gửi đơn đến Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới đề nghị làm rõ.
Ngày 9/1/2018, Báo điện tử Ngày mới đăng bài: “Huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Cần bồi thường đúng chính sách, pháp luật cho người nuôi cá”, nêu rõ quy trình tổ chức thực hiện, kết quả kiểm tra, xác minh… đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ, đồng thời cung cấp thông tin cho Báo, để trả lời bạn đọc, nhưng không được trả lời.
Ngày 5/2/2018, Báo Người cao tuổi có Công văn số 13/CV-BNCT, đề nghị Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà tạo điều kiện, bố trí lịch làm việc với Báo Người cao tuổi và đại diện các hộ, nhằm trao đổi làm rõ những vấn đề xung quanh vụ việc. Công văn đến vào ngày 9/2/2018, nhưng huyện Lộc Hà vẫn “bỏ lơ”. Phóng viên trực tiếp trao đổi với Phó Văn phòng; Chánh Văn phòng UBND huyện; làm Giấy đề nghị Chủ tịch UBND huyện tạo điều kiện, bố trí cho đại diện Báo, người được ủy quyền và các hộ dân đối thoại với Hội đồng bồi thường, nhưng không được trả lời.
Văn bản của Báo Người cao tuổi đề nghị UBND huyện Lộc Hà bố trí thời gian làm việc với Báo
Điểm c, Khoản 2, Điều 14 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định, người giải quyết khiếu nại lần đầu có nghĩa vụ: “Tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”; Điều 30 của Luật này, đối với giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau, thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu và hướng giải quyết khiếu nại. Vậy mà, ông Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện vẫn “bỏ lơ” yêu cầu đối thoại với dân. Đã thế, ông Nhàn còn “mách nhỏ” với người “có vai vế” trong các hộ nuôi cá rằng: “Chỉ cần ông Khánh, Chủ tịch hoặc ông Sơn, Phó Chủ tịch viết cho mấy chữ đồng ý cho đền bù, hoặc gọi điện chỉ đạo thì tôi trả tiền cho các bác ngay”. Ông Nhàn còn “giới thiệu” cho “một địa chỉ tin cậy” để đến gặp nhờ họ đưa đến nhà ông Sơn xin… (xin được giấu tên người cung cấp).
Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.
Nhóm PVĐT