Hơn 40 năm gắn bó với đồng đội đã hi sinh
Đời sống 12/07/2024 11:11
Nhập ngũ năm 1977, khi vừa tròn 20 tuổi, sau 3 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở chiến trường Campuchia, ông Hồ Xuân Thành trở về sinh sống tại làng Đại An Khê, xã Hải Thượng. Trở về từ chiến trường, ông Thành mang trên mình những vết thương và mong làm một điều gì đó có ích cho thế hệ đi trước cũng như đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.
Năm 1982, ông tới UBND xã đề đạt nguyện vọng và được tin tưởng giao nhiệm vụ trông coi nghĩa trang xã. Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng là nghĩa trang liệt sĩ cấp xã lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, với hơn 2.000 mộ liệt sĩ. Trong số hơn 2.000 ngôi mộ mà hằng ngày ông Thành chăm sóc, có 1.600 liệt sĩ từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra các tỉnh miền Bắc, hàng trăm liệt sĩ địa phương và hơn 150 liệt sĩ chưa biết tên. Gia đình, dòng họ ông có nhiều mất mát, hi sinh lớn trong chiến tranh, có chị gái ruột của ông là liệt sĩ Hồ Thị Hữu hi sinh năm 1972; Bố ruột ông Thành là liệt sĩ Hồ Thí từng được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba; mẹ ruột ông là liệt sĩ Trần Thị Mười được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Ông Hồ Xuân Thành (người ngoài cùng bên phải) chăm sóc phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng. |
Hằng năm, chính quyền địa phương chỉ cấp kinh phí hương khói trong những dịp lễ, Tết và Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Những ngày còn lại, ông Thành tự bỏ tiền ra mua hương thắp. Hằng ngày, ông tỉ mỉ quét dọn, làm cỏ, tưới hoa, chăm sóc cây cảnh và hương khói các phần mộ, làm cho Nghĩa trang liệt sĩ xã Hải Thượng đẹp và sạch sẽ như công viên. Trên mỗi ngôi mộ và lối đi bốn mùa có hoa nở. Quang cảnh này và tấm lòng của người quản trang chân tình, tận tụy như ông Thành đã làm ấm lòng những người nằm xuống, làm yên lòng các thân nhân liệt sĩ. Ông còn trồng hàng chục cây tùng, sứ, bàng xung quanh nghĩa trang và hai bên con đường chính từ cổng dẫn vào tượng đài. Vào những ngày Rằm, đầu tháng, ông đều đến dâng hương trước anh linh các liệt sĩ. Các dịp Tết, lễ, ông chuẩn bị chu đáo, dọn dẹp lại nghĩa trang cho sạch đẹp để các tổ chức, đoàn thể và Nhân dân đến đặt vòng hoa, thắp hương tưởng niệm.
Hơn 40 năm qua, ông không nhớ hết những đoàn khách, thân nhân và gia đình liệt sĩ đã đến viếng nghĩa trang nơi ông gắn bó, nhưng có một thứ ông luôn nhớ chính xác, thuộc nằm lòng. Đó là vị trí của từng ngôi mộ trong nghĩa trang hơn 2.000 mộ phần này. Mỗi khi có thân nhân đến viếng, chỉ cần đọc tên tuổi, quê quán liệt sĩ là ông nhớ và hướng dẫn ngay vị trí. Khi biết nguyện vọng của thân nhân nào muốn đưa hài cốt liệt sĩ về quê, ông Thành rất tận tâm, góp phần xác minh và tạo điều kiện thuận lợi nhất.
Ông luôn tự nhủ cống hiến phần đời còn lại của mình để chăm sóc nơi an nghỉ cho đồng đội, đến khi nào kiệt sức, nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Ông nói: “Với tôi, trong chiến tranh, trách nhiệm đó là chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bây giờ, may mắn còn sống thì phải dành trọn tâm huyết chăm lo cho những đồng đội, đồng chí đã khuất. Tôi ước ao trên khắp non sông nước ta sẽ không còn ngôi mộ liệt sĩ nào chưa biết tên, để các liệt sĩ đều có người thân thăm viếng, đưa về quê hương. Tôi tin rằng, hương hồn các đồng chí, đồng đội vẫn luôn ở bên, dõi theo tôi chăm sóc, gắn bó với nghĩa trang này…”