Cần xem xét, giải quyết khiếu nại của người cao tuổi là thương binh nặng

Pháp luật - Bạn đọc 13/03/2025 09:20
Nhưng ở tỉnh Ninh Thuận vẫn tồn tại trường hợp hơn 35 năm bị cắt chế độ, hàng chồng đơn từ gửi khắp nơi, nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Đó là trường hợp của ông Ngô Xuân Tân, 74 tuổi, ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải, TP Phan Rang – Tháp Chàm,…
Đơn ông Ngô Xuân Tân gửi các cơ quan chức năng và các cơ quan báo chí viết: “Theo quy định của pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ công dân gồm: Chỗ ở, việc làm, thu nhập hợp pháp là lương, trợ cấp thương binh; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khoẻ, tài sản, nhà ở, bí mật đời tư,… được pháp luật bảo vệ. Năm 2013 - 2014, Tổng biên tập Báo Người cao tuổi (nay là Tạp chí) đã cử các phóng viên về Ninh Thuận xác minh, viết bài góp phần giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng được hưởng chế độ; như cụ Nguyễn Thị Dương, ở xóm Tân Sơn 1, xã Thành Hải, vợ liệt sĩ được hưởng chế độ và truy lĩnh chế độ vợ liệt sĩ; bà Nguyễn Thị Điều có 1 con thương binh, 2 con liệt sĩ, ở thôn Cà Đú, xã Thành Hải được công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Báo Người cao tuổi kêu gọi xây nhà tình nghĩa và một lô đất ở 200m2”.
![]() |
Đã 74 tuổi, ông Ngô Xuân Tân vẫn phải đi “gõ cửa” nhiều cơ quan. |
Thế nhưng còn một trường hợp đến nay vẫn tồn tại và đang kiên trì đề nghị được bảo vệ quyền lợi hợp pháp mà ông xứng đáng được hưởng, đó là trường hợp của ông Ngô Xuân Tân (sinh năm1951). Các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện, ông Tân có thời gian công tác 25 năm 3 tháng 19 ngày, cộng hệ số chiến trường và truy quét Phun-rô là 29 năm. Trong quá trình công tác, ông Tân 2 lần bị thương, một lần được cấp Thẻ thương binh hạng 4/4 (21%); một lần tai nạn lao động, mất 82% sức lao động, Hội đồng Y khoa tỉnh Thuận Hải giám định và cho về hưu trước tuổi. Thế nhưng, thay vì được hưởng các chế độ: Hưu trí, trợ cấp thương tật, trợ cấp tai nạn lao động, thì ông Tân không nhận được chế độ nào. Ông Tân cho biết, từ tháng 7/1989, ông đã bị cắt cả 3 chế độ. Đến năm 2006, ông mới được phục hồi chế độ trợ cấp thương binh, nhưng còn 198 tháng trước đó thì không được truy lĩnh.
Ông Ngô Xuân Tân nhập ngũ năm 1971, từng là Tiểu đội trưởng trinh sát C5 tinh nhuệ đến năm 1973. Sau đó, ông chiến đấu tại chiến trường B2, Quân khu 6 đến tháng 4/1975, rồi làm cán bộ trợ lí chính trị Trung đoàn E812, tại mặt trận B2, tham gia truy quét Phun-rô tại Lâm Đồng. Ông được tặng thưởng các Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba; Huy hiệu 30 năm, 40 năm, 45 năm tuổi Đảng.
“Theo quy định của pháp luật, quyết định hành chính là mệnh lệnh của cơ quan cấp trên, cấp dưới bắt buộc phải chấp hành. Thế nhưng, với hàng xấp đơn gửi đi các nơi, nhiều văn bản các cấp gửi về tỉnh Ninh Thuận, nhưng vụ việc của tôi đến nay vẫn không được giải quyết dứt điểm. Theo yêu cầu phân công giao nhiệm vụ của các đồng chí lão thành cách mạng, năm 1992, tôi đã phải dùng tiền vay ngân hàng với lãi suất 12%/tháng để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng đã trực tiếp ra Hà Nội báo cáo, sau đó Văn phòng Chủ tịch nước có Công văn số: 18/CV-PL ngày 7/5/2001 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, yêu cầu trả lại chế độ cho tôi, nhưng cũng không được giải quyết”, ông Tân bức xúc.
Quá trình công tác, ông Tân là cán bộ chính trị cấp trung đoàn, đã qua đào tạo Học viện Nguyễn Ái Quốc, Trường Quản lí kinh tế - kế hoạch, Trường Đại học Luật Hà Nội. Trong công tác, ông làm việc có uy tín, luôn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ông Tân cho biết: “Ngày 20/4/2014, tôi trực tiếp đến Ban Nội chính Trung ương báo cáo với đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban. Ngày 23/4/2014, Ban Nội chính có Văn bản số: 949/PC-BNCTW gửi Ban Tổ chức Trung ương. Ban Tổ chức Trung ương theo chỉ đạo của đồng chí Tô Huy Rứa, Trưởng Ban đã có Văn bản số: 6300/CV-BTCTW ngày 7/3/2014, yêu cầu Cục có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, báo cáo kết quả. Sau khi kiểm tra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời. Ban Tổ chức Trung ương đã kịp thời có Văn bản số: 657/PC-BTCTW ngày 8/5/2014 chuyển đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, nhưng tôi không được tiếp, cơ quan này cũng không giải quyết cho tôi”.
Ông Tân đưa ra các văn bản của các cơ quan gồm: Văn bản số 5927/GB-VPTW-TT ngày 26/11/2013 của Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Văn bản số 1250/CV-BDVTW ngày 29/9/2017 của Ban Dân vận Trung ương; Văn bản số 123/ĐĐBQH ngày 17/10/2013 của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận; Văn bản số 268/CV-BTC ngày 12/4/2016 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận; Văn bản số 3846/UBVĐXU13 ngày 22/4/2015 của Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Phiếu chuyển số 155/PC-BTP ngày 30/12/2021 của Hội Cựu chiến binh Việt Nam gửi Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Phiếu chuyển số 1230/VPCP-V1 ngày 10/11/2017 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND tỉnh Ninh Thuận; Văn bản số 799/TTr-THHC ngày 6/6/2024 của Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển đơn cho Thanh tra Chính phủ; Thanh tra Bộ Công an có hai văn bản: Số 1060 ngày 14/3/2024 chuyển đơn tố cáo cho Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Ninh Thuận và số 1155/TB-CSĐT-P1 ngày 25/8/2023 chuyển Công an tỉnh Ninh Thuận; Văn bản số 1856/PC-TTr ngày 30/9/2024 của Thanh tra Bộ Quốc phòng chuyển đơn cho Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Văn bản số 272/TANDTC-BTTr ngày 15/4/2024 của TAND Tối cao gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, yêu cầu giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Tân cho rằng: “Vụ việc kéo dài nhiều năm, với hàng xấp đơn gửi đi không được giải quyết dứt điểm, cho dù tôi nguyên là lính trinh sát, là cán bộ chính trị trong quân đội hơn 9 năm, Phó Viện trưởng và quyền Viện trưởng Viện KSND thị xã Phan Rang - Tháp Chàm gần 10 năm, làm công tác cải tạo XHCN 4 năm có nhiều thành tích; làm Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm Đoàn luật sư từ năm 1992 đến năm 2001. Tôi còn được bầu chọn cựu chiến binh làm kinh tế giỏi từ 1992 đến 2013. Thế nhưng các cơ quan từ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Công an, Viện KSND, TAND, Thanh tra vẫn không giải quyết dứt điểm, năm 2020, còn chỉ đạo khai trừ tôi ra khỏi Đảng, bằng hồ sơ giả tạo. Đây là vụ việc cực kì nghiêm trọng, xâm phạm chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cần được chấn chỉnh”.
Một người lính lăn lộn chiến đấu ở chiến trường, về địa phương từng giữ những trọng trách và luôn hoàn thành nhiệm vụ, nhưng các chế độ đáng ra được hưởng thì bị cắt không được nhận. Rất mong tỉnh Ninh Thuận xem xét lại, tính toán giải quyết cho ông Ngô Xuân Tân đúng với chế độ của Đảng và pháp luật của Nhà nước.