Hơn 10 năm Nhân dân chưa có đất dịch vụ(!?)
Pháp luật - Bạn đọc 19/11/2020 11:22
Dự án đường trục phía Nam và các dự án Khu đô thị phụ trợ để thu hồi vốn đầu tư (Khu đô thị mới Thanh Hà A,B - Cienco 5, Mỹ Hưng - Cienco 5) là những dự án nhằm phát triển bền vững và bảo đảm chất lượng sống đô thị để phát huy vai trò là trung tâm hạt nhân, vừa bảo đảm phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng, vừa phòng, chống thiên tai. Được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức BT và đầu tư một số dự án phụ trợ để tạo vốn hoàn trả cho Nhà đầu tư BT trên cơ sở bảo đảm cân đối ngân sách và quỹ đất địa phương, quyền lợi của Chủ đầu tư tại Văn bản số 1740/TTg-CN ngày 15/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 31/7/2008 về việc thu hồi 782.736,1m2 đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Thanh Thùy, Thanh Văn, Tân Ước, Liên Châu, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp, giao cho Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây. Sau khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội, ngày 29/9/2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn TP Hà Nội, thay thế Quyết định 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28/6/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ).
Biên bản họp triển khai công tác GPMB dự án Đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và Thông báo số 18/TB-HĐBT của Hội đồng BT,HT&TĐC huyện Thanh Oai. |
Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội báo cáo UBND TP cho phép UBND huyện Thanh Oai vận dụng Văn bản số 4032/UBND-TNMT ngày 15/12/2008 của UBND TP; cụ thể tại mục 1 về hạn mức diện tích giao đất để làm dịch vụ: “Đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Hà Tây (trước ngày 1/8/2008) mà Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BT, HT&TĐC) huyện đã tổ chức họp với những người bị thu hồi đất trước ngày có Quyết định 18/2008/QĐ-UBND ngày 29/9/2008 của UBND TP có hiệu lực để thông báo công khai về chính sách và xác lập phương án BT,HT&TĐC (trong đó, có xác nhận về hạn mức giao đất dịch vụ được giao theo Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28/6/2007) thì được UBND huyện căn cứ Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND ngày 28/6/2007 để quyết định hạn mức giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình có đủ điều kiện theo quy định”.
Ngoài ra, ngày 1/7/2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2526/QĐ-UBND phê duyệt Đề án: “Một số giải pháp hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp” trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, UBND TP giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện: Sở Nội vụ chủ trì cùng Ban Chỉ đạo GPMB TP, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP thành lập Quỹ Hỗ trợ ổn định đời sống, học tập, đào tạo nghề và việc làm cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; và trích 50 tỉ đồng từ ngân sách thành phố để bố trí vốn ban đầu cho Quỹ…
Do đó, ngày 24/3/2009, Hội đồng BT, HT&TĐC huyện Thanh Oai có Thông báo số 18/TB-HĐBT về quyền và nghĩa vụ, cá nhân có đất bị thu hồi Dự án: Xây dựng Đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) và khu đô thị Thanh Hà A,B-Cienco 5; Khu đô thị Mỹ Hưng - Cienco 5. Theo đó, đất dịch vụ của các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi 30% đất sản xuất nông nghiệp thì được hưởng 10% đất dịch vụ, hạn mức tối đa không quá 150m2/hộ; hỗ trợ học nghề: Có độ tuổi nam 15-60, nữ 15-55 tuổi được cấp 1 thẻ học nghề có giá trị không quá 6.000.000 đồng; hỗ trợ học văn hóa: Có đội tuổi dưới 25 gồm hỗ trợ học phí, tiền đóng góp cơ sở vật chất do UBND TP quy định thời gian hỗ trợ từ 3-5 năm; hỗ trợ thẻ BHYT thời gian hỗ trợ 5 năm đối với nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi trở lên; hỗ trợ khó khăn: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi trở lên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ như người nghèo là 150.000 đồng/người/tháng thời gian hỗ trợ là 5 năm.
Ngày 3/4/2009, tại đình làng thôn Thượng, xã Cự Khê, UBND huyện Thanh Oai tổ chức hội nghị triển khai công tác GPMB tới các hộ dân có đất bị thu hồi dự án Đường trục phát triển phía Nam tỉnh Hà Tây gồm có: Ông Lê Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng các ông (bà) Thường trực Hội đồng BT, HT&TĐC huyện; ông Đỗ Thanh Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Cự Khê; ông Đặng Xuân Tỵ, Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Cưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5… triển khai công tác GPMB dự án theo các quyết định, văn bản mà UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai đã chấp nhận và phê duyệt.
Tuy nhiên, đã hơn 10 năm mà các hộ dân vẫn chưa được nhận đất dịch vụ theo các quyết định, văn bản của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Thanh Oai? Phải chăng, các quyết định, văn bản trên chỉ có giá trị thực hiện “trên giấy”?.
Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi đặt lịch làm việc với UBND huyện Thanh Oai, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Tạp chí Người cao tuổi đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ dân và các hỗ trợ khác theo đúng các văn bản đã ban hành, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các hộ dân, nhất là cho người cao tuổi.