Hành trình gian nan đòi quyền lợi của cựu chiến binh già
Pháp luật - Bạn đọc 21/05/2022 09:49
Ông Ngô Văn Thuấn cho biết: Tháng 9/1981, ông rời chiến trường biên giới phía Bắc trở về quê hương. Sau đó ít năm, theo lời vận động của cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, gia đình ông ra khai hoang phục hoá tại khu đất bãi Thoi Cỏ, thuộc bãi ngoài đê thôn Lĩnh Đông, xã Phạm Mệnh, huyện Kinh Môn (nay là khu dân cư Lĩnh Đông, phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn), với diện tích là 3.600m2. Gia đình ông xây dựng nhà cửa để ở và sinh sống ổn định tại đây.
Đến năm 1997, UBND xã Phạm Mệnh yêu cầu người dân phải kí kết Hợp đồng giao khoán diện tích đất mà người dân đã khai hoang, phục hoá từ những năm 1980 để thuận tiện quản lí. Việc Hợp đồng giao khoán này được triển khai với toàn dân trên địa bàn xã.
Tình từ năm 1997 đến năm 2011, gia đình ông Thuấn đã kí 3 Hợp đồng giao khoán đất với UBND xã Phạm Mệnh, với tổng diện tích lên tới hơn 12.000m2.
Ông Ngô Văn Thuấn bức xúc về việc đất của gia đình chưa được đền bù hoa màu đã bị huỷ hoại tài sản |
Đến 4/11/2016, Hợp đồng giao khoán đất số 17/HĐ-UBND giữa UBND xã Phạm Mệnh và ông Thuấn kí kết có diện tích là 6.624m2 hết hạn. Gia đình ông Thuấn vẫn muốn canh tác trên đất nên đã nhiều lần kiến nghị UBND xã tiếp tục kí hợp đồng này. Tuy nhiên, UBND xã Phạm Mệnh không đồng ý và làm Biên bản thanh lí hợp đồng vào ngày 29/8/2017 với lí do, gia đình ông Thuấn không đóng thuế đầy đủ; để bàn giao đất cho Công ty CP Sản xuất, Thương mại và Vận tải Phúc Ngọc (Công ty Phúc Ngọc).
Không đồng ý về việc này, ông Thuấn đã khởi kiện UBND xã Phạm Mệnh ra Toà án. Ngày 22/8/2018, UBND xã Phạm Mệnh lại có văn bản đính chính về số nợ của gia đình ông Thuấn là không có nợ.
Ngày 18/10/2019, TAND tỉnh Hải Dương đã chấp nhận một phần kháng cáo của ông Thuấn. Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS-ST ngày 29/3/2019 của TAND huyện Kinh Môn là đình chỉ yêu cầu tuyên bố biên bản bàn giao đất ngoài thực địa do UBND xã Phạm Mệnh lập ngày 19/4/2017; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thuấn về việc huỷ Biên bản thanh lí hợp đồng ngày 29/8/2017 của UBND xã Phạm Mệnh; không yêu cầu được UBND xã Phạm Mệnh phải tiếp tục kí hợp đồng giao khoán cho gia đình ông với diện tích 6.040,4m2. Đồng thời hoàn trả ông Ngô Văn Thuấn 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm.
Bà Lê Thị Chiêm (vợ ông Thuấn) bên khu vực cây cối, hoa màu bị chặt phá, san lấp khi chưa thực hiện bồi thường |
Ngày 4/11/2020, UBND phường Phạm Thái (trước đây là xã Phạm Mệnh) tổ chức buổi làm việc về thoả thuận hỗ trợ cây cối, hoa màu trên đất công điền giữa Công ty Phúc Ngọc và ông Ngô Văn Thuấn. Diện tích đất công điền mà Công ty Phúc Ngọc thu hồi là 3.240m2. Chủ trì buổi làm việc là ông Vũ Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND phường Phạm Thái (nay là Bí thư Đảng ủy phường). Theo Biên bản làm việc, Chủ tịch UBND phường Phạm Thái cho rằng, gia đình ông Thuấn đang canh tác trên đất công điền đã hết hạn nên không áp dụng quy định của Nhà nước về bồi thường mà chỉ hỗ trợ trên cơ sở thoả thuận, đồng nhất giữa các bên liên quan. Việc giao đất cho Công ty Phúc Ngọc đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Bà Lê Thị Linh, Phó Giám đốc Công ty Phúc Ngọc cho rằng, việc gia đình ông Thuấn yêu cầu trả 400 triệu đồng/sào cho công khai hoang, cải tạo, tiền đầu tư và cây cối, hoa màu là không có cơ sở. Cần bàn phương án thống nhất bằng con số cụ thể hoặc giải quyết theo quy định pháp luật.
Buổi làm việc có các thành viên tham gia đầy đủ nhưng không đạt được thoả thuận hỗ trợ cây cối, hoa màu trên đất giữa Công ty Phúc Ngọc và ông Ngô Văn Thuấn.
Thế nhưng, đến ngày 16/2/2022, ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Công ty Phúc Ngọc đã chỉ đạo đưa máy xúc san lấp, huỷ hoại tài sản thửa đất khi chưa đạt được thoả thuận bồi thường. Ông Thuấn bức xúc cho rằng, đó là hành vi huỷ hoại tài sản, khiến gia đình ông bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng và kiến nghị khởi tố hình sự vụ án.
Gia đình ông Thuấn bức xúc vì than của Công ty Phúc Ngọc tràn cả ra ruộng ảnh hưởng tới cây lúa |
Liên quan đến vụ việc, ông Vũ Mạnh Hồng, Bí thư Đảng ủy phường Phạm Thái cho biết, gia đình ông Thuấn không có đất tại khu san lấp của Công ty Phúc Ngọc, nên không có chuyện phải bồi thường. Hợp đồng đất công điền của gia đình ông Thuấn đã hết hạn. Ông Thuấn đã ý kiến nhiều lần và vụ việc cũng đã kéo dài nhiều năm.
Đối với ý kiến liên quan đến việc Công ty CP Kinh doanh chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng và Công ty Phúc Ngọc gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới diện tích lúa và gây ô nhiễm tiếng ồn, ông Hồng cho rằng, đó là điều không tránh khỏi khi mưa gió thì than sẽ bị chảy xuống cánh đồng. UBND phường đã nhiều lần kiến nghị với các cấp thị xã, tỉnh và hằng năm đều có lãnh đạo các ban, ngành về kiểm tra.
Ông Thuấn cho rằng, có mâu thuẫn trong câu trả lời của ông Vũ Mạnh Hồng, Bí thư Đảng ủy phường Phạm Thái trước khiếu tố về diện tích đất, hoa màu bị huỷ hoại khi cho rằng đất không thuộc quyền quản lí của người dân. Ông Thuấn đặt nghi vấn, nếu ông Hồng cho rằng, ông Thuấn không có quyền lợi tại khu đất thì tại sao UBND phường Phạm Thái (khi ông Hồng còn làm Chủ tịch) lại mời gia đình ông và phía Công ty Phúc Ngọc lên để họp, bàn bạc về tiền đền bù hoa màu giữa các bên và có cả biên bản cuộc họp?
Hiện gia đình ông Thuấn vẫn bức xúc liên quan đến hoa màu bị huỷ hoại, quyền lợi bị xâm phạm. Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương nhanh chóng xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc để người dân ổn định cuộc sống.