Giáo viên và phụ huynh cần giúp đỡ học sinh lớp 1 học online
Nghiên cứu - Trao đổi 23/09/2021 09:05
Khi các em vừa bước vào trường tiểu học với bao bỡ ngỡ, chưa kịp làm quen với thầy cô, bạn bè mới, không gian trường học mới thì đã phải học online.
Học online là giải pháp hữu hiệu hiện nay đối với các nhà trường ở các vùng có dịch. Tuy nhiên, đối với học sinh lớp 1, các em sẽ gặp khó khăn về nhiều mặt. Điều đầu tiên là sự những vướng mắc về tâm lí. Các em lạ lẫm, ngại ngùng và chưa xác định tâm thế để bước vào môi trường học tập mới. Việc kết nối giữa các con, nhà trường, thầy cô chỉ thông qua ứng dụng, chưa tạo ra sự tương tác nhất định đối với học sinh đầu cấp. Bởi vậy, khi triển khai bài học qua ứng dụng online, việc tiếp nhận, tương tác giữa thầy cô và học trò sẽ gặp khó khăn. Tâm lí thụ động, chưa phát huy tính tích cực trong tham gia bài học sẽ xuất hiện trong tâm lí học sinh.
Đồng thời, ở học sinh lớp 1, kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng các ứng dụng học online khá hạn chế. Cho nên, khi tham gia bài học, nhiều em sẽ gặp khó khăn trong sử dụng các thiết bị kĩ thuật. Với đặc thù chương trình giáo dục ở lớp 1, không đơn thuần là giáo viên truyền thụ một chiều nội dung bài học mà cần có sự chỉ bảo, uốn nắn từng lời nói, từng nét chữ và tổ chức các trò chơi, các hoạt động tập thể. Hơn nữa, do điều kiện, nhiều gia đình trang bị cho con em một chiếc máy tính hay điện thoại thông minh không phải dễ. Hơn nữa, các em cả buổi dán mắt vào máy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe và tâm lí. Nếu chỉ tập trung vào bài học, không có các hoạt động vui chơi bổ trợ, các em sẽ nảy sinh tâm lí chán nản, thờ ơ với bài học, thậm chí sẽ không có hứng thú học tập những buổi học sau. Các em chắc chắc sẽ xuất hiện áp lực về việc học. Nếu phụ huynh đi làm cả ngày, để các em ở nhà một mình học online như học sinh THCS, THPT, các em sẽ rất khó khăn, lúng túng và chất lượng học sẽ không cao.
Ảnh minh họa |
Để giảm bớt những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức dạy học online cho học sinh lớp 1, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể về nội dung, phương pháp tổ chức dạy và học sao cho đạt được hiệu quả. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo viên và phụ huynh trong việc giúp đỡ các em tâm lí, tâm thế và kĩ năng học online.
Giáo viên khi giảng bài cần có những phương pháp để tổ chức các hoạt động khởi động cho bài học để giúp các em làm quen, tạo sự hứng thú đối với bài học. Điều quan trọng là giáo viên cần tạo sự kết nối, tương tác giữa cô và trò, giữa trò với trò qua ứng dụng online để các em cảm thấy yêu thích, gần gũi, hứng thú với môi trường học tập mới, với thầy cô và bạn bè mới. Khi triển khai bài học qua ứng dụng online, không nên cứng nhắc các thao tác, các hoạt động và nội dung bài học mà cần linh hoạt để truyền thụ, linh hoạt trong uốn nắn, linh hoạt trong cách kiểm tra, đánh giá. Giáo viên cần phối hợp với phụ huynh trong khi triển khai nội dung dạy học, nhất là những bài học liên quan đến tập viết, tập vẽ, hát, thể dục…. Có thể thông qua phụ huynh để hướng dẫn, uốn nắn các em ở nhà, phụ huynh chụp kết quả gửi cho giáo viên… Những nội dung cần củng cố có thể dành cho khi các con đến học trực tiếp tại trường.
Vào thời điểm con em bước vào lớp 1, lại phải học online, phụ huynh cần dành thời gian giúp đỡ các con học tập hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên để giúp đỡ các em học online. Trước khi bước vào bài học, phụ huynh phải tạo hứng thú học tập cho các con bằng những lời động viên, vỗ về, khuyến khích… Có phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh tốt để các em học tập thuận lợi.
Khi ở nhà, phụ huynh cần tạo không khí học tập vui tươi, phấn khởi, bảo đảm sức khỏe, tâm lí cho các em. Đồng thời, phụ huynh tham gia nhóm zalo để kịp thời trao đổi thông tin với giáo viên và nhà trường khi cần thiết.
Sự chung tay giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh đối với việc học tập của học sinh là hết sức cần thiết, đặc biệt không thể thiếu đối với việc tổ chức học online cho học sinh lớp 1. Có được điều đó, sẽ góp phần xóa bỏ những khó khăn, vướng mắc về tâm lí, tâm thế của các em mới vào lớp 1.