Dự án KCN Phú Tân: Tỉnh Bình Dương có vượt thẩm quyền?
Pháp luật - Bạn đọc 25/02/2020 17:34
KCN Phú Tân rình rập nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư, vì vừa có dấu hiệu huy động vốn, vừa thế chấp ngân hàng.
Các bộ khẳng định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư là của Thủ tướng
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh Bình Dương thành lập Khu liên hợp Bình Dương, với tổng diện tích theo đề án được duyệt là gần 4.200 ha. Theo đồ án quy hoạch chung, Khu Liên hợp Bình Dương được phân thành năm phân khu chức năng gồm: Gần 1.600 ha đất KCN tập trung; 613 ha khu dịch vụ; 1.650ha đất khu đô thị (KĐT), trong đó 655 ha đất tái định cư; 132 ha là đất dùng xây dựng các công trình giao thông và gần 230ha đất hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó, KCN Phú Tân 133ha, là 1 trong 5 dự án khu công nghiệp tại Khu Liên hợp Bình Dương.
Sau hơn chục năm thực hiện dự án, nhưng không mấy tiến triển, nên UBND tỉnh Bình Dương đã xin giảm diện tích KCN này từ 133 xuống còn 106ha. Ngày 28/1/2016, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 173/TTg-KTN đồng ý cho Bình Dương điều chỉnh giảm diện tích KCN Phú Tân xuống còn 106 ha, cùng với đó là điều chỉnh, tăng, giảm diện tích ở nhiều KCN khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ngày 29/11/2019, Bộ Tài chính có văn bản trả lời Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án KCN Phú Tân. Theo đó, Bộ Tài Chính khẳng định, thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được căn cứ quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 31 và Khoản 4 Điều 40 Luật Đất đai năm 2014, dự án thuộc quyền quyết định và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, chỉ đạo nhà đầu tư hoàn chỉnh nội dung hồ sơ đầu tư DA để trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Như vậy, qua văn bản của Bộ Tài Chính, có thể hiểu rằng những quyết định liên quan đến dự án KCN Phú Tân phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì mới được thực hiện, chứ không thể căn cứ vào Quyết định 173/TTg-KTN ngày 28/1/2016 của Thủ tướng về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020, vì đây là một quyết định chung, chỉ đơn thuần là tăng giảm diện tích, chứ không phải là điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án?
Trước đó, tại Công văn số 358/BXD-HĐXD ngày 14/11/2019 của Bộ Xây dựng về việc góp ý kiến điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án KCN Phú Tân gửi Ban Quản lý các KCN Bình Dương. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến nêu rõ: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Phú Tân thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 thì nhà đầu tư cần lập hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư để làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị chủ đầu tư dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường để làm cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư cũng phải báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư phương án giải quyết nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động trong khu công nghiệp…
Thế nhưng, trước đó vào ngày 4/1/2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định số 20/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 (Quy hoạch phân khu) KCN Phú Tân và quyết định này thay thế cho Quyết định số 2933/QĐ-UBND ngày 22/6/2006 của UBND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết KCN Phú Gia thuộc Khu liên hợp Bình Dương.
Tiếp đó, ngày 30/5/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã chính thức ban hành Quyết định số 1447/QĐ-UBND về Phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị – dịch vụ Phú Hòa (một phần chuyển đổi từ 133ha của KCN Phú Tân) với tổng diện tích là hơn 26ha, quy mô dân số khoảng 11.000 người. Như vậy, liệu Bình Dương có ký các quyết định vượt thẩm quyền hay không?
Rình rập nguy cơ rủi ro?
Được biết số phận của dự án này được mua đi bán lại nhiều lần, qua nhiều đời chủ đầu tư. Đến đầu năm 2018, dự án này đã được Kim Oanh Group thâu tóm.
Hiện dự án đã được Công ty Nam Kim (một công ty thuộc Kim Oanh Group) đã ký hợp đồng vay tiền của rất nhiều người với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Không chỉ thế, đến cuối năm 2019, Công ty Nam Kim lại đưa chính dự án này đi ký Hợp đồng thế chấp KCN Phú Tân để bảo lãnh cho Công ty CP Đầu tư và phát triển Thuận Lợi do ông Nguyễn Thuận làm Tổng Giám đốc vay hơn 1,1 ngàn tỷ đồng.
Vậy, việc thực hiện dự án này sẽ ra sao, khi mà chủ đầu tư vừa có dấu hiệu huy động vốn hàng trăm tỷ đồng, của khách hàng, lại vừa mang cả dự án đi thế chấp ngân hàng để lấy cả ngàn tỷ đồng? Liệu các nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án này có đủ thông tin về tính pháp lý của dự án này hay đang nắm đằng lưỡi khi mà năng lực tài chính của chủ đầu tư không mấy “khỏe mạnh”.
Nhiều Luật sư cho rằng, thời gian qua tình trạng huy động vốn trong lĩnh vực bất động sản khi chưa đủ điều kiện theo quy định đã diễn ra khắp nơi. Các chủ đầu tư do yếu kém về vốn nên huy động vốn dù chưa đủ điều kiện. Hệ quả của việc này là có rất nhiều dự án đã không triển khai được, nhưng tiền thì không trả lại cho khách hàng khiến người dân điêu đứng, kêu gào khắp nơi nhưng vẫn… tiền mất mà tật phải mang.
Đối với Công ty Nam Kim, hiện là chủ đầu tư dự án KCN Phú Tân thì sao, năng lực tài chính họ như thế nào? Để chứng minh cho điều này, chúng tôi xin được trích một phần nội dung trong văn bản số 14493/BTC-ĐT ngày 29/11/2019 của Bộ Tài Chính trả lời Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương khi nói về vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính của chủ đầu tư dự án KCN Phú Tân thể hiện: “Đến ngày 30/6/2019, khoản hàng tồn kho của Nam Kim là hơn 719 tỷ đồng (chiếm 57% tổng vốn tài sản); khoản nợ phải trả là hơn 925 tỷ đồng (chếm 73% tổng nguồn vốn), trong đó chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (640 tỷ đồng) và đang phải trả ngắn hạn khác là 159 tỷ đồng; chi phí lãi vay là gần 130 tỷ đồng… Như vậy, hoạt động kinh doanh của Công ty Nam Kim chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn của các tổ chức, cá nhân với thời hạn vay ngắn, lãi suất cao, điều này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động kinh doanh…”. Từ đó, Bộ Tài Chính cho rằng, chưa đủ cơ sở để thực hiện đánh giá năng lực tài chính của Công ty Nam Kim khi thực hiện dự án này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài Chính cũng đề nghị Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương giải trình vì sao dự án đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hơn 14 năm mà vẫn chưa hoàn thành…
Những vấn đề phức tạp liên quan tới dự án này cũng đặt ra trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan của tỉnh Bình Dương. Nếu không vào cuộc xử lý rốt ráo kịp thời thì hậu quả sẽ khó ai lường được.
KCN Phú Tân rình rập nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư vì vừa có dấu hiệu huy động vốn, vừa thế chấp ngán hàng.