Đọc sách là vô cùng cần thiết
Đời sống 18/05/2023 11:06
Từ xa xưa ông cha ta học hành đỗ đạt rồi làm quan đều do đọc sách mà thành! Đến sau Cách mạng tháng 8/1945 mặc dù đất nước trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Bác Hồ vẫn kêu gọi: “Chống giặc dốt” tức phải học chữ, mà học chữ là để đọc sách.
Còn lớp thanh thiếu niên như chúng tôi thời ấy dù học phổ thông, hoặc vào các công, nông trường, cơ quan nhà nước hoặc quân đội, công an... đọc sách đã trở thành nhu cầu, thành phong trào - cao trào sâu rộng. Nhiều tác phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước đã được tìm đọc như: “Thép đã tôi thế đấy”, “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Tây du kí”, “Thuỷ hử”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Hồng lâu mộng”, “Tắt đèn”, “Lều chõng”, “Vợ chồng A Phủ”, “Lão Hạc”, “Chí Phèo”, “Dế Mèn phiêu lưu kí”, “Lưu Bình Dương Lễ”, “Tấm Cám”, “Thạch Sanh - Lí Thông”... Nhất là “Truyện Kiều”, được quá nhiều người đọc, kể cả người không biết chữ, nhưng nghe người khác đọc hoặc kể chuyện mà cũng nhớ được vài đoạn, vài câu để rồi vận dụng vào cuộc sống...
Có thể nói, đọc sách không chỉ là giải trí mà có ý nghĩa rất sâu sắc chẳng khác nào chiếc chìa khoá để mở vào kho tàng trí thức nhân loại, giúp mọi người tu dưỡng đạo đức, phong cách sống, xây dựng quan điểm, lập trường, nâng cao cách nhìn nhận, đánh giá nhân sinh quan, thế giới quan toàn diện. Thậm chí đọc sách còn làm thay đổi bản chất xã hội và con người.
Gần đây tôi có đọc tác phẩm “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của tác giả Rosie Nguyễn (tức Nguyễn Hoàng Nguyên) có đoạn: “Sách giúp con người thay đổi cuộc đời. Những lúc tinh thần đi xuống không muốn làm gì, tốt nhất là đọc sách vì sách không những nâng cao kiến thức mà còn tạo động lực thúc đẩy ta hành động tốt hơn”, hoặc: “Chỉ cần một tuần đọc một quyển sách. Một năm nhìn lại thấy kiến thức của mình đã dày hơn vài phân”...
Nhưng tiếc thay những năm qua, rất ít người đọc sách. Khi tôi đưa cháu đến thư viện của TP Bắc Giang đọc sách, không ít lần chỉ thấy lèo tèo vài cháu (hầu hết là nữ) vừa đọc vừa cười đùa rồi lúc sau cũng bỏ đi! Hoặc đến UBND xã, phường ở một số nơi thấy tủ sách nhưng chưa bao giờ thấy cán bộ ở đó đọc sách. Tại Hiệu sách nhân nhân lớn nhất và lâu nhất của Bắc Giang, nhân viên ở đây cho biết, rất ít người mua sách!
Song nếu chỉ nói đến đọc sách thì chưa đủ mà còn phải nói đến đọc sách thế nào để mang lại lợi ích thiết thực, đó là việc không kém phần quan trọng. Nhớ lại năm 1964-1965 khi còn là thành viên Ban chấp hành Huyện đoàn Hiệp Hòa được đến nghe cán bộ cấp trên nói chuyện với thanh niên, trong đó ông nhắc đến việc cần đọc sách, nhưng phải chọn sách phù hợp với công việc của mình. Mặc dù ông chỉ nói vậy nhưng đó là kinh nghiệm suốt đời.
Còn đến nay, việc đọc sách và chọn sách đọc càng cần lưu ý. Xin trích đoạn trong tác phẩm nêu trên: “Nghe theo lời khuyên của cụ Nguyễn Duy Cần, tôi không đọc nhiều. Buổi sáng đọc lướt qua rất nhanh các tờ báo để nắm tin tức trong ngày và đánh dấu những bài báo có vẻ chất lượng để dành đọc lúc cuối ngày”. Sách hiện có rất nhiều loại, nhưng cách đọc sách tốt nhất là loại thiết thực nhất đối với bản thân mình để mất ít thời gian mà lại có hiệu quả lớn!
Còn bây giờ vì sao ít người đọc sách? Qua khảo sát có ý kiến cho rằng: Những năm gần đây, hệ thống giáo dục bắt học sinh, sinh viên học quá nhiều quá nên lo học đã mệt còn đâu đầu óc, tâm trí mà đọc sách! Lại có ý kiến cho rằng, ngày nay tivi, báo chí suốt ngày đưa tin tức, nhất là cần gì thì gõ vào Google, YouTube thì ra đủ thứ cần gì phải đọc sách. Song không ít người cho rằng, thời buổi “cơ chế thị trường” đầu óc tập trung kiếm ra tiền, ra gạo còn đọc sách thì “treo niêu”...
Để việc đọc sách trở thành hiện thực xin đề nghị, đề xuất như sau: Các phương tiện thông tin đại chúng phải thường xuyên “kích cầu” để vấn đề này trở thành quan trọng, thành nhiệm vụ chính trị trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân... Hệ thống giáo dục cần nghiên cứu chế độ học không nhồi nhét để thế hệ trẻ vừa có điều kiện học tập, vừa có thời gian đọc sách báo... Các cấp nên có biện pháp thi đua, khuyến khích từng địa phương, nhà trường, dòng họ, gia đình và cá nhân đọc sách, làm theo sách. Biểu dương, khen thưởng và tổ chức nhiều hình thức thi, kiểm tra, sát hạch về đọc sách báo, làm theo sách báo... Nhất là phát động xây dựng tủ sách gia đình, thôn xóm, bản làng, tổ dân phố... Với những biện pháp đồng bộ như trên, tin chắc việc đọc sách - văn hóa đọc sẽ trở thành hiện thực góp phần nâng cao trí tuệ mọi mặt đối với từng đảng viên, cán bộ và người dân.