Độc đáo hò Đồng Tháp
Văn hóa - Thể thao 25/01/2024 15:55
Thực tế, hò Đồng Tháp còn có nghệ thuật thêm từ đặc sắc. Đó là ngoài nghệ thuật kết hợp lồng tiếng hay thêm vào từ “ơ...” và “ơ... hòa ơ...”, trong hò Đồng Tháp người ta có thể thêm vào một số từ tiềm ẩn trong ý thơ nhằm tăng thêm hình tượng của thơ và tạo cho đường nét giai điệu được uyển chuyển hơn. Hoặc nghệ thuật nhắc lại một đoạn của bài thơ cũng đã khắc họa thêm hình tượng cảm xúc, mang ý nghĩa quan trọng cần được nhấn mạnh vào giữa câu hoặc đoạn nhắc lại, người ta có thể chen vào một giai điệu “... ơ ... hòa ... ơ... hò... ơ...”.
Đáng chú ý, hò Đồng Tháp nổi tiếng nhờ sự biểu cảm, lôi cuốn, âm điệu buông lơi, khoan nhặt, lúc trầm, lúc bổng... Đặc biệt, hò Đồng Tháp có những đặc trưng riêng mà không điệu hò nào ở Nam Bộ có được - thể hiện một cách sâu lắng tâm tư, tình cảm của con người.
Biểu diễn tiết mục hò Đồng Tháp. |
Lời hò Đồng Tháp đều xuất phát từ thơ lục bát, song thất lục bát hoặc từ ca dao tục ngữ. Điệu hò đã đồng hành cùng các Đoàn văn công biểu diễn khắp nơi phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong vùng kháng chiến thời đó của tỉnh Long Châu Sa (nay là tỉnh Đồng Tháp).
Lần theo lịch sử, được biết hò Đồng Tháp ra đời cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX phát triển cực thịnh, trở thành điệu hò nổi tiếng nhất ở đồng bằng sông Cửu Long vào nửa đầu thế kỉ XX. Hò Đồng Tháp là một loại hò trên đồng nước, âm điệu của hò Đồng Tháp thể hiện rõ tâm tư tình cảm của con người, nhất là vào các mùa trăng nước mênh mông thơ mộng.
Năm 2012, khi ấy Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê từng nói: “Trước khi đi Pháp (năm 1949), tôi biết hò Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ,... chứ chưa biết hò Đồng Tháp. Tới chừng nghe Kim Nhụy (Đoàn Văn Công) hát trong đĩa nhạc, tôi thấy hò Đồng Tháp vô cùng uyển chuyển, ngọt ngào. Nói về luyến láy thì hò Nam Bộ chưa có chỗ nào uyển chuyển bằng hò Đồng Tháp”. Chính vì điều này, mà trong các lần giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến các quốc gia, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê đã nhiều lần nhắc đến hò Đồng Tháp.
Nhiều năm qua, cùng với phong trào đờn ca tài tử trong tỉnh, hò Đồng Tháp cũng được “hồi sinh” qua các buổi tập huấn hò, sáng tác hò, liên hoan, biểu diễn và tổ chức giao lưu khắp các địa phương. Đến nay, ngành văn hóa trong toàn tỉnh đã tập huấn hò Đồng Tháp cho hàng ngàn người, đa phần là lực lượng giáo viên, cán bộ, cộng tác viên Trung tâm Văn hóa các huyện, thành phố, cán bộ cấp xã, nhân viên các điểm tham quan du lịch... Qua đó, phát hiện nhiều nghệ sĩ, diễn viên giỏi cung cấp cho các sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Thời gian qua, hò Đồng Tháp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân đón nhận. Thông qua việc phát huy, hò Đồng Tháp đã lan tỏa trong cả nước. Rất nhiều nước trên thế giới cũng đã biết đến hò Đồng Tháp. Lực lượng trẻ ngày nay có nhiều em rất đam mê hò Đồng Tháp, luôn có ý thức giữ gìn và phát huy điệu hò.
Để bảo tồn và phát huy hò Đồng Tháp, thời gian tới, cần tiếp tục sự quan tâm của các cấp, các ngành địa phương. Bên cạnh đó, cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, nhất là lực lượng trẻ được dạy tập huấn hò Đồng Tháp. Ngành văn hóa cần tổ chức thường xuyên hội thi, hội diễn hát dân ca và hò Đồng Tháp; lồng ghép trong những chương trình biểu diễn nhiệm vụ chính trị, để hò Đồng Tháp thấm sâu vào văn hóa tinh thần của người dân.