Dạy con “trả giá gần”!
Cùng suy ngẫm 14/11/2020 10:18
Nói ra hơi buồn; cháu chỉ có hai “niềm đam mê” lớn: Ăn và chơi. Ăn vặt suốt ngày, rảnh ra lúc nào là dáo dác chạy xuống… lục tủ lạnh. Mẹ cưng cháu, đi chợ lần nào cũng mua đồ ăn vặt nhét đầy tủ: ổi, xoài, mía, cam bưởi, chè, bánh ngọt… Nhà không có anh em, đống đồ ăn vặt ấy gần như mình cháu hưởng trọn. Đầy đủ nên cháu sinh ra tật kén chọn. Bánh trái hoa quả hễ đồ mới, đồ ngon là cháu chăm chăm ăn tới; bỏ lại các thứ đồ cũ hoặc kém ngon.
Ảnh minh hoạ |
Không ít lần vợ tôi giáo huấn cháu về thói quen ăn uống có thứ, có lớp, biết tiết kiệm nhưng cứ như nước đổ đầu vịt, cháu dạ dạ được bữa trước, bữa sau lại đâu hoàn đấy. Bực mình; tôi bảo vợ: “Từ nay em không được mua kiểu “chất chồng”, đồ cũ chưa hết đã đi mua đồ mới. Mua lượt nào về phải buộc nó ăn hết mới đi mua lượt khác”; “Nhưng em sợ nó không ăn được, phải nhịn thèm thì tội..”; “Em cứ “tội” kiểu đó sẽ không bao giờ sửa được cái tật ăn uống kén lừa, hoang phí của con. Nó phải học “trả giá” cho hành vi xấu thì mới tỉnh ra”. Đúng thế thật, từ bữa vợ tôi không mua thêm đồ ăn vặt khi trong tủ lạnh vẫn còn mấy thứ quả, bánh trái cũ bỏ chỏng chơ. Cu cậu quen thói cũ, “làm gan” không đụng tới tủ lạnh hai ngày. Sau đó, chắc không chịu nổi lại lò dò… mở tủ. Lần này thì cũ cũng ăn, dở cũng ăn, ăn tới kì sạch tủ không một tiếng chê! Chứng kiến cảnh ấy, vợ tôi khoái chí tủm tỉm cười…
Sang chuyện chơi, con tôi cũng mang cái bệnh chung của đa số thanh thiếu niên thời nay là nghiện… smartphone. Cầm điện thoại chủ yếu để chơi game, chát chít và vài trò vô bổ khác hơn là làm chuyện hữu ích. Vậy nhưng cháu say mê đến độ có thể “ôm” điện thoại, dán mắt vào màn hình suốt ngày đêm, nếu không bị nhắc nhở, cấm ngăn. Ngày nào điện thoại hư hoặc vì lí do gì đó không được chơi, cháu cứ lửng thửng vào ra, trông như đứa… mất hồn! Nắm được cái thóp “mê điện thoại” ấy, tôi bàn với vợ ra điều kiện cho cu cậu hễ ngày nào học hành tử tế, công việc nhà chỉn chu thì giờ giải trí được cầm điện thoại chơi; nhược bằng học hành “trây nhớt”, lười nhác việc nhà là lập tức bị “cấm vận” điện thoại! Hay thật. Từ ngày có cái lệnh ấy mọi sự lập tức “có chuyển biến”. Trước đây, giáo huấn rát họng khô cổ, cháu cũng chỉ nhúc nhích được vài ba bữa rồi lại tái diễn thói quen… . Nhưng giờ phải trả giá bằng lệnh cấm chơi điện thoại, cháu lập tức “sửa mình”, tiến bộ thấy rõ!
Tuổi thiếu niên đa phần đầu óc còn non nên khó tiếp nhận những vấn đề, khái niệm “tầm xa” (kiểu như sự nghiệp tương lai hoặc phẩm giá con người…) mà cha mẹ truyền đạt. Theo tôi muốn đạt hiệu quả giáo dục cao, song song với việc giảng giải về những cái giá phải trả “tầm xa”, ta nên kết hợp dạy con “trả giá gần”. Những cái giá cụ thể, sát sườn tận dụng chính niềm đam mê hoặc sở thích của các em…