Dấu ấn của đồng chí Xuân Thủy tại Hội nghị Paris
Sự kiện 22/01/2023 09:38
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chính phủ Cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam tham gia đàm phán tại Paris cho rằng: “Với tài năng và bản lĩnh thể hiện trong công tác vận động quần chúng, đồng chí Xuân Thủy đã phát huy sang lĩnh vực ngoại giao một cách nhuần nhuyễn. Đối với đối phương, đồng chí có thái độ đàng hoàng, tự tin nhưng nội dung đối thoại sắc bén, đập lại những luận điệu xuyên tạc, làm sáng tỏ lập trường chính nghĩa của ta, làm đối phương khó đáp lại, và nhiều khi họ phải chọn cách im lặng”.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1973. |
Đồng chí Xuân Thủy đã vận dụng sáng tạo sách lược “tuy hai mà một, tuy một mà hai”, phối hợp chặt chẽ giữa hai miền Nam - Bắc trong đàm phán, hướng tới mục tiêu chung là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Suốt quá trình đàm phán tại Paris, trong khi Mỹ đã phải 4 lần thay đổi Trưởng đoàn, ông luôn được Đảng và Nhà nước tín nhiệm giao trọng trách Trưởng đoàn từ đầu đến cuối. Đó là những năm tháng làm toát lên trí tuệ và nhân cách Xuân Thủy trong cuộc đấu trí đầy cam go với đối phương. Nền ngoại giao hòa hiếu của dân tộc Việt Nam và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh đã được ông tiếp thu hết sức nhuần nhuyễn để đi đến kết quả cao nhất của cuộc đàm phán. Cũng theo bà Nguyễn Thị Bình, trong các cuộc họp “ngày thứ Năm” (tại trung tâm Kleber, nơi diễn ra cuộc đàm phán công khai giữa 4 đoàn ở Hội nghị Paris), trong lúc đoàn Mỹ luôn luôn tránh né sự có mặt của đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, thì đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại ra sức đề cao đại diện của Nhân dân miền Nam. Đặc biệt, “Thường sau mỗi cuộc họp, đồng chí Xuân Thủy đến bắt tay tôi, và có lúc còn đưa cho tôi mấy câu thơ vừa sáng tác trong quá trình họp. Trước một công việc căng thẳng như vậy mà đồng chí còn nghĩ đến thơ, thật là lạ!”.
Có thể nói, trên cương vị là Trưởng Đoàn đại biểu ta tại Hội nghị 4 bên ở Paris, đồng chí Xuân Thủy đã mang tiếng nói của dân tộc, đấu tranh giáp mặt với kẻ thù trên một chiến trường mới. Sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đường lối đúng đắn của Đảng, những thắng lợi dồn dập từ chiến trường dội sang, bạn bè 5 châu cổ vũ, đã tạo cho chúng ta khí thế tiến công áp đảo kẻ thù. Những bài thơ của ông viết trong giai đoạn này luôn thấm sâu và toát lên tinh thần đó: “Ta truy địch đến cùng đường bí lối/ Từ mỗi sớm ra đi, lại chiều về chói lọi/ Lá cờ ta lồng lộng hiên ngang/ Cờ Bắc Nam rực rỡ sao vàng” (Xuân muôn dặm). “Lá cờ ta lồng lộng hiên ngang”. Đây là một hình ảnh đẹp. Một hình ảnh làm ông xúc động nhiều nhất. Vì thế hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng được miêu tả rất đẹp qua nhiều trang thơ: “Cờ đỏ sao vàng tới Ép-phen/ Tháp cao vun vút gió bay lên/ Cơn mưa vừa tạnh mây tan hết/ Nắng ánh cờ ta rực bốn bên” (Lên Ép-phen). Và cũng từ đây, như để cho cuộc đàm phán đi đến kết quả cuối cùng có lợi cho phái đoàn ta, cả miền Nam đang quật cường nổ súng: “Tiếng súng miền Nam dậy đất trời/ Vĩnh Linh, Thanh Hóa vẫn bom rơi/ “Trung tâm quốc tế” lời đanh thép/ Giặc Mỹ, ta đang hỏi tội ngươi!”. Cuối tháng 12/1972, khi nghe tin quân và dân ta thắng lớn trận “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Hà Nội, và những lần xuống nước của Mỹ trên bàn đàm phán. Trưởng đoàn Xuân Thủy bật ngay ý thơ: “Vật lộn hôm nay thắng một keo/ Anh hùng Nam Bắc biết bao nhiêu/ Ngoài trời sương lạnh trong lòng ấm/ Hớn hở vui chung đĩa bánh xèo”. Bánh xèo là do chị em Đoàn miền Nam làm để thết đãi cố vấn Lê Đức Thọ và Trưởng đoàn Xuân Thủy khi nghe tin 2 miền Nam-Bắc đang có những chiến công vang dội rất có lợi cho ta trên bàn Hội nghị.
Với những “đường thơ, nét kiếm” của Trưởng đoàn Xuân Thủy trong quá trình đàm phán, đồng chí Trường Chinh cũng đã gửi đến Paris những vần thơ vừa mang tính động viên, vừa mang tính định hướng: “Mỗi tuần một trận đấu gay go/ Mấy tháng chưa xong một ván cờ/ Nắm vững phương châm giành thắng lợi/ Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ”. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được kí kết, trong niềm vui lớn đó, Trưởng đoàn Xuân Thủy đã “xuất khẩu thành thơ”: “Xuân bảy ba đậm đà thắng lợi/ Xuân bay lên phơi phới trời xanh/ Chào Việt Nam, Tổ quốc quang vinh!/ Chào chiến sĩ, Chào Nhân dân! Chào tình bốn biển!/ .../ Hăm bảy tháng Giêng ngày mừng chữ kí/ Giữa Pa-ri lộng lẫy sắc cờ ta/ Những kiều bào khuôn mặt nở đầy hoa/ Khắp bạn bè hướng về ta hớn hở”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của Quốc hội, thành viên Ðoàn đàm phán Hiệp định Paris nhớ lại: “Paris những năm ấy rất đặc biệt. Khi đó, phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới đang ở đỉnh cao. Bầu không khí quốc tế rất sôi động. “Việt Nam” là khẩu hiệu tiêu biểu nhất của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới nói chung và tại Paris nói riêng”.
Có thể nói, để có được thắng lợi trên bàn đàm phán đó, ngoài phong thái ung dung, trí tuệ trong đàm phán, Trưởng đoàn Xuân Thủy còn khéo léo tranh thủ Liên Xô và Trung Quốc (lúc đó đang có mâu thuẫn với nhau). Trước và sau những diễn biến quan trọng của cuộc đàm phán, ông đều thông báo tình hình cho các bạn, nghe ý kiến các bạn nhưng vẫn giữ vững tính độc lập tự chủ của mình. Ngoài ra, trong quá trình đàm phán, Trưởng đoàn Xuân Thủy luôn có một cách nói chuyện phù hợp và phương cách giao tiếp riêng với từng đối tượng. Trong suốt thời gian sống tại Paris, ông luôn dành được tình cảm, sự quý mến của bạn bè, kiều bào, nhiều người Pháp và các lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp. Một điểm gây ấn tượng khác của Trưởng đoàn Xuân Thủy đó là sự điềm tĩnh đến kì lạ trong bất kì hoàn cảnh nào. Trong những ngày tháng khó khăn của Hội nghị Paris, ông luôn giữ được thái độ bình tĩnh, dù ban ngày căng thẳng với các cuộc họp, nhưng buổi tối ông vẫn dành thời gian chơi cờ với anh em trong đoàn.
Hai năm sau, kể từ mùa Xuân bảy ba đậm đà thắng lợi trên bàn Hội nghị ở Paris, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975, thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác kính yêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, đồng chí Xuân Thủy xúc động nhả tiếng tơ lòng: “Ta đã đi và ta đã tới/ Ta đã đi từ con đường Hồ Chí Minh băng ngàn vượt suối/ Ta đã tới thành phố Hồ Chí Minh chói lọi sao vàng/ Đây ngụy quân giơ tay lũ lượt ra hàng/ Đây anh Giải phóng cưỡi xe tăng thẳng vào Dinh Độc lập/ Đây những mảnh vải ba que tả tơi rơi mặt đất/ Đây rừng cờ cách mạng phơi phới phất trời cao/ Rất rõ ràng mà ai đó ngỡ chiêm bao/ Vui sướng quá đến tuôn trào nước mắt” (Việt Nam toàn thắng). Hai năm sau nữa (năm 1977), Đoàn đại biểu Chính phủ ta cùng với lá cờ đỏ sao vàng đã hiên ngang tiến vào trụ sở Liên hợp quốc trong tiếng hoan hô của bè bạn 5 châu: “Cờ ta đó/ Đang bay giữa lâu đài Liên hiệp quốc/ Đang bay giữa đô thành Nữu Ước/ Đại biểu một trăm mười ba nước chăm chú nhìn lên/ Đại biểu Hoa Kỳ cũng đứng thẳng trang nghiêm…/ Ôi đỏ rực, chói vàng, lá cờ ta bách thắng/ Ta đã hôn Người, từ buổi ra quân mấy lần mưa nắng!/ Hãy bay cao! Bay cao!/ Một ngày nào bay tới các vì sao!” (Lá cờ ta) …
Nửa thế kỉ đã trôi qua, nhưng những dấu ấn sâu đậm của đồng chí Xuân Thủy tại Hội nghị Paris vẫn còn đó. Đúng như lời nhận xét của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về đồng chí Xuân Thủy rằng: “Tên tuổi của ông gắn liền với quá trình đàm phán sôi động, đầy cam go của Hội nghị Paris về Việt Nam từ năm 1968-1973, được bạn bè quốc tế vinh danh là Bộ trưởng với nụ cười chiến thắng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về ông như sau: “Anh là một nhà ngoại giao nổi tiếng nửa cuối thế kỉ 20. Anh là một chính khách Việt Nam, một nhà hoạt động xã hội Việt Nam có tên tuổi trên chính trường quốc tế từ những năm 50 của thế kỉ qua”...