Tết ở rừng Trường Sơn, sau Hiệp định Paris 1973
Sự kiện 20/01/2023 09:15
Đây là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta, thời kì chống Mĩ, cứu nước; là mốc son trong trang sử vàng cách mạng Việt Nam. Hiệp định Paris khẳng định tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc.
Những ngày này, Cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu V chuyển về Đông Trường Sơn, trên khu rừng ở vùng ven Đà Nẵng. Trong niềm hân hoan mừng chiến thắng cán bộ, chiến sĩ quyết định làm báo Tết. Từ chủ biên tập đến các tác giả văn, thơ, nhạc, họa, đều là anh em từng anh dũng chiến đấu trên các chiến trường miền Trung Trung Bộ.
Báo tường một đặc sản của Tết chiến trường |
Đây là những bài của số chiến sĩ pháo binh, thiết giáp, trinh sát, nói lên niềm vui khi nghe tin Thủ đô lập nên chiến công “Điện Biên Phủ trên không”, tháng 12/1972.
Đây là những bài của mấy cán bộ từ mặt trận Quảng Đà, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Tây Nguyên... viết về chiến thắng và tình quân dân vùng Đắc Tô – Tân Cảnh được giải phóng ngày 24/4/1972; Hoài Ân, Tam Quan, Hoài Nhơn giải phóng tháng 5/1972; về những trận pháo kích của ta vào các sân bay: Đà Nẵng, Chu Lai, Gò Quảnh, Cam Ranh.
Tờ báo Tết có bản nhạc “Pháo ta lại lên đường” của một chiến sĩ Quân Giải phóng. Giai điệu hùng tráng, đã được đoàn văn công Quân khu biểu diễn nhiều đêm liên hoan. Thượng tá Bùi Đắc Ngôn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu gửi bài mừng xuân chiến thắng kèm theo bức tranh tự vẽ những cánh hoa phong lan, tô màu vàng, màu đỏ, tươi thắm.
Một đồng chí ở Cục Chính trị Quân khu, gửi tới tờ báo bức ảnh cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn Kit-xinh-giơ, chụp ngày 23/1/1973, sau khi hai ông vừa kí tắt Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Tờ báo Tết của cơ quan Tham mưu Quân khu V hoàn thành, ai xem cũng khen: “Thật là tuyệt vời! Toàn các bài hay; có đủ thơ, văn, nhạc, họa...”.
Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân (sau là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), gợi ý: “Tờ báo tốt rồi. Cơ quan nên tổ chức một đêm liên hoan văn nghệ đầu Xuân nữa!”.
Chấp hành ý kiến của Thủ trưởng, các tổ múa, hát, kịch tích cực hoạt động. Diễn viên là cán bộ, chiến sĩ các cơ quan đến chị nuôi, giao liên, cảnh vệ. Anh chị em đề nghị Tư lệnh Chu Huy Mân, Phó Tư lệnh Hoàng Anh Tuấn (sau là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) và Tham mưu trưởng Lư Giang (sau là Tư lệnh Quân khu Thủ đô), tham gia dàn đồng ca. Các đồng chí nhất trí ngay.
Đồng chí Lư Giang nói: “Tôi và anh Hoàng Anh Tuấn, vừa nhận quyết định xuống Tam Kỳ, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn... tham gia Ban liên hiệp Quân sự theo Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chúng tôi muốn học mấy bài “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”, mà các anh chị đang tập. Khi làm việc với chính quyền Mĩ, chính quyền Sài Gòn, có thể hát những bài này tại Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn... để mọi người nghe, biết về ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam anh hùng...”.
Tết năm ấy, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã có buổi liên hoan văn nghệ đón mùa Xuân chiến thắng đầy ý nghĩa. Trong rừng sâu, hòa cùng tiếng suối reo là những lời ca bay bổng của dàn đồng ca: “... Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù/Tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô…”