Hà Nội - “Điện Biên Phủ trên không” - Khúc tráng ca của quân và dân Thủ đô
Xã hội 01/12/2022 10:47
Chúng ta đã biết, đánh B52 không dễ, theo nhận định của Quân đội ta là sớm muộn Mỹ sẽ đưa “át chủ bài” B52 đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội. Thách thức lớn nhất của Chiến dịch 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 là phải tiêu diệt được siêu pháo đài bay B52.
Trò chuyện với Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) - Đại tá Nguyễn Đình Kiên, nguyên Sĩ quan điều khiển Tiểu đoàn 57, chuyện rất dài và hấp dẫn về nhiều trận đánh lúc trúng, lúc trượt của kíp chiến đấu tại Tiểu đoàn. Ông nhớ lại hồi đầu Chiến dịch đánh B52, chưa ai nghĩ bộ đội ta có thể hạ gục được siêu pháo đài bay B52 của Mỹ kể cả khi tập huấn đánh B52 tại Quân chủng Phòng không - Không quân. Đồng chí Tư lệnh trưởng Quân chủng đã kết luận tại Hội nghị và động viên cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tên lửa phòng không phải cố lên: “Bộ đội Tên lửa phòng không phải bắn rơi tại chỗ ít nhất một chiếc B52 để lấy cái đuôi của nó bổ sung vào bộ sưu tập xác máy bay của Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi tại miền Bắc”.
Họp mặt CCB đánh B52. Hàng đầu, bên trái là Anh Hùng LLVT, Trung Tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Tiểu đoàn trưởng D57. |
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Nixon điên cuồng tuyên bố sẽ tấn công bằng đường không với quy mô lớn chưa từng có vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác bằng máy bay chiến lược B52 nhằm gây sức ép cho Chính phủ ta tại Hội nghị Paris.
Với âm mưu đó, chúng đã dốc sức huy động gần 50% (khoảng 200 máy bay chiến lược) được gọi là “pháo đài bay” B52; 31% máy bay chiến thuật hiện đại nhất của toàn nước Mỹ tham chiến với cường độ xuất kích trong cả chiến dịch là 663 lần/chiếc B52.
“Quyết tâm đánh thắng trận đầu bắt sống giặc lái” là khẩu lệnh từ Sở chỉ huy Sư đoàn được quán triệt đến các tiểu đoàn tên lửa.
Mở đầu chiến dịch là đêm 18/12/1972, lúc 19 giờ 14 phút, 3 tốp mục tiêu xuất hiện ở hướng Tây Bắc được xác định đó là đội hình máy bay B52 đang tiến đánh sân bay Hòa Lạc. Các đơn vị tên lửa của ta bắt đầu tác chiến. Tiểu đoàn 78 đã phóng ngay hai quả đạn vào đội hình B52 tuy chưa hạ gục được B52 nhưng đó là bước cản phá đường bay rất hiệu quả đối với không quân Mỹ. Đến 20 giờ 13 phút, từ phía Tam Đảo tốp B52 đang oanh tạc khu vực huyện Đông Anh. Lúc này Tiểu đoàn 59/E261 chốt sẵn tại địa bàn đã chủ động phát hiện mục tiêu, hai quả tên lửa được phóng lên, ghi nhận chiếc B52 đầu tiên bốc cháy và rơi tại cánh đồng Phủ Lỗ, huyện Đông Anh. Không còn nghi ngờ gì nữa, chiến công này của Tiểu đoàn 59 là thành tích khởi đầu cho chiến dịch, tạo không khí phấn khởi và lòng tự tin của bộ đội Tên lửa theo cách đánh B52 đã được tập tập huấn.
Rạng sáng 19/12 Tiểu đoàn 77 bên sông Hồng (Chèm) phát hiện tín hiệu có B52 trong lớp nhiễu dày đặc, kíp trắc thủ phải chuyển sang chế độ bám sát tự động (Auto), ngay lập tức một B52 bị tiêu diệt, rơi tại Thanh Oai, Hà Tây.
Trong hai ngày 19-20/12, địch tăng cường 250 lượt máy bay, trong đó có 87 lần B52 đánh vào Mễ Trì, Đông Anh. Các Tiểu đoàn 93, 77, 78 đã phối hợp bắn rơi thêm nhiều B52 tại bầu trời Hà Nội. Bộ đội Tên lửa thêm niềm tin và vững vàng vào trận mới.
Ấn tượng nhất là Tiểu đoàn 57, sau đêm 18/12 ra quân với 6 trận, phóng 11 quả tên lửa nhưng vẫn chưa có “bàn thắng” nào, đó là khó khăn và thách thức khi trận địa chỉ còn vài quả tên lửa trên bệ phóng. Lúc 5 giờ 9 phút ngày 21/12, lệnh báo động “Vào cấp 1” vang lên, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên cùng kíp chiến đấu đã phóng một quả tên lửa tiêu diệt ngay một B52. Cả Tiểu đoàn thực sự xúc động vì quá mừng! Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, mục tiêu đã vào tầm ngắm, nhưng điều lo lắng là hiện tại đơn vị chỉ còn duy nhất một quả tên lửa! Tiểu đoàn trưởng Phiệt nghiêm nghị nói với kíp chiến đấu: “Chúng ta chỉ còn một quả đạn cuối cùng, phải đổi bằng một chiếc B52”. Sau khi xác định mục tiêu, Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên “xuất thần” ấn nút cho tên lửa rời bệ phóng, toàn kíp chiến đấu bám sát, quả tên lửa được điều khiển tốt. Đúng 5 giờ 19 phút, từ đài quang học P12, Trắc thủ báo cáo về “một B52 bốc cháy đang rơi tại khu vực Núi Đôi”.
Chiến công nối tiếp chiến công, D57 chỉ trong 10 phút, bằng hai quả tên lửa đã hạ gục hai chiếc B52, trong đó một chiếc rơi tại chỗ, bắt sống giặc lái. Đây là chiến công trên cả tuyệt vời và hiệu quả nhất trong toàn chiến dịch.
Từ 22-26/12, cứ thế mà đánh! Các Tiểu đoàn 57, 93, 86, 76, mỗi tiểu đoàn lại lập công tiêu diệt một máy bay B52 nữa.
Tên lửa SAM 2 năm 1972 |
Đêm 27, ngày 28/12, địch thất bại nặng nề nhưng vẫn điên cuồng đánh phá. Không quân Việt Nam đã vào cuộc, chiến đấu hiệp đồng với bộ đội Phòng không. Phi công Phạm Tuân xuất kích từ sân bay Yên Bái, tiêu diệt một B52 trên bầu trời Sơn La. Đến nửa đêm, Tiểu đoàn 57 và Tiểu đoàn 94 phối hợp đánh chặn đội hình địch, tiêu diệt thêm một B52. Các Tiểu đoàn 71, 72, 76, 93 hiệp đồng chặt chẽ chặn đứng đường bay của không quân Mỹ từ hướng Tây Bắc vào Hà Nội và một máy bay B52 nữa lại bốc cháy rơi xuống làng hoa Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.
Cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, cuộc chiến bằng phương tiện điện tử hiện đại nhất được gọi là “sức mạnh Hoa Kỳ” đã hoàn toàn thất bại. Đến ngày 30/12/1972, phía Mỹ hoàn toàn suy yếu, làn sóng dư luận thế giới phản đối Mỹ ngày càng cao. 7 giờ 30 phút, ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon buộc phải ra lệnh ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra để gặp đại diện Chính phủ Việt Nam tại Paris bàn việc kí Hiệp định “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Chiến công của bộ đội Phòng không Hà Nội trong 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972 là khúc ca hùng tráng còn vang mãi. Đảng, Nhà nước đã ghi nhận công lao của các đơn vị và cá nhân làm nên chiến thắng. Binh chủng Tên lửa Phòng không cùng nhiều đơn vị, cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong đó, Tiểu đoàn 57/E261 có Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt và Sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên.