Đất Tổ Hùng Vương - Cội nguồn dân tộc
Nghiên cứu - Trao đổi 09/04/2022 10:15
+ Giai đoạn Phùng Nguyên (mang tên di chỉ phát hiện đầu tiên ở xã Kinh Kệ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ), thuộc sơ kì thời đại đồng thau, tồn tại trong khoảng nửa đầu thiên niên kỉ thứ II trước Công nguyên.
+ Giai đoạn Đồng Đậu (mang tên di chỉ gò Đồng Đậu ở xã Minh Tân, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc được phát hiện năm 1964) thuộc trung kì thời đại đồng thau, tồn tại vào khoảng nửa sau thiên niên kỉ thứ II trước Công nguyên.
Giỗ Tổ Hùng Vương là lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng |
+ Giai đoạn Gò Mun (mang tên di chỉ Gò Mun ở xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ, phát hiện năm 1961) thuộc hậu kì thời đại đồng thau, tồn tại vào khoảng cuối thiên niên kỉ thứ I trước Công nguyên.
+ Giai đoạn Đông Sơn hay văn hóa Đông Sơn (mang tên di chỉ khảo cổ học Đông Sơn (nay thuộc TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, phát hiện từ năm 1924), là giai đoạn chuyển tiếp từ hậu kì thời đại đồ đồng sang sơ kì thời đại đồ sắt, tồn tại trong khoảng từ đầu thiên niên kỉ thứ I trước Công nguyên, cho đến vài ba thế kỉ sau Công nguyên.
Đó là quá trình phát triển văn hóa bản địa, liên tục với những đặc trưng chung, bao quát một địa bàn rộng lớn tương ứng với thời kì ra đời và tồn tại của nước Văn Lang thời Hùng Vương mở nước…
Cả vùng Đất Tổ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) là cội nguồn, là đất phát tích của dân tộc ta. Nằm trong Bộ Văn Lang, vùng từ Ngã Ba Hạc lên tới núi Nghĩa Lĩnh, bao gồm hạ huyện Phong Châu và TP Việt Trì ngày nay, nơi mà truyền thuyết là đô thành của nhà Hùng, có núi Hùng là điểm cao trấn ngự suốt cả vùng; có sông Thao, sông Lô án ngữ hai bên; có Ngã Ba Hạc trước mặt là chướng ngại vật thiên nhiên ngăn địch.
Trong những chặng đường lịch sử tiếp theo, cương vực quốc gia mở rộng, từ Văn Lang, Âu Lạc, qua Vạn Xuân đến Đại Cổ Việt, Đại Việt, Việt Nam… Vùng Đất Tổ Hùng Vương vẫn luôn là địa bàn rất quan trọng, có đủ ba vùng kinh tế giàu tiềm năng với nhiều đặc sản truyền thống.
Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 được tỉnh Phú Thọ tổ chức theo quy mô cấp tỉnh |
Vùng Đất Tổ linh thiêng - nơi có nhiều di tích lịch sử với những tên làng, tên núi, tên sông đã đi vào lịch sử, đến nay (nếu tính từ năm 2879 trước Công nguyên đến năm 2022) là 4901 năm dựng nước và giữ nước. Làng Hương Nha, làng Hiền Quan thuộc huyện Tam Thanh, những nơi các nữ tướng Xuân Nương, Thiều Hoa, Phùng Thị Chinh… chiêu mộ và rèn luyện quân sĩ, theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh Tô Định (năm 40 - 43); Cầu Xa Lộc thuộc xã Tú Xã, huyện Phong Châu, là nơi quân nhà Lê đánh tan một vạn quân Minh từ Vân Nam sang tiếp viện thành Đông Quan; vùng Tiên Động ở sông Thao là căn cứ chống Pháp của quân Cần Vương Nguyễn Quang Bích năm 1881; vùng Sơn Hùng - Thục Luyện ở huyện Thanh Sơn là nơi nghĩa quân Đốc Ngữ đánh tan hai cuộc càn quét của giặc Pháp vào năm 1891; chiến khu Âu Cơ (thuộc xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa cũ) là căn cứ cách mạng tiền khởi nghĩa năm 1945; sông Lô vùng Gò Đồn, xã Thọ Sơn, huyện Đoan Hùng là nơi quân ta đã bắn chìm tàu chiến và bẻ gãy cuộc hành quân Thu Đông năm 1947 của thực dân Pháp xâm lược; đường Chân Mộng - Trạm Thản thuộc huyện Phong Châu, nơi đã diễn ra trận đánh vào ngày 17/11/1952, diệt gọn một tiểu đoàn lính lê dương, phá hủy 44 xe cơ giới của địch. Từng tấc đất đều thấm máu anh hùng của thế hệ ông cha, mỗi bước đi là một bước gặp di tích lịch sử…
Tiêu biểu nhất là khu di tích Hùng Vương, gồm Núi Hùng, Đền Hùng ở xã Hy Cương, huyện Phong Châu. Trên đỉnh Hùng Sơn có Đền Thượng, tục truyền là nơi Vua Hùng Vương thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho dựng Đền thờ vọng trên đỉnh núi. Về sau Nhân dân đặt thêm bài vị Vua Hùng vào để thờ cúng. Đền Thượng có chữ là “Kính Thiên Lĩnh Điện” (Điện thờ trời trên núi Nghĩa Lĩnh). Trong Đền có bức Đại tự đề “Nam Việt Triệu Tổ” (Tổ người Việt ở phương Nam). Bên cạnh có một cột đá cổ, tương truyền do vua Thục dựng lên để thề sẽ đời đời trông nom Miếu vũ và giữ gìn cơ nghiệp của nhà Hùng truyền lại.
Gần Đền Thượng có Lăng Hùng Vương, tương truyền là mộ Vua Hùng thứ 6. Dưới Đền Thượng là Đền Trung, sử sách còn chép: Đền Trung vẫn là Đền chính thờ các vua Hùng. Đây cũng là nơi Lang Liêu dâng vua cha bánh chưng, bánh dày trong những ngày đầu năm mới. Dưới Đền Trung là Đền Hạ, tương truyền là nơi Mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng. Gần Đền Hạ có một ngôi chùa, xưa có tên là Sơn Cảnh Thừa Long Tự, sau đổi là Thiên Quang Thiền Tự, trước cửa chùa có cây thiên tuế là nơi Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong vào ngày 19/9/1954 trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Dưới chân núi còn có Đền Giếng, xưa kia là một giếng nhỏ gọi là Giếng Ngọc, nơi hằng ngày hai con gái của Hùng Vương thứ 18 là Công chúa Ngọc Hoa và Công chúa Tiên Dung ra đó rửa mặt, chải đầu, lấy mặt giếng làm gương soi. Đời sau lập Đền thờ hai nàng công chúa ở đó… Khu Di tích lịch sử Hùng Vương được đồng bào cả nước, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và khách quốc tế trân trọng, ngưỡng mộ, tự hào, coi là “cái nôi, là cội nguồn của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam”.
Hằng năm, vào ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 âm lịch, con cháu khắp mọi miền Tổ quốc và Việt kiều đều tìm về Đền Hùng thăm mộ Tổ, tưởng nhớ công ơn của Tổ Tiên, đồng thời là một dịp để tham quan di tích lịch sử, ngắm nhìn cảnh đẹp non sông, đất nước, càng ngắm càng thấm thía lời Bác Hồ kính yêu căn dặn ngày nào: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022 được gắn với kỉ niệm 10 năm UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.