"Có lòng Dân là có tất cả, mất lòng Dân là mất sạch trơn"

Nhân dịp tôi được mời về dự lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Trung Thành (14/4/1924-14/4/2024), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Nghĩa Bình, Quảng Ngãi, tại xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Biết tôi là 1 trong số 20 cơ sở cách mạng của đồng chí Võ Trung Thành từ năm 1944, rồi tham gia làm liên lạc cho Việt Minh và Du kích Ba Tơ đấu tranh với bọn sĩ quan Nhật đồn trú ở Sa Huỳnh, để Nhân dân Đức Phổ cùng với tỉnh Quảng Ngãi vùng lên giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 vào ngày 16/8/1945 (sớm hơn Hà Nội 3 ngày). Nên mọi người đề nghị tôi cho thế hệ con cháu biết đồng chí Võ Trung Thành đã nêu tấm gương gì là cao đẹp nhất và đối với thế hệ đảng viên trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh thì suy nghĩ và nhận thức như thế nào về đạo đức cách mạng và trong tình hình hiện nay, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng có gì giống và khác với thời kì của các cụ.

Tôi đã trả lời như sau: “Tôi không thể nói hết về những tấm gương cao đẹp nhất, tôi chỉ kính dâng lên bàn thờ đồng chí Võ Trung Thành tấm biển tri ân khắc câu chữ vàng "Đời đời nhớ ơn người con quê hương Quảng Ngãi - Đồng chí Võ Trung Thành trọn đời dâng hiến Đức - Tài phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân". Còn đối với thế hệ đảng viên trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh của chúng tôi lúc bấy giờ, tất cả đều suy nghĩ và nhận thức về đạo đức cách mạng là sẵn sàng vượt lên mọi gian lao, khốc liệt, kể cả hi sinh tính mạng để chống giặc, cứu nước, cứu đồng bào. Và chúng tôi hiểu vai trò, ý nghĩa của đạo đức cách mạng đối với người cán bộ, đảng viên là yếu tố quyết định hàng đầu để đánh thắng giặc. Bởi để chiến thắng được giặc thì không thể chỉ cần có quân đội, có vũ khí, xe tăng, đại bác, máy bay, mà cái cần trước hết, trên hết, quyết định hết là lòng Dân.

Lãnh đạo UBND tỉnh dâng hương tưởng nhớ đồng chí Võ Trung Thành.
Lãnh đạo UBND tỉnh dâng hương tưởng nhớ đồng chí Võ Trung Thành.

Đồng chí Võ Trung Thành dạy tôi khi mới 10 tuổi cho đến khi đồng chí qua đời vẫn luôn dặn: "Có lòng Dân là có tất cả, mất lòng Dân là mất sạch trơn". Và suốt hơn 80 năm hoạt động cách mạng của tôi, lúc nào tôi cũng nhận rõ để ý Đảng quyện vào lòng Dân, và lòng Dân đến được trái tim của Đảng; để người Dân hiểu Đảng, tin Đảng, theo Đảng, để toàn Dân đánh giặc, toàn Dân trường kì kháng chiến, thì không phải hiểu theo giấy tờ, nghị quyết, mệnh lệnh mà tin Đảng, theo Đảng ở đạo đức cách mạng của những cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đang ở bên cạnh, đang cùng Nhân dân ngày đêm sống chết với quân thù, ngày đêm thực thụ là con cháu Nhân dân, con cháu Bác Hồ. Tất cả lớp cán bộ, đảng viên chúng tôi thời bấy giờ, nhất là khi hoạt động trong vùng địch kiểm soát nếu không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng thì không thể nào sống được một ngày, thậm chí một giờ, bởi mất lòng Dân thì mất sự đùm bọc, chở che, bảo vệ, nên không thể nào thoát khỏi bàn tay đẫm máu của giặc. Tôi đã kể câu chuyện của bản thân tôi để thấy lòng Dân tin Đảng qua đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên nó thiêng liêng đến mức độ nào.

Tôi vào chiến trường miền Nam từ cuối 1964 và 10 năm liên tục không ra Bắc một ngày nào, mặc dù 3 lần bị thương nặng; và nhất là năm 1972, khi B52 của Mỹ đánh vào Hà Nội, nơi vợ con tôi sơ tán, vợ tôi thoát chết, nhưng con gái đầu tôi thì bị bom sát hại. Lúc này, tôi đang ở trong vùng Mỹ ngụy kiểm soát, đang nằm hầm bí mật để chỉ đạo Đội Thanh niên xung phong vũ trang Khu 5 phối hợp với lực lượng địa phương chiến đấu tiêu diệt bọn ác ôn và bọn cố vấn Mỹ để Nhân dân vùng lên tổng nổi dậy, nên khi nghe tin con gái bị B52 sát hại thì sự mong muốn của tôi đã lên đến tột độ, muốn được lên căn cứ để ra Bắc viếng con, thăm vợ. Nhưng với đạo đức cách mạng của một cán bộ Cụ Hồ, không cho phép lương tâm tôi bỏ đồng đội, bỏ Nhân dân mà đi được lúc này, bởi vì lúc này chiến trường cần tôi, đồng đội cần tôi, Nhân dân cần tôi, nếu tôi rời đi thì lòng Dân làm sao yên được, tin được. Nên khi tôi nuốt nước mắt vào trong, sát vai cùng đồng đội, gắn bó máu thịt với Dân, thì khí thế cách mạng của Nhân dân bùng lên thành cao trào. Tôi cũng nói, khi nào chúng tôi muốn tránh khỏi sa vào tay giặc, muốn chiến thắng được quân thù thì làm tất cả những gì để được lòng Dân và làm sao lòng Dân tới được trái tim của Đảng. Mà muốn được như vậy thì phải sống như thế nào, công tác, chiến đấu như thế nào, thái độ tác phong, lời ăn tiếng nói đối với đồng đội, đồng chí, đồng bào, đối với cụ già, phụ nữ, trẻ em như thế nào, để trong mắt và trong lòng người Dân tin mình là cán bộ Cụ Hồ thật, là con em của Dân thật. Tôi cũng kể thêm một câu chuyện:

Để chuẩn bị cho chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1972, tôi được Khu ủy và Quân khu 5 mà trực tiếp là đồng chí Võ Trung Thành cử vào Mặt trận Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, xây dựng Đội TNXP vũ trang hoạt động sâu trong vùng địch kiểm soát giữa thị xã Ninh Hòa. Sau mấy tháng hoạt động thì hầu hết các hầm bí mật trong vườn, ngoài bờ sông đều bị địch phát hiện. Nên tôi được một gia đình đưa vào trú trong một hầm nổi xây ngay trong phòng ngủ của cô gái 18 tuổi Trương Mỹ Lệ, an toàn hơn 2 tháng. Đến một hôm bọn cảnh sát ngụy có cố vấn Mỹ chỉ huy đến lùng sục, chúng phát hiện ngoài bờ sông gần nhà có hầm bí mật nhưng không có người, nên chúng hăm dọa người nhà rồi định chuyển sang lùng sục nhà khác. Nhưng lúc đó, tên quận trưởng ngụy Ninh Hòa hét to trong máy bộ đàm, nói trong nhà có tên Việt Cộng cao cấp nằm vùng, bằng mọi giá phải bắt sống cho được. Lúc này, anh chủ nhà Ba Quỳnh đang nằm ngụy trang trên máng nước mái nhà, liền nhảy xuống như tự đầu hàng và thuyết phục bọn ngụy đưa anh ngay về gặp quận trưởng để anh khai báo ra nhiều Việt Cộng khác. Bọn lính mừng rỡ sẽ được thưởng to nên vội vàng đưa anh ra khỏi nhà và nhờ đó mà tôi thoát khỏi tay giặc. Sau này nhiều người không biết tại sao mà cả ông bà nội và ba má cô Lệ lại dám đưa tôi vào trú trong phòng ngủ của cô, không sợ tôi có hành vi xâm hại con cháu họ, thì cả gia đình và cô Lệ đều trả lời, là vì đã biết rõ và rất tin tưởng ở đạo đức cách mạng của cán bộ Cụ Hồ.

Rồi tiếp theo sau khi tôi thoát được ra ngoài thì địch biết được anh Quỳnh đã đánh lừa chúng nên chúng đánh đập dã man và cho quân trở lại nhà tìm nơi tôi trú ẩn. Chúng phát hiện trong phòng ngủ của cô Lệ có dấu vết Việt Cộng, chúng liền bắt đưa về quận và phát hiện cô có thai. Chúng tra tấn dã man và bắt cô khai cái thai trong bụng là do Việt Cộng nằm vùng cưỡng hiếp, nếu không khai như vậy thì chúng giết cả mẹ lẫn con. Cô Lệ đã bình tĩnh và thông minh thuyết phục: “Các ông ơi, các ông đã tàn ác quá nhiều rồi, hôm nay hãy dừng tay lại, đừng để nay mai Mỹ cút về nước thì tội ác của Mỹ sẽ chồng chất lên đầu các ông. Còn đứa con đang nằm trong bụng, nó có cha đàng hoàng, đừng bắt tôi nói nó là bị cưỡng hiếp, tôi không thể nào vô đạo đức với đứa con còn đang nằm trong bụng. Cha nó cũng như các ông, bị Mỹ bắt lính, nên trốn lính và yêu tôi”. Những lời cô Lệ đã xoáy sâu vào tim gan một số sĩ quan ngụy, nên chúng đã nhẹ đòn để cô sinh được một đứa con trai và sau khi có Hiệp định Paris (27/1/1973) thì người yêu đến nhận vợ con về nhà. Còn về phần tôi, từ khi thoát ra ngoài, không còn chỗ nào để ẩn nấp, nên chú Tám Sức, giữa đêm khuya ra giữa nghĩa trang gia tộc thắp hương cầu xin tiên tổ, thần linh cho phép di chuyển bộ hài cốt trong một ngôi mộ to nhất để khoét rộng ra cho tôi vào ẩn nấp an toàn giữa vòng vây của địch. Khi làm lễ, chú cầu xin thần linh tha tội cho chú, vì làm một việc động chạm đến vong hồn gia tiên, nhưng chú còn khấn thêm, nếu có bắt tội thì chỉ bắt tội mình chú, còn xin bảo vệ an toàn cho tôi, vì tôi là cán bộ Cụ Hồ.

Về câu hỏi, trong tình hình hiện nay, việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng phải như thế nào, tôi đã chia sẻ là trước sự cám dỗ về vật chất, tiền tài, danh vọng, địa vị và cả những cạm bẫy của bọn phản động, phản bội của giặc nội xâm không thể nào kể được, nhưng tôi nghĩ việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong thời chiến cũng như thời bình đều phải xây trên một cái gốc, tức là phải thực tâm, thực lòng và quyết tâm học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, phải tự soi, tự sửa, tự rèn, tự phê bình và phê bình như hằng ngày ta phải rửa mặt, bởi không rửa để dơ bẩn thì không thể nào không sinh ra bệnh hoạn. Và bí quyết thành công thì thời nào cũng chỉ có một, đó là làm sao phải luôn luôn giữ ấm trái tim của người Cộng sản, trái tim của lớp con cháu Bác Hồ, của đồng đội, đồng chí đã vì nước quên thân, vì Dân phục vụ mà đã anh dũng hi sinh. Nếu giữ ấm trái tim mình, thì tâm mình sẽ trong hơn, trí mình sẽ sáng hơn, con người mình sẽ sạch sẽ hơn, mới gọt rửa được những thói hư, tật xấu, mới gọt bỏ được lòng tham lam, ích kỉ, lợi mình mà hại người, hại Dân, hại nước. Tôi cũng lấy bản thân mình để chứng minh điều đó.

Trên đường “đi B” vào Nam chiến đấu, chúng tôi hành quân bộ 3 tháng trời trên dãy Trường Sơn, trên vai mang vác vũ khí, lương thực, thực phẩm nặng trên 3 chục cân, nhưng ao ước của chúng tôi chỉ mong sao có được chiếc xe đạp thồ để đỡ bớt gánh nặng. Còn ăn uống thì thiếu thốn vô cùng, nhưng chúng tôi cũng chỉ ao ước làm sao mỗi buổi chiều dừng lại gặp chỗ có rau rừng nấu canh, và trong ba lô có một viên vitamin để chống phù thũng.

Trái lại, ngày nay nhu cầu của cuộc sống và sự ao ước của nhiều người không dừng lại một giới hạn nào. Tôi có mấy ông bạn già ngao ngán cho cảnh đời con cháu, nhất là một số cán bộ có chức quyền, cứ mỗi dịp đón Tết mừng Xuân thì chỉ riêng việc trang trí nhà cửa, trồng hoa cây cảnh, làm hồ nuôi rùa, nuôi cá cảnh… cũng chi nhiều tỉ đồng, mà năm sau lại thay mới phải chi nhiều tỉ nữa. Còn có vị trong một bữa tiệc vui với bạn bè, cánh hẩu, thì không chỉ có súp yến, hải sâm, vây cá mập… mà còn phải có rượu ngoại thượng hạng ngâm ủ trong hầm 5-7 chục năm và không thể thiếu xì gà 4-5 triệu đồng một điếu. Cộng tất cả, giá tiệc tính ra đầu người, mỗi suất bằng cả một năm lương của cán bộ về hưu. Tôi cũng nói thêm một điều thuộc về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên kể cả cấp chiến lược ngày nay cũng chưa thật quan tâm đến. Vấn đề này, lớp cán bộ, đảng viên 80, 90, 100 tuổi, chúng tôi coi đây là một nỗi đau tâm linh lịch sử, một nỗi đau chồng chất qua 4-5 cuộc chiến liên tiếp… Mặc dù Đảng ta, Nhà nước ta, Nhân dân ta đã, đang và còn mãi mãi tìm mọi cách, mọi giá để làm vơi bớt nỗi đau bầm gan, đứt ruột này. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ cấp cao, cấp có thẩm quyền vẫn để trái tim nguội lạnh, mắc bệnh vô cảm, vô tâm đối với các bậc cha ông đã xả thân cho chúng ta có được cơ đồ ngày nay. Bộ phận cán bộ đó miệng nói uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, nhưng trong tâm địa thì quay lưng lại lịch sử, bởi họ biết lịch sử qua phim ảnh, qua mạng xã hội xuyên tạc, chứ không như lớp chúng tôi đã từ trong máu lửa mà tự nguyện bổ sung vào lịch sử của phong trào 5 xung phong ở miền Nam thêm xung phong thứ 6. Đó là xung phong sắp hàng trước để đến lượt hi sinh. Vậy mà hơn nửa thế kỉ nay, những đồng chí xếp hàng trước, vong hồn chưa được siêu thoát. Các đồng chí ấy đêm đêm hiện về hỏi chúng tôi, Đảng và Nhà nước có coi cái chết của họ là do giặc giết hay do tự sát mà không được công nhận là liệt sĩ như nhiều đồng đội, đồng chí khác. Các đồng chí đó còn nói, rất biết đặc thù của lịch sử làm cho việc công nhận liệt sĩ vô cùng khó khăn, nhưng cũng nghe nhiều lần các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng nói những trường hợp do đặc thù của lịch sử để lại, thì cũng phải có chính sách đặc thù để giải quyết, mà một trong cách đặc thù là dựa vào nhân chứng lịch sử (như chúng tôi) để giải quyết, vậy tại sao có nhiều trường hợp các cán bộ có chức năng, có thẩm quyền không tin, không dựa vào chúng tôi. Thậm chí có trường hợp đã ghi rõ tên trên mộ, nhưng ở gia đình thì tên khác (vì khi nhập ngũ khai tên khác) thế mà cấp Trung ương cũng không công nhận là liệt sĩ, mặc dù từ Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng đến Chủ tịch nước chỉ đạo vẫn không chấp hành.

Cuối cùng, tôi xin phép bà con trao truyền lại cho lớp con cháu về một bài học sống của bản thân tôi qua hơn 90 tuổi đời, hơn 80 tuổi cách mạng và gần 70 tuổi Đảng.

Tôi tham gia cách mạng từ khi lên 10, làm liên lạc cho đồng chí Võ Trung Thành từ năm 1944 và cho Việt Minh và Du kích Ba Tơ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Thoát li gia đình tham gia kháng chiến ngay ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp (tháng 12/1946) cho đến hôm nay. Từ chống Pháp, chống Mỹ, chống bành trướng phía Bắc, phía biên giới Tây Nam, chống Fulro ở Tây Nguyên rồi giúp Cách mạng Campuchia, tôi đều có mặt. Hơn 20 năm làm công tác kiểm tra xây dựng chỉnh đốn Đảng, 70 tuổi mới về hưu, vừa nghỉ hưu tôi đã trực tiếp báo cáo lên Tổng Bí thư xin được Đại hội thành lập Hội Cựu TNXP nhưng đến 7 năm sau các cơ quan thẩm quyền mới cho Đại hội thành lập. Tôi làm Chủ tịch Hội 3 nhiệm kì, gần 15 năm liên tục đấu tranh để giải quyết tồn đọng chính sách cho gia đình liệt sĩ, thương binh, những bà cựu TNXP sống cô đơn, ốm đau bệnh tật ở vùng sâu, vùng xa… Tôi được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng đội, đồng chí, đồng bào tin yêu nên bầu làm đại biểu Quốc hội ở tuổi 75. Suốt 7 trên 9 kì họp Quốc hội, tôi đều nêu vấn đề tồn đọng chính sách đối với người có công… Tất cả cuộc đời của tôi lúc nào cũng nghĩ đến việc tránh mất lòng Dân, làm sao góp phần cao nhất làm cho lòng Dân tới được trái tim của Đảng và trái tim của Đảng thấu hiểu được lòng Dân. Và trong thực tiễn qua hơn 80 năm phục vụ cách mạng, gần 70 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, việc gì tôi làm thành công và vượt qua trên chục lần thoát chết do giặc… đều nhờ Nhân dân và nhờ sự dạy bảo, chỉ bày… của các bậc đàn anh. Tôi xin nói rõ Ý Đảng, lòng Dân ở đây không phải chỉ nói lòng Dân hiện nay, mà lòng Dân ở từ vong hồn, vong linh của những đồng đội, đồng chí, đồng bào đã anh dũng hi sinh, đã đi về với tổ tiên, với Bác Hồ và các bậc tiền bối. Tôi nói điều này, có người cho tôi là mê tín, nhưng tôi lại mong tất cả mọi người, nhất là những cán bộ có chức, có quyền hãy “mê tín” như tôi, để nỗi đau tâm linh lịch sử của hàng triệu gia đình có người hi sinh được thanh thoát. Tôi nói đến đây, tôi nhìn thấy rất nhiều giọt nước mắt và thầm nói với nhau, vậy tại sao đồng chí Võ Trung Thành hoạt động từ 1944, lúc bấy giờ có 20 cơ sở cách mạng bảo vệ, che chở mà đến nay không có một người nào được coi là lão thành cách mạng, là cán bộ tiền khởi nghĩa?... Đó là một nỗi đau tâm linh lịch sử, không biết kéo dài đến bao nhiêu thế kỉ nữa!

Nguyễn Anh Liên

Tin liên quan

Cùng chuyên mục

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ - “Thanh bảo kiếm” phòng, chống tham nhũng

Tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ - “Thanh bảo kiếm” phòng, chống tham nhũng

Công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ - “Thanh bảo kiếm” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Yêu cầu cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển”

Xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển”

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách con người, là nơi bảo tồn, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam.

Tin khác

Chống “bệnh cố chấp” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Chống “bệnh cố chấp” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Ngay từ những ngày miền Bắc mới giải phóng, cuối năm 1954, Bác Hồ đã có một số bài viết với tiêu đề “Vững chắc và cố chấp” đề cập vấn đề này.

Một số bài báo nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết 100 năm trước

Một số bài báo nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh viết 100 năm trước
Trước khi trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; trong những năm tháng đầu tiên trên chặng đường đi tìm hình của nước, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã làm báo và luôn xem báo chí là một vũ khí tư tưởng sắc bén.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo quốc tế

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo quốc tế
Ngay từ những năm đầu tiên hoạt động ở Pháp, Bác Hồ đã tiếp xúc với nhiều nhà báo cách mạng; học hỏi nghiệp vụ báo chí và liên tục viết báo. Người không nhận mình là nhà thơ, nhà văn, họa sĩ… nhưng vui vẻ nhận mình là nhà báo. Người khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam; là bạn lớn của hàng trăm nhà báo quốc tế ở nhiều châu lục.

Cơ hội và thách thức

Cơ hội và thách thức
Ngày 21/6/1925, Nguyễn Ái Quốc xuất bản Báo Thanh Niên, cơ quan của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tại Quảng Châu, Trung Quốc.

Báo chí là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Báo chí là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Báo chí có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng, là tuyến đầu xung kích trong công tác tư tưởng, lí luận, luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Bác Hồ với việc tổ chức tòa soạn báo Người cùng khổ

Bác Hồ với việc tổ chức tòa soạn báo Người cùng khổ
Tại cuộc họp của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa diễn ra vào ngày 19/2/1922 đã quyết định ra đời báo Người cùng khổ (Le Paria) làm cơ quan ngôn luận của tổ chức này. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa đã có những đóng góp tích cực để tờ báo này ra đời và phát triển...

Nhớ một bài báo của Bác Hồ 55 năm trước

Nhớ một bài báo của Bác Hồ 55 năm trước
Vào năm 1969, sắp đến kỉ niệm ngày thành lập Đảng, trước đó vẫn được tổ chức vào ngày 6/1 hằng năm. Nhưng từ khi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 3/2 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới nay...

Cán bộ, đảng viên “Cần phải xem báo Đảng”

Cán bộ, đảng viên “Cần phải xem báo Đảng”
Cách đây 70 năm, với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo với nhan đề “Cần phải xem báo Đảng” đăng trên Báo Nhân dân số 197, từ ngày 22 đến 24/6/1954. Bài báo ngắn chưa đầy 400 từ, nhưng sâu sắc, có ý nghĩa không chỉ đối với bạn đọc, nhất là cán bộ, đảng viên, mà còn đối với các nhà báo nói chung, những người làm báo Đảng nói riêng, chẳng những trước đây mà còn cả ngày nay...

Anh hùng Núp với cách mạng Cuba

Anh hùng Núp với cách mạng Cuba
Sau khi cách mạng thành công (1959), Cuba đẩy mạnh việc tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Pháp của Nhân dân Việt Nam và lấy đó làm bài học thực tiễn sinh động trong cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ của Nhân dân Cuba...

Bác Hồ và Đại hội V Quốc tế Cộng sản

Bác Hồ và Đại hội V Quốc tế Cộng sản
Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản, gồm có đại biểu của 49 Đảng Cộng sản trên thế giới đã họp tại Mát-xcơ-va từ ngày 17/6 đến 8/7/1924.

Nghĩ về văn hoá học đường

Nghĩ về văn hoá học đường
Nhà trường không chỉ dạy chữ, mà còn dạy làm người. Vai trò và nhiệm vụ vẻ vang ấy đòi hỏi học đường phải không ngừng khẳng định bản chất văn hoá tiêu biểu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người khởi xướng phong trào thi đua yêu nước
Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, với mục tiêu vừa thiết thực, vừa to lớn: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”.

Già hoá dân số và dân số già

Già hoá dân số và dân số già
Hiện nay nước ta có khoảng 16 triệu NCT. Đây là nguồn lực nội sinh quý giá, là lực lượng hướng đạo trong cố kết cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh làm chủ xã hội và tự nhiên. Từ ngàn xưa, truyền thống dân tộc Việt Nam là trọng lão, coi NCT là rường cột xã tắc, được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh…

“Cai nghiện” mạng xã hội, chúng ta được gì?

“Cai nghiện” mạng xã hội, chúng ta được gì?
Khi công nghệ phát triển, các nền tảng mạng xã hội cũng trở nên thông minh hơn khiến độ “gây nghiện” của thế giới trực tuyến ngày càng cao. Xu hướng này đồng thời dấy lên nhiều lo ngại, chẳng hạn nguy cơ quyền riêng tư bị xâm phạm hoặc nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng sức khỏe tâm thần của người dùng.

Những kiến nghị về thực trạng bộ máy và cán bộ cơ sở hiện nay

Những kiến nghị về thực trạng bộ máy và cán bộ cơ sở hiện nay
Theo Hiến pháp hiện hành, Nhà nước ta có 4 cấp, trong đó xã, phường, thị trấn là cấp cơ sở. Nhưng từ lâu cấp cơ sở đã trở thành trung gian, vì bộ máy còn nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều đầu mối. Số lượng cán bộ ngày càng đông, chi phí ngân sách ngày càng nhiều nhưng hiệu lực, hiệu quả còn nhiều hạn chế, nhất là HĐND xã, nên rất cần phải có giải pháp cho cấp này.
Xem thêm
Phiên bản di động