Có đơn của bị hại xin giúp giảm án, bị cáo có được khoan hồng đặc biệt?
Pháp luật - Bạn đọc 21/03/2024 08:44
Ngày 19/3/2024, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh). Trước đó, các cơ quan tố tụng nhận được hơn 1.000 đơn của nhà đầu tư là những bị hại trong vụ án xin giảm án cho các bị cáo. Trong đơn, các bị hại đã đề nghị TAND, Viện KSND xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, với lí do toàn bộ các bị cáo đều đã hợp tác tích cực với cơ quan điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thừa nhận hành vi sai phạm và nhân thân tốt.
Riêng đối với ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Công ty Tân Hoàng Minh và ông Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Tân Hoàng Minh (con trai ông Dũng), các bị hại đề nghị cơ quan tố tụng xem xét, áp dụng chính sách “khoan hồng đặc biệt” vì trong thời gian ngắn họ đã nỗ lực khắc phục hoàn toàn 100% số tiền của người mua trái phiếu (hơn 8.600 tỉ đồng) vào Kho bạc Nhà nước.
Các bị cáo vụ Tân Hoàng Minh tại phiên tòa |
Theo những bị hại, hành vi khắc phục hậu quả của ông Dũng và ông Việt thể hiện sự ăn năn hối cải, giúp cho các bị hại giải tỏa được tâm lí lo lắng, tạo niềm tin cho xã hội đối với các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Dưới góc độ pháp lí, TS luật Đặng Văn Cường cho biết: Việc bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho bị hại, đồng thời thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, những người bị hại có đơn xin cơ quan tố tụng xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là những tình tiết quan trọng để tòa án có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt đối với các bị cáo.
Trong vụ án này, các bị cáo bị truy tố theo Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự (BLHS) với khung hình phạt là phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Về nguyên tắc chung, nếu phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền từ 500 triệu đồng trở lên, hình phạt thấp nhất là 12 năm tù, cao nhất là tù chung thân. Tuy nhiên, BLHS cũng quy định trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có ít nhất 2 tình tiết quy định tại Điều 51 BLHS, tòa án có thể xét xử bị cáo ở khung hình phạt thấp hơn khung hình phạt mà Viện KSND đề nghị truy tố.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 hoặc Khoản 2, Điều 51, nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lí do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án.
Theo đó, trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các bị cáo trong vụ án này cũng có thể được xét xử ở dưới khung hình phạt, các bị cáo với vai trò chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực cũng có thể được xem xét ở mức thấp của khung hình phạt bị truy tố. Đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu giúp sức, không hưởng lợi hoặc hưởng lợi không lớn, có thể được xét xử dưới khung hình phạt. “Quyết định hình sự xử phạt đối với người phạm tội căn cứ vào quy định của BLHS (về loại hình phạt, mức hình phạt trong các khung, khoản, về chuyển khung hình phạt nếu có). Đồng thời, căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, Khoản 2, Điều 51 BLHS cũng quy định, khi quyết định hình phạt, tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lí do giảm nhẹ trong bản án. Các tình tiết giảm nhẹ đã được BLHS quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt. Do đó, trong trường hợp người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường, sửa chữa hoặc khắc phục hậu quả,… là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đáng kể”, TS Cường cho hay.
Đối với trường hợp người bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là tình tiết giảm nhẹ có thể xem xét theo Khoản 2, Điều 51 BLHS, tình tiết này “không đáng kể” bằng các tình tiết theo Khoản 1, Điều 51 BLHS. “Trong vụ án này, với việc các bị hại có đơn đề nghị áp dụng chính sách “khoan hồng đặc biệt” đối với các bị cáo, có thể sẽ không được HĐXX xem xét chấp nhận. Bởi, “khoan hồng đặc biệt” là khái niệm được nhắc đến trong trường hợp người phạm tội có thể được miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 BLHS”, ông Cường nhận định.