Chậm trễ bồi thường giải phóng mặt bằng do đâu?
Pháp luật - Bạn đọc 07/11/2021 15:08
Sự chậm trễ trong việc bồi thường và hỗ trợ không những quyền lợi của 4 hộ gia đình bị ảnh hưởng mà toàn bộ các công trình, tài sản trên đất nằm trong diện bị thu hồi không được cải tạo, sửa chữa và sử dụng dẫn đến bị xuống cấp trầm trọng. Câu hỏi đặt ra năm 2017 đã có kết quả kiểm kê, kiểm đếm, nhưng tại sao UBND xã Tiên Dương và huyện Đông Anh không thực hiện việc chi trả tiền bồi thường và hỗ trợ như nhiều hộ gia đình khác, mà phải đến khi 04 hộ gia đình khiếu nại, tố cáo nhiều lần thì gần 4 năm sau - Năm 2020, chính quyền mới có động thái đi kiểm kê, kiểm đếm lại, rồi lấy kết quả này để tính bồi thường và hỗ trợ? Việc điều chỉnh hay xác nhận, xác minh lại tính chất pháp lý của công trình phải căn cứ vào Biên bản kiểm kê, kiếm đếm đã lập năm 2017 khi thu hồi đất, chứ không thể căn cứ vào số liệu kiểm kê và kiểm đếm cuối năm 2020 để xác nhận và áp dụng bồi thường hỗ trợ. Vì trong 4 năm bị quy hoạch người sử dụng các công trình nằm trong diện tích bị thu hồi không được phép xây dựng, sửa chữa và sử dụng, các công trình sẽ không còn giá trị như những năm trước.
Sự chậm trễ kéo dài quá trình kiểm kê, kiểm đếm thu hồi tài sản là do chính quyền địa phương xác định chưa đúng kết quả bồi thường. Và nhờ có đơn khiếu nại của ông Hoàng Ngọc Đoàn đã phát hiện ra số tiền khoảng 4 tỷ đồng chi trả bồi thường và hỗ trợ sai đã được thu hồi về cho ngân sách Nhà nước, nhiều cán bộ đảng viên liên quan cũng bị xử lý kỷ luật. Dư luận đặt câu hỏi tại sao việc bồi thường, hỗ trợ do ông Hoàng Ngọc Đoàn đại diện 4 hộ gia đình bị chậm trễ kéo dài và phải bị “xét lại” nhiều lần, giá trị bồi thường và hỗ trợ tài sản trên đất giảm dần, lần sau thấp hơn lần trước? Vậy đằng sau sự việc này là gì - Liệu có phải vì ông Đoàn có đơn phát giác những sai phạm trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng dự án?
Đường vào khu trang trại do các hộ gia đình tự mở. |
Thực hiện Dự án, UBND huyện Đông Anh đã ra quyết định số 5430/QĐ-UBND ngày 07/12/2016 thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Hội đồng bồi thường huyện Đông Anh có Văn bản số 75/HD-HĐ GPMB ngày 14/12/2016 Hướng dẫn chính sách, bồi thường hỗ trợ đất khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên cho đến nay, UBND huyện Đông Anh, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ huyện Đông Anh lại không căn cứ vào những quyết định này mà lại áp dụng “ngược” khi căn cứ theo Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND do UBND TP Hà Nội ban hành sau khi đã có quyết định thu hồi đất của các hộ bà Ngấn, ông Miều, ông Hoạt để áp dụng cho các trường hợp bị thu hồi đất. Trong khi đó, theo quy đinh, luật không hồi tố và luật ban hành sau, không áp dụng cho các trường hợp đã có Quyết định bị thu hồi đất và đền bù, bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất trước ngày các quy định này có hiệu lực.
Việc Tổ công tác Thanh tra huyện áp dụng thời điểm xây dựng và áp dụng pháp luật năm 2020 để nhận định và áp mức đền bù bồi thường, hỗ trợ công trình trên đất bị thu hồi cho các hộ nêu trên là thiếu cơ sở, chưa đúng với các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và UBND TP Hà Nội ban hành. Tuy nhiên, UBND huyện Đông Anh vẫn căn cứ theo Kết luận thanh tra huyện; Kết quả kiểm tra, rà soát của Tổ công tác và xác nhận của UBND xã Tiên Dương để ban hành các Quyết định số 111 - 112 - 113 - 114/QĐ-UBND ngày 14/1/2021 Điều chỉnh giảm kinh phí bồi thường, vật kiến trúc.
Không đồng ý với các quyết định trên, ông Hoàng Ngọc Đoàn - người đại diện được ủy quyền của 4 hộ gia đình đã khiếu nại đến UBND huyện Đông Anh. Ngày 7/7/2021, UBND huyện Đông Anh ban hành Quyết định số 7126/QĐ-UBND về giải quyết khiếu nại đối với việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ điều chỉnh khi thu hồi đất của hộ bà Nguyễn Thị Ngấn, ông Lê Đức Miều và Phạm Văn Hoạt với nội dung: Giữ nguyên các Quyết định từ số 111/QĐ-UBND đến số 114/QĐ-UBND do UBND huyện Đông Anh ban hành.
Các công trình xây dựng bị bỏ hoang nhiều năm đã xuống cấp trầm trọng. |
Theo 4 hộ dân, đây là Quyết định thiếu căn cứ pháp luật, không đúng thực tế sử dụng đất và công trình xây dựng, chỉ dựa vào một phía vốn đã “tiền hậu, bất nhất” khi kiểm kê, kiểm đếm mà không căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ của 4 hộ đã cung cấp. Căn cứ đó là, nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của 4 hộ gia đình đã sử dụng từ năm 1999. Công sức, tiền của bỏ ra cải tạo xây dựng khu đất trũng đầy sỏi đá thì mới có được cơ ngơi trang trại như hôm nay để chăn nuôi và trồng trọt; Điều này, UBND xã Tiên Dương hiểu hơn ai hết, bởi thời gian đó, UBND xã giao đất không ai nhận, cho thuê đất không ai thuê… thì 4 hộ gia đình đã mạnh dạn đứng ra nhận thầu toàn bộ khu đất đó và tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.
Năm 2010 - 2011, thực hiện theo chủ trương định hướng của huyện và TP Hà Nội về mở rộng và phát triển sản xuất, 4 hộ gia đình thấy không đủ vốn đã kêu gọi ông Hoàng Ngọc Đoàn bỏ vốn cùng cải tạo đất, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn. Khi bắt tay vào thực hiện, ông Đoàn cùng 4 hộ gia đình có đơn đề nghị UBND xã Tiên Dương xin sửa chữa và đã được UBND đồng ý. Nhưng không hiểu tại sao các cấp chính quyền lại cho rằng: Đến 30/5/2016, 4 hộ gia đình đã thanh lý hợp đồng!? Thực tế, khi 04 hộ không còn khả năng đầu tư, họ muốn giao lại đất thầu cho ông Hoàng Ngọc Đoàn thuê thầu tiếp tục chăn nuôi đúng mục đích. Và thực tế đã được UBND xã Tiên Dương hướng dẫn 4 hộ thanh lý hợp đồng để UBND xã lập tờ trình gửi UBND huyện Đông Anh cho ông Đoàn thầu lại khu đất để tiếp tục xây dựng trang trại chăn nuôi theo đúng quy định. Ông Hoàng Ngọc Đoàn đã lập hồ sơ thuê đất theo quy định và UBND xã Tiên Dương đã có tờ trình kèm theo hồ sơ trình UBND huyện Đông Anh, hồ sơ hiện được lưu giữ ở huyện.
Có thể nói, đây là quá trình chuyển tiếp việc cho thuê đất, là sự kế thừa và tiếp nối của 4 hộ từ năm 1995 chuyển sang cho ông Hoàng Ngọc Đoàn thuê năm 2016. Sự chuyển giao này UBND xã Tiên Dương đã đồng ý và có tờ trình lên UBND huyện Đông Anh phê duyệt cho ông Đoàn thuê đất làm trang trại. Nhưng khi có Dự án Công viên, khu đất của ông Đoàn thuộc diện bị thu hồi, UBND huyện Đông Anh không cho biết có dự án, không có ý kiến trả lời có cho thuê hay không cho thuê và không hề có văn bản nào nói đất của ông Hoàng Ngọc Đoàn và 04 hộ dân thuê phải bàn giao!? Trên thực tế từ năm 2016 đến nay, ông Đoàn vẫn đang quản lý, sử dụng đất đúng mục đích và làm tròn nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước. Thế nhưng không hiểu tại sao Tổ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đông Anh vẫn cho rằng, các công trình của ông Đoàn và 4 hộ gia đình xây dựng không hợp pháp? Trong khi đó, các công trình này đều được xây dựng để chăn nuôi từ trước năm 2004. Việc này xã Tiên Dương biết rất rõ vì vẫn thu sản đều đặn của 4 hộ dân và thường xuyên xuống kiểm tra việc sử dụng đất. Thêm vào đó, các hộ gia đình ông Lê Quang Lưỡng, Phạm Văn Hoạt, Lê Quang Thái đã được UBND xã Tiên Dương cho phép sửa chữa chuồng trại chăn nuôi, cải tạo, nạo vét ao và làm đường đi vào trang trại, thể hiện đầy đủ trong các biên bản làm việc với UBND xã.
Vậy căn cứ vào tài liệu nào mà UBND xã Tiên Dương lại xác nhận các công trình này xây dựng sau ngày 1/7/2014 để không lên phương án đền bù hỗ trợ? Ngay trong Quyết định số 7126/QĐ-UBND của UBND huyện Đông Anh trả lời khiếu nại cũng không hề đưa ra được căn cứ, tài liệu nào để chứng minh về việc xây dựng sau năm 2014, trong khi 04 hộ có căn cứ công trình đã xây dựng sử dụng liên tục từ năm 1995 đến nay; năm 2014 chỉ là các hộ dân xin phép sửa chữa chuồng trại cũ chứ không phải xây mới nên UBND xã Tiên Dương mới đồng ý cho phép sửa chữa chuồng trại theo đúng quy định. Về con đường từ đường Võ Nguyên Giáp vào tới trang trại dài 300 mét, rộng 3 mét được UBND xã Tiên Dương cho phép tại Biên bản làm việc ngày 18/12/2015, đã kiểm đếm nhiều lần, nhưng nay lại không được đưa vào biên bản kiểm đếm để lên phương án đền bù hỗ trợ(!?) Thực tế hiện nay con đường này vẫn còn tồn tại trên thửa đất để đi vào chuồng trại nhưng phía UBND huyện Đông Anh không ghi nhận và không bồi thường, hỗ trợ theo quy định.
Tất cả chuồng trại chăn nuôi ngừng hoạt động chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dự án. |
Không chỉ có thế, quá trình lập phương án điều chỉnh bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất của 4 hộ gia đình, UBND xã Tiên Dương và huyện Đông Anh còn cho là đã công khai phương án, lấy ý kiến dân cư về quá trình sử dụng và hình thành các công trình trên đất… Nhưng sự thật không phải như vậy vì nhiều người dân không biết để có ý kiến. Nếu có ý kiến thì là ý kiến của những người không nắm bắt rõ sự việc về nguồn gốc, quá trình sử dụng các công trình của 4 hộ. Đến khi phúc tra việc xác nhận và công khai lấy ý kiến các công trình xây dựng chuồng trại của 4 hộ, UBND huyện Đông Anh lại căn cứ vào đó để ban hành các Quyết định từ số 111-112-113-114/QĐ-UBND.
Theo ông Hoàng Ngọc Đoàn, việc lấy ý kiến của huyện về nguồn gốc quá trình xây dựng công trình không phải chỉ một lần mà nhiều lần và các lần lấy ý kiến đều sai, không đúng đối tượng, chỉ lấy cho có hình thức. Bởi, khu vực chuồng trại phải cách xa khu dân cư mới đảm bảo yếu tố môi trường và cảnh quan… nên người dân trong làng không phải ai cũng nắm rõ về nguồn gốc xây dựng công trình, hoạt động trang trại… Những căn cứ để UBND huyện Đông Anh đưa ra trong quyết định giải quyết khiếu nại không kèm theo chứng cứ, ngoài văn bản lấy ý kiến của dân là thiếu khách quan, khiến quyền lợi của 04 hộ gia đình bị xâm phạm nghiêm trọng.
“Việc người dân thuê thầu, xây dựng công trình có xin phép, chính quyền các cấp đều biết vì hồ sơ đã trình lên UBND huyện Đông Anh. Nhưng không có văn bản nào nói thuê thầu sai thẩm quyền hoặc yêu cầu bàn giao đất mà vẫn thu tiền sử dụng đất của 4 hộ dân. Còn bây giờ nói, xã cho thuê thầu cấp phép sai thẩm quyền thì đó là lỗi của chính quyền, lỗi của cơ quan Nhà nước. Cho nên, 4 hộ gia đình phải được bồi thường và hỗ trợ theo đúng quy định, không nên đổ hết lỗi này đến lỗi khác cho người dân”, đại diện các hộ dân cho biết thêm.
Vấn đề đặt ra, tại sao cùng trên một địa bàn xã Tiên Dương, cùng một loại đất và vị trí đất, nhưng các dự án thu hồi đất lại có mức đền bù hỗ trợ khác nhau. Điều này khiến người dân nghi ngờ về tính công bằng trong việc áp dụng và thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất. Những việc này chúng tôi sẽ đề cập trong các bài viết sau, còn trách nhiệm của Chính quyền các cấp là làm sao nhanh chóng thực hiện bồi thường, hỗ trợ tài sản, các công trình trên đất cho ông Hoàng Ngọc Đoàn và 4 hộ gia đình theo đúng pháp luật. Có như thế mới đảm bảo sự công bằng với tất cả các dự án khác trên địa bàn xã Tiên Dương, người dân không phải chịu thiệt hại kéo dài.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin!