Căng mình ngăn chặn nguy cơ làn sóng Covid – 19 thứ tư
Vấn đề hôm nay 28/04/2021 18:10
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng, chống Covid-19 tại Kiên Giang |
Kích hoạt toàn bộ hệ thống coi như đang có dịch
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho biết: “Biến chủng kép nếu không lây nhiễm ra cộng đồng thì sẽ không đáng lo ngại. Tuy nhiên, biến chủng kép từ Ấn Độ lại có liên quan đến chủng biến thể ở Anh, vì vậy tốc độ lây lan của virus cũng rất nhanh. Chúng ta phải siết chặt hơn nữa công tác quản lý người nhập cảnh và an toàn tại khu cách ly”. Theo GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện đang tiến hành giải trình tự gene một số ca mắc bệnh Covid-19 nhập cảnh về từ Ấn Độ và sẽ có kết quả trong vài ngày tới.
Trong khi đó, tại khu vực biên giới phía Tây Nam, những ngày qua nhiều đoàn của Bộ Y tế đã làm việc với một số tỉnh Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ… để kiểm tra công tác phòng, chống dịch và tăng cường năng lực y tế cả về dự phòng, xét nghiệm, điều trị cho những địa bàn này. Làm việc tại Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Quốc gia và Bộ Y tế liên tục có những cảnh báo với việc có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam. Đây là nguy cơ hiện hữu và dịch lần sau thường tàn khốc hơn lần trước. “Chúng tôi cho rằng, nguy cơ lây nhiễm từ ngoài vào Việt Nam ở khu vực Tây Nam Bộ hiện đang có nguy cơ rất lớn. Cộng thêm vào đó là dịp nghỉ lễ dài ngày 30.4-1.5 sắp tới cùng với tình trạng có một bộ phận người dân lơ là, mất cảnh giác với việc phòng chống lây nhiễm Covid-19, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, đặc biệt không đeo khẩu trang, khử khuẩn. Nếu để xảy ra dịch tại khu vực sát tuyến biên giới sẽ ảnh hưởng mọi mặt từ an sinh, xã hội đến phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lo ngại.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị TP Cần Thơ rà soát lại tất cả các kịch bản phòng chống dịch, kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 và coi như đang có dịch. Cần tiến hành khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng nhưng phong toả trên diện hẹp, để làm được điều này thì năng lực chuyên môn và hậu cần phải chuẩn bị sẵn. Cần Thơ phải xác định không chỉ làm tốt chống dịch ở địa phương mình, mà còn phải hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực. Đồng thời tập trung nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm. Dịch Covid-19 lây nhiễm thầm lặng, khi phát hiện thì đã lan rộng. Do đó càng phát hiện sớm, càng cách ly khoanh vùng sớm, càng giảm thiểu được thiệt hại của dịch bệnh với kinh tế xã hội; xây dựng hệ thống cách ly đảm bảo an toàn, chống lây nhiễm chéo như bài học ở một số địa phương.
Sẵn sàng đối phó với tình huống dịch có các ca bệnh nặng
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lí Khám chữa bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ triển khai ngay việc thiết lập bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ trên tinh thần càng nhanh càng tốt với quy mô tăng dần để chúng ta sẵn sàng ứng phó với tình huống có dịch.
“Việc thiết lập Bệnh viện dã chiến vùng tại TP Cần Thơ với quy mô 800 giường không chỉ phục vụ nhu cầu điều trị bệnh nhân Covid-19 của TP Cần Thơ mà còn phục vụ cho các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ để sẵn sàng đối phó với tình huống dịch có các ca bệnh nặng. Cần triển khai ngay bệnh viện này, trên tinh thần càng nhanh càng tốt với quy mô tăng dần…”, ông Long nói. Ngoài ra, tại Kiên Giang, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy đến Kiên Giang để hỗ trợ địa phương này xây dựng các phương án thành lập các khu vực điều trị. Viện Pasteur TP.HCM hỗtrợđịa phương thiết lập các labo xét nghiệm đủtiêu chuẩn tại HàTiên vàBệnh viện đa khoa tỉnh đểnâng cao năng suất vànăng lực xét nghiệm của địa phương. Để tăng miễn dịch cho địa bàn này, các lực lượng biên phòng của Kiên Giang đã được tiêm vắcxin phòng Covid-19 mũi 1 và sớm tiêm mũi 2. Các tỉnh biên giới phía Tây Nam cũng sẽ tiếp tục được ưu tiên tiêm vắcxin vì đây là vùng nóng nhất hiện nay.
Tại An Giang, địa bàn này cũng đang duy trì 200 tổ với 1.415 cán bộ (623 bộ đội biên phòng, 792 cán bộ ở các lực lượng liên ngành) để “cắm chốt” tại các chốt chặn, kiểm soát cố định và kiểm soát lưu động trên biên giới để ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và phòng chống dịch Covid-19. Toàn tỉnh đã tổ chức 16 cơ sở điều trị Covid-19, có khả năng thu dung điều trị 180 người bệnh. Tỉnh đã lên phương án xây dựng Trung tâm Y tế huyện Châu Thành trở thành bệnh viện dã chiến với quy mô 300 giường. Tuy nhiên, sự gấp rút vào cuộc của ngành y tế và các lực lượng chức năng vẫn là chưa đủ mà còn phải có sự tham gia tích cực của người dân. Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Đặng Quang Tấn, ngành y tế dự phòng hiện nay vẫn đang căng mình phòng chống dịch. Thế nhưng đáng lo ngại là hiện người dân lại rất chủ quan, thờ ơ, lơ là, vẫn tụ tập đông người, vẫn ra ngoài đường mà không đeo khẩu trang, không thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
“Chúng tôi hết sức lo ngại, đặc biệt trong những ngày nghỉ lễ sắp tới, người dân sẽ về quê, đi du lịch, nguy cơ dịch bùng phát sẽ rất lớn nếu không kiểm soát tốt”, ông Tấn nói.