Cần thanh tra làm rõ những vấn đề “nổi cộm” tại tỉnh Quảng Ninh
Pháp luật - Bạn đọc 26/07/2023 09:01
Nhiều vấn đề nổi cộm cần được thanh, kiểm tra
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, những sai phạm xảy ra trong đấu thầu tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh đã được cơ quan công an điều tra, làm rõ và đề nghị truy tố nhiều người có liên quan. Tuy nhiên, thời gian vừa qua ông và Ban Dân nguyện của Quốc hội đã tiếp xúc và làm việc với người dân (trong đó có nhiều người cao tuổi) tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến một số vấn đề nổi cộm, cụ thể là:
Tình trạng đổ đất đá thải mỏ ra vịnh Bái Tử Long có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; cấp giấy phép khai thác cho hàng chục mỏ đất, mỏ cát bị nghi vấn là trái với quy định của pháp luật, Luật Khoáng sản, vì không qua đấu giá (cấp theo hình thức tận thu); các dự án bất động sản không tổ chức đấu giá, có dấu hiệu lợi ích nhóm gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước, gây bức xúc kéo dài trong dân cư địa phương nhưng chưa được quan tâm xem xét, giải quyết.
Tình trạng đất đá thải mỏ san lấp có màu đen đổ ra vịnh Bái Tử Long, (xã Hạ Long và xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn) khiến cho cử tri, nhân dân lo ngại gây ô nhiễm môi trường. |
Về mỏ đất san lấp có 12 dự án:
“Giấy phép khai thác đất san lấp số 4535/GP-UBND ngày 21/12/2021 cho Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng Trí Đức; 6 giấy phép từ số 4091/GP-UBND đến số 4096/GP-UBND ngày 18/11/2021 cấp cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn; số 199/GP-UBND ngày 20/1/2022 cấp cho Công ty CP Đầu tư Bảo Lai; số 4831/GP-UBND ngày 31/12/2021 cấp cho Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Thanh Phong; số 1312/GP-UBND ngày 5/7/2022 cấp cho Công ty CP Minh Phúc; số 2118/GP-UBND ngày 26/7/2022 cấp cho Công ty CP Logictic Đông Nam Á; số 1916/GP-UBND ngày 18/5/2022 cho Công ty CP Thương mại và Đầu tư Quốc tế Vân Đồn”.
Về mỏ cát san lấp tại phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, với 2 lần cấp giấy phép khai thác cho Công ty Đông Bắc Á vào năm 2018 và 2023, khiến cho cử tri địa phương bức xúc, vì có dấu hiệu không tổ chức đấu giá, khai thác trên địa bàn nhạy cảm, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái nguồn lợi thủy sản, an toàn tính mạng người dân.
Về dự án bất động sản: Năm 2019, tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số: 3254/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ thu tiền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị - Du lịch Green Dragon City Cẩm Phả là 148.004,8m2 đất, với giá: 673.269 đồng/m2. Mức giá này khiến cho cử tri đặt nhiều nghi vấn về cách tính giá quá thấp, vì cùng dự án tương tự khác phải nộp tiền khoảng 3,25 triệu đồng/m2.
Dự án này còn bị dư luận và báo chí phản ánh là không được tổ chức đấu giá để thu về dòng tiền tối đa cho ngân sách là có dấu hiệu vi phạm tại Khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 (dự án không thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất), do đó cần được thanh tra, điều tra làm rõ.
Cần xem xét lại tính pháp lí các mỏ đất đã cấp phép
Liên quan đến vấn đề cấp giấy phép khai thác mỏ đất san lấp, phục vụ thi công các công trình sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ Hạ Long ra đến Móng Cái (người dân cho là có tiêu cực), ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị cần phải cho rà soát, xem xét quy trình cấp phép có đúng với quy định của pháp luật, Luật Khoáng sản về:
Quy hoạch, bổ sung quy hoạch; lập đề án thăm dò, cấp phép thăm dò; phê duyệt trữ lượng; đấu giá mỏ đất xác định nhà đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư; thiết kế khai thác; đánh giá tác động môi trường; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nộp thuế tài nguyên và bảo vệ môi trường; kí quỹ phục hồi môi trường; cấp giấy khai thác; khai thác và hoàn nguyên môi trường.
Đặc biệt, trong quá trình tổ chức thực hiện cấp phép khai thác, các mỏ đất có tổ chức đấu giá, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có thăm dò phân loại khoáng sản trong mỏ để không dẫn đến thất thoát tài nguyên, thất thoát ngân sách; có phân loại vật liệu trong mỏ để vừa không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, thất thoát tài nguyên…
Nếu việc cấp mỏ không có quy hoạch, thăm dò, phân loại chất lượng đất, không phê duyệt trữ lượng để cấp giấy phép khai thác khoáng sản mà giao cho doanh nghiệp được khai thác ngay để cung cấp vào công trình; trốn tránh việc phải làm thủ tục cấp phép đấu giá quyền khai thác mỏ đất cũng đồng nghĩa với trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Đồng thời, nếu là công trình của Nhà nước phải bỏ tiền ra mua đất san lấp của các doanh nghiệp được ưu ái cho phép khai thác đất, trong khi các doanh nghiệp này lại không phải thực hiện đấu giá, không phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ dẫn đến Nhà nước mất 2 lần tiền.
Dự án Khu đô thị - Du lịch Green Dragon City Cẩm Phả |
Trong số 12 dự án cấp giấy phép khai thác mỏ đất nêu trên, cơ quan có thẩm quyền cần cho thanh tra, kiểm tra Giấy phép khai thác khoáng sản số 2118 ngày 26/7/2022 làm vật liệu san lấp tại dự án Khu nhà ở cán bộ, công nhân viên tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long. Cử tri cho rằng, mỏ đất này nằm ngoài khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tuy nhiên cơ quan chức năng Quảng Ninh vẫn giao lại cho doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án khai thác mà không qua đấu giá liệu có trái với quy định tại Khoản 1, Điều 2; điểm b, Khoản 1, Điều 64 Luật Khoáng sản. Không coi đất là khoáng sản(!?).
Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh Bái Tử Long
Bên cạnh kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những vấn đề “nổi cộm” nêu trên, cử tri tỉnh Quảng Ninh còn rất bức xúc, lo lắng trước tình trạng đổ đất đá thải mỏ ra vịnh Bái Tử Long, có nguy cơ bị ô nhiễm nguồn nước, cảnh quan, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, gây thất thoát tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước.
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kí các văn bản cho phép dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng tại dự án khu đô thị Nam Sơn, khu đô thị Ao Tiên, huyện Vân Đồn khiến cho Nhân dân và Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản bất an, vì nguy cơ có các chất độc hại trộn lẫn trong đất đá thải mỏ gây ảnh hưởng đến môi trường nuôi trồng thủy sản của người dân. Sau khi truyền thông phản ánh, các dự án này đã tạm dừng việc sử dụng vật liệu xây dựng, đất đá thải mỏ vào san lấp. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Ninh lại có chủ trương, Nghị quyết tiếp tục dùng đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các công trình dự án ven biển tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Vân Đồn nói riêng gây bất an, bức xúc cho cử tri và Nhân dân, vì cho đến nay chưa có cơ sở khoa học hoặc nghiên cứu khoa học nào đánh giá về sự nguy hại, tác động của việc dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng vào san lấp công trình, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lấn biển ven vịnh Bái Tử Long.
Việc dùng đất đá, sỉ thải mỏ vào san lấp công trình ven biển vịnh Bái Tử Long, nhưng do trong đất đá thải còn chứa các chất độc hại khó có thể khẳng định đã đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp mặt bằng. Từ đó dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây tác động xấu đến hệ sinh thái và tiềm ẩn những nguy hại, rủi ro khôn lường cho cuộc sống của người dân.
Hơn nữa, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng có thể gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước vì thực tế trong đất đá, sỉ thải mỏ còn có nhiệt lượng có thể sử dụng vào các lĩnh vực sản xuất khác như: Nhiệt điện, xi măng, nung vôi.
Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Đặt giả thiết, nếu đất đá thải mỏ đáp ứng được các điều kiện về môi trường, đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp thì cần coi đây như các mỏ đất và đương nhiên phải thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục cấp phép khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản nhằm tránh thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách Nhà nước”.