Cần sớm hướng tới năng lượng sạch
Trong mắt người già 06/04/2021 11:00
Trước hết là các sản phẩm dễ tính toán lượng khí thải ra trong quá trình sản xuất như thép, xi măng, nhôm, giấy, hoá chất… Tiếp đến là mọi loại sản phẩm như may mặc, giầy da, thậm chí sản phẩm phi vật chất như phần mềm máy tính hay bản vẽ thiết kế xây dựng. Bởi vì quá trình sản xuất các sản phẩm phi vật chất ấy cũng dùng tới điện, có nghĩa vẫn phát khí thải làm cho Trái đất nóng lên.
Trong khi các nước đang nỗ lực đầu tư các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt loại bỏ nhiệt điện than thì Việt Nam ta lại như đang trên đà ngược lại. Cuối năm 2019 tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I có tổng công suất 1.320MW, tổng mức vốn đầu tư 55.093 tỉ đồng. Đầu năm nay tỉnh Quảng Bình đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, tổng mức đầu tư 1,86 tỉ USD…
Cần sớm hướng tới năng lượng sạch |
Quảng Bình, Quảng Trị không có nguồn than hay khí, nhiệt điện không thể là lợi thế, tiềm năng nắng, gió lại khá dồi dào nhưng sự quan tâm chưa tương xứng.
Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời mà EVN chi trả đủ hấp dẫn khiến nhiều hộ gia đình và nhà đầu tư ồ ạt triển khai các dự án điện mặt trời áp mái. Sự tăng trưởng nóng đã gây ra hiện tượng thừa điện, hệ thống điện quá tải khi nhiều dự án cùng hòa lên lưới.
Dự thảo Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để hoàn thiện phê duyệt. Theo dự thảo Quy hoạch này, trong vòng 5 năm tới, công suất xây thêm của nhiệt điện than là gần 9.100 MW, trong khi điện mặt trời chỉ 600 MW. Thế nhưng, riêng năm 2020 đã có thêm 8.900 MW công suất điện mặt trời mái nhà kết nối vào lưới điện. Nghĩa là, với tốc độ lắp đặt điện mặt trời mái nhà như trên, chỉ cần thời gian rất ngắn đã có thể đạt toàn bộ mục tiêu công suất.
Điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng sạch đang là xu hướng của thế giới. Điểm hạn chế của nguồn năng lượng này là tính không ổn định, giá thành cao… Đây là điều lo ngại của ngành điện và cũng chưa có giải pháp khắc phục nên có thể là lí do nguồn năng lượng này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong Quy hoạch điện VIII.
Cách đây 30 năm, nước Đức thúc đẩy sản xuất điện tái tạo khi tỉ trọng sản lượng điện gió và mặt trời chỉ đạt dưới 0,1%. Lúc đó cũng có lo ngại điện tái tạo làm tăng nguy cơ mất an toàn và ổn định lưới điện. Tuy nhiên, Đức nay thuộc 5 quốc gia dẫn đầu về điện sạch. Năm 2018, tỉ trọng sản lượng điện gió và mặt trời phát lên lưới của Đức là 26%.
Với lợi thế đi sau, liệu ta có học được kinh nghiệm của nước Đức trong vấn đề năng lượng sạch? Nếu không có nguồn năng lượng sạch, sẽ tới lúc hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khó có thể cạnh tranh tại thị trường châu Âu.