Cuộc chạy đua trợ cấp
Quốc tế 17/08/2023 09:00
Việc miễn thuế mới dành cho sản xuất pin, thiết bị năng lượng mặt trời và công nghệ xanh khác đang thu hút dòng vốn đổ vào Mỹ. EU cũng đang đưa ra gói hỗ trợ năng lượng xanh của riêng mình. Nhật Bản công bố kế hoạch cho vay 150 tỉ USD để tài trợ cho làn sóng đầu tư vào công nghệ xanh… Tất cả đang nỗ lực để trở nên ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu trong các lĩnh vực bao gồm pin và khoáng sản để sản xuất chúng.
Hiện tại, các quốc gia nhỏ đang dần bị bỏ lại phía sau trong khi nhiều nền kinh tế linh hoạt đang trên đà phát triển qua nhiều thập kỉ tự do thương mại, nhưng lại gặp bất lợi trong kỉ nguyên mới của chính sách công nghiệp cực đoan.
Ví dụ, các quốc gia công nghiệp hóa như Anh và Singapore thiếu quy mô để cạnh tranh với các khối kinh tế lớn nhất trong việc cung cấp trợ cấp. Các thị trường mới nổi như Indonesia, vốn hi vọng sử dụng tài nguyên thiên nhiên để leo lên bậc thang kinh tế, cũng bị đe dọa bởi sự thay đổi này.
Công trường xây dựng nhà máy sản xuất pin Panasonic EV gần DeSoto, Kansas, Mỹ |
Intel, một trong những nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới, đã nhận được khoản trợ cấp 11 tỉ USD từ chính phủ Đức để xây dựng hai nhà máy bán dẫn. Khoản tài trợ mà Chính phủ Đức cam kết nhiều hơn đáng kể so với ngân sách hằng năm của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore. Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong thừa nhận: “Chúng ta không thể trợ cấp cao hơn các nước lớn”.
Mỹ, quốc gia cung cấp 369 tỉ USD khuyến khích và tài trợ cho năng lượng sạch đang nhận được một khoản đầu tư nước ngoài lớn. Nhà sản xuất ô tô Đức BMW vừa động thổ một nhà máy pin mới ở Nam Carolina. Các công ty Hàn Quốc Hyundai và LG đã công bố xây dựng một nhà máy pin trị giá 4,3 tỉ USD ở Georgia. Panasonic của Nhật Bản đang xây dựng một nhà máy ở Kansas…
Cuộc chạy đua trợ cấp đánh dấu một bước "lùi" về hội nhập kinh tế mà trong nhiều thập kỉ đã phá vỡ các rào cản thương mại và đầu tư giữa các quốc gia.
Toàn cầu hóa đã biến các nền kinh tế nghèo như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thành các nền kinh tế phát triển, công nghệ cao, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Người tiêu dùng phương Tây có nhiều hàng tiêu dùng giá cả phải chăng và mức sống cao hơn. Tiến bộ công nghệ và ý tưởng quản lí mới cũng tăng cường kết nối, lưu thông tự do hơn giữa các quốc gia, cùng với hàng hóa và nguồn tài chính.
Nhưng toàn cầu hóa cũng có cái giá của nó. Các quốc gia thịnh vượng một thời như Mỹ và ở Tây Âu đã mất việc làm khi dây chuyền sản xuất chuyển đến châu Á hoặc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Mối lo ngại về môi trường “mọc lên như nấm” khi nền kinh tế toàn cầu tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn. Một số nền kinh tế phải đối mặt với những đợt bất ổn khi vốn ngoại trồi sụt thất thường.
Các nhà kinh tế cho biết, việc hạn chế quá trình hội nhập toàn cầu - dù là vì lí do an ninh quốc gia, cạnh tranh địa chính trị hay những lo lắng về chuỗi cung ứng - đều đi kèm với những vấn đề riêng của nó. Đặc biệt chịu rủi ro là các nền kinh tế nhỏ hơn, đang phát triển cần tiếp cận thị trường toàn cầu nếu muốn kinh doanh theo cách của họ để đạt được sự thịnh vượng hơn.
Nhìn chung, việc phương Tây áp dụng chính sách công nghiệp mới có thể đặc biệt "gây đau đớn" cho các quốc gia từng hi vọng khai thác việc áp dụng các công nghệ xanh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
Chad Bown, một chuyên gia thương mại và cựu Ngân hàng Thế giới cho biết, một giải pháp cho các quốc gia không thể cạnh tranh là thu hút các đối tác thương mại giàu có lại gần hơn và hưởng lợi từ các chính sách công nghiệp giàu có của họ. Chẳng hạn như Canada và Mexico đã thực hiện thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ…