Lại đề xuất miễn học phí
Trong mắt người già 03/01/2025 12:36
Đây là một trong 8 đề xuất với Chính phủ, được nêu trong báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 của Bộ Y tế vào ngày 24/12/2024.
Trước đó vào hồi tháng 10, trong dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có một đề xuất là miễn học phí cho con giáo viên. Lí do đưa ra đề xuất trên, một lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục khi đó cho rằng, một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù như thân nhân của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang Nhân dân (Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân) đã có chính sách như vậy!? Đề xuất này đã nhanh chóng bị dự luận và cả đại biểu Quốc hội có ý kiến phản biện, không đồng tình.
Còn lí do đề xuất miễn học phí với sinh viên ngành Y, Bộ Y tế nhằm tới mục tiêu thu hút nhân lực, khi ngành Y đang thiếu về cả số lượng và chất lượng.
Đề xuất này cũng mong sinh viên ngành Y được hưởng chế độ miễn học phí như sinh viên Sư phạm. Vậy lí do này có phù hợp và thực sự cần thiết hay không?
Nói về thiếu nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao thì trong nền kinh tế của ta còn hàng chục lĩnh vực, ngành nghề đang rất thiếu (cả số lượng và chất lượng) chứ không riêng ngành Y. Đó là kĩ sư các ngành công nghệ thông tin, cơ khí, nông nghiệp, truyền thông, logistic, công nghệ thực phẩm...
Thực tiễn nhiều năm qua do xã hội thiếu bác sĩ nên ngành Y là một trong những ngành có sức hút nhất. Đầu vào đại học ngành này luôn ở tốp đầu, cao chót vót, học sinh thi đạt 28-29 điểm vào một số trường như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh… đôi khi vẫn trượt. Trong khi đó, học sinh thi đỗ vào trường y thường được bảo đảm về tương lai, công việc ổn định và có vị trí xã hội khá, có nhiều cơ hội làm thêm kiếm tiền. Vì thế, trong một thời gian rất dài, vào học trường y là mơ ước của nhiều học sinh và phụ huynh. Miễn học phí cho sinh viên trường y sẽ gây bất bình đẳng cho các ngành khác bởi sinh viên các trường khác vẫn phải đóng học phí mà đầu ra việc làm còn bấp bênh hơn sinh viên y khoa.
Nền kinh tế của ta là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với một số cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực thực sự cần thiết (nhất là với lực lượng vũ trang) thì tất thảy đang hướng tới sự công bằng, bình đẳng. Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, “ganh đua” chính sách ưu đãi, xin ưu tiên dàn trải sẽ mất đi ý nghĩa của chính sách chung đồng thời tạo tiền lệ không tốt, gây bất bình đẳng, khó khăn trong thực hiện chủ trương tự chủ đại họcn