Đất và cò
Trong mắt người già 20/12/2024 14:59
Nhưng ngày nay có một loại “cò” mà khi chúng tập trung, tụ tập ở đâu là nơi đó lại có nguy cơ lên cơn “sốt nóng” và bất ổn cho cuộc sống người dân - đó là “cò đất”.
Thực tiễn cho thấy, tất cả các “cơn sốt đất” từ đô thị đến thôn quê đều xuất phát từ những chiêu trò cả tinh vi lẫn lộ liễu bởi các nhóm môi giới bất động sản. “Kịch bản” thường được dùng là gom mua những lô đất giá rẻ rồi tạo những cuộc mua bán trong hội nhóm. Mua bán tuy giả nhưng như thật, có giao dịch tiền tỉ hẳn hoi và được quảng bá công khai. “Tấm gương” những nhà đầu tư “ăn chênh” hàng trăm triệu “tiền tươi thóc thật” từ mỗi giao dịch, người sau “thắng” hơn người trước cùng đà tăng chóng mặt của giá đất khiến ai nấy thèm thuồng.
Những giao dịch thắng lớn khiến nhiều người ngoài cuộc đứng ngồi không yên, đến một lúc nào đó buộc phải vào cuộc vì sợ đánh mất cơ hội. Đợi cho lượng “cá cắn câu” đủ nhiều, đội “cò” sẽ “cất vó” - bán hết những lô đất chúng đã thu gom từ trước. Những người mua sau cùng “ôm” mảnh đất nơi thôn quê trị giá hàng tỉ đồng, đến khi “giá nguội” mới nhận ra thì đã muộn. Nhiều người trót ôm đất bằng tiền vay ngân hàng như “lâm bạo bệnh” dù muốn bán để “cắt lỗ” cũng vô cùng khó khăn.
Đấu giá đất, một hình thức hiện đại, minh bạch trong nền kinh tế thị trường, một phương thức phân phối đất đai công bằng của Nhà nước gần đây cũng bị giới “cò đất” nhảy vào, gây nhiễu loạn.
Từ “kinh nghiệm” cuộc đấu giá ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh) vào năm 2021 với giá 2,4 tỉ đồng/m² sau đó đồng loạt bỏ cọc, giới cò đất và có thể cả doanh nghiệp bất động sản đang áp dụng vào hàng loạt cuộc đấu giá tại một số huyện ngoại thành Hà Nội gần đây. Đỉnh điểm là vụ việc người đấu giá bỏ giá 30 tỉ đồng/m² đất nông thôn ở ngoại thành Hà Nội rồi thản nhiên bỏ cọc. Vụ này cũng diễn ra theo kịch bản quen thuộc: Bỏ giá cao ngất ngưởng rồi bỏ cọc. Hệ lụy đầu tiên là cuộc đấu giá bất thành, sau đó là gây nhiễu loạn giá đất khu vực xung quanh.
Những cuộc đấu giá bất thành này sẽ là giá tham chiếu, làm nhà đất ở khu vực lân cận nổi lên những cơn “sốt ảo” dù thị trường đang trong giai đoạn đóng băng. Còn Nhà nước dù đã giải phóng mặt bằng để phát triển hạ tầng lại “đau đầu” khi đền bù đất đai vì phải theo nguyên tắc sát giá thị trường. Hoạt động đấu giá đất đã thực sự trở thành một trò đùa của giới “cò đất” khi chính quyền mất chi phí đấu giá mà chẳng thu được tiền đặt cọc.
Đã đến lúc các cơ quan quản lí cần thực thi các giải pháp mạnh mẽ để bịt những lỗ hổng pháp lí, không để giới “cò đất” lộng hành, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.