Khơi thông thị trường tài chính xanh
Kinh tế 24/05/2024 11:12
Những thành tựu
Nếu so sánh với nhiều quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới, hệ thống tài chính của Việt Nam phát triển rất mạnh theo hướng tự do hóa và chiều sâu. Theo đó, Việt Nam ghi dấu thành tựu đạt được về tự do thị trường tài chính, đặc biệt vấn đề tự do lãi suất, mạnh dạn đón chào sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế; song lại có bước đi rất thận trọng, không tự do hóa hoàn toàn dòng vốn quốc tế.
Một là, ngay từ đầu, Việt Nam lựa chọn tự do hóa hệ thống tài chính, mở cửa đón nhận, thành lập các định chế tài chính và hình thành các thị trường tài chính mới, quan trọng nhất đó là thực hiện tiến trình tự do hóa lãi suất.
Hai là, tạo khuôn khổ pháp lí và động cơ khuyến khích các tổ chức tài chính Nhà nước chiếm tỉ lệ sở hữu chi phối hoạt động như một ngân hàng thương mại hiện đại, theo tín hiệu thị trường.
Ba là, cải cách về thể chế cho phép hình thành các định chế tài chính, các thị trường tài chính mới. Điểm nhấn là cho phép thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần, mở cửa tự do hóa thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.
Bốn là, trong hội nhập tài chính quốc tế, Việt Nam lại khá thận trọng, không mở cửa quá sớm để di chuyển tự do hoàn toàn dòng vốn quốc tế.
Khơi thông thị trường tài chính xanh
Việt Nam đứng trước những cơ hội rất lớn phát triển các dịch vụ tài chính mới, đặc biệt là tài chính số, ngân hàng số và tài chính xanh.
Các nền kinh tế đang phát triển trong Đông Nam Á, như: Philippines, Indonesia, Malaysia… hiện đã ban hành khung pháp lí, cơ chế thử nghiệm phát triển ngân hàng số, tài chính số.
Tuy nhiên, Việt Nam lại chậm chân khi xây dựng khung pháp lí và hiện vẫn chưa quyết được cơ chế thử nghiệm mang tính khả thi để phát triển các hoạt động fintech.
Thị trường vốn xanh, tín dụng xanh đang rất sơ khai, hiện tỉ lệ tín dụng xanh chỉ chiếm khoảng 4-5% tổng tín dụng, còn doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh rất thấp.
Việt Nam còn khoảng 20 năm nữa, một khoảng thời gian rất ngắn ngủi để hiện thực hoá các cam kết quốc tế. Điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và Việt Nam cần đẩy nhanh hơn trên mọi phương cách nhằm đạt mục tiêu...
Hiện, Việt Nam đang xây dựng thị trường tài chính xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, thiết kế bộ tiêu chí xanh để định chế tài chính có thể cho vay và Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp khi triển khai các dự án và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính đang gắn các hoạt động môi trường, xã hội và quản trị (ESG), phát triển bền vững với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Theo tính toán của các chuyên gia, chuyển đổi sang năng lượng sạch đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể, tương ứng 6,8% GDP hằng năm để theo đuổi lộ trình phát triển bền vững và Net Zero.