“Bóng cười” tràn lan, trách nhiệm thuộc về ai?
Pháp luật - Bạn đọc 15/08/2023 09:52
Ngày 4/2/2020, Tổng cục Hải quan có Văn bản số: 617/TCHQ-GSQL về việc cảnh báo thủ đoạn nhập lậu mặt hàng khí N2O. Theo đó, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu mặt hàng khí N2O sử dụng không đúng mục đích đã kê khai hải quan hoặc khai báo không đúng tên hàng; chỉ đạo đơn vị thuộc, trực thuộc chủ động phối hợp với cơ quan, lực lượng chức năng địa phương (Công an, cơ quan Thuế, Quản lí thị trường,v.v.); nắm bắt tình hình những doanh nghiệp thường xuyên nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; áp dụng nghiêm các biện pháp xử lí vi phạm khi phát hiện mặt hàng khí N2O nhập lậu.
Có Văn bản số: 617/TCHQ-GSQL của Tổng cục Hải quan nói trên, do thực tế nhiều công ty bị lập biên bản vi phạm liên quan đến việc nhập khẩu khí N2O. Cụ thể:
Ngày 21/1/2021, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Hóc Môn phối hợp Đội Quản lí thị trường số 18, thuộc Cục Quản lí thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra đối với Điểm kinh doanh, chứa khí N2O (khí cười) tại địa chỉ không số (thửa đất số 788) thuộc tổ 11, ấp 1, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Sau khi kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã lập Biên bản vi phạm hành chính số: 0004697/BB-VPHC ngày 21/1/2021 đối với Công ty CP Công nghệ bán dẫn NNO Plus về hành vi kinh doanh ở địa điểm mà không thông báo với Phòng đăng kí kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh; sản xuất, kinh doanh hóa chất không đúng địa điểm ghi trong giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp; đồng thời tạm giữ toàn bộ hàng hóa để tiếp tục xử lí theo Quy định (Văn bản số: 481/QLTT-NVTH ngày 6/1/2021 của Cục Quản lí thị trường TP Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó có thông tin, từ tháng 1/2022 đến nay, Công ty này nhập khẩu hơn 30 lần với tổng số lượng hơn 680.000kmG tại các cảng Lào Cai, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.
Công văn số 617/TCHQ-GSQL ngày 4/2/2020 của Tổng cục Hải quan. |
Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng cho đặt kho sang chiết tại nơi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận về chủ trương đầu tư, thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; nhà xưởng và bồn chứa khí chưa đáp ứng các điều kiện về mặt hóa chất. Sở Công Thương yêu cầu Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng: Phối hợp với Công ty CP Nippon Sanso Việt Nam thực hiện tháo dỡ, di dời ngay các bồn chứa được dùng để chứa Oxy, Nito, Argon, CO, tại vị trí thuộc ấp Xóm Gốc, xã Long An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Báo cáo kết quả thực hiện các nội dung theo Biên bản làm việc do Sở Công Thương lập ngày 29/3/2022 (các khách hàng mua và bán). Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hải Đăng thống nhất với nội dung yêu cầu của Sở Công Thương và cam kết thực hiện các yêu cầu trên (Biên bản lập lúc 8 giờ 45 phút ngày 31/5/2022 tại Văn phòng Sở CôngThương Đồng Nai). Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, cho biết: Từ tháng 11/2022 đến tháng 4/2023, Công ty này nhập khẩu nhiều lần với tổng khối lượng hơn 100.000kmG.
Ngoài ra, nhiều bạn đọc người cao tuổi phản ánh, hiện có nhiều Công ty nhập khẩu N2O liên tục. Trong đó, phần lớn các đơn vị trên được Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cấp phép nhập khẩu sản xuất, kinh doanh khí N2O dùng cho thực phẩm và mục đích này sẽ không bị giới hạn Quota (hạn ngạch thương mại). Chỉ tính từ cuối năm 2022 đến nay, khối lượng khí N2O được nhập khẩu dùng trong thực phẩm, làm chất phụ gia lên đến hơn 1,7 triệu kmG.
Dư luận người dân băn khoăn đặt vấn đề: Với lượng khí N2O nhập khẩu “khổng lồ” nêu trên, Cục Hóa chất và Cục Hải quan ở các địa phương đã có các giải pháp gì để giải quyết bài toán “cảnh báo thủ đoạn nhập lậu mặt hàng khí N2O”? Liệu có phát sinh tình trạng thất thoát và lạm dụng kinh doanh trái phép “bóng cười”? Cục Hải quan các tỉnh, thành đã phối hợp cùng cơ quan Công an, Quản lí thị trường, cơ quan Thuế, v.v. thực hiện theo đúng tinh thần nội dung Văn bản số: 617/TCHQ-GSQL ngày 4/2/2020 của Tổng cục Hải quan để kiểm tra, rà soát đối với việc liên tục nhập khẩu hay chưa? Liệu có xảy ra tình trạng tái diễn vi phạm hay không? Nếu tình trạng sử dụng N2O làm “bóng cười” nguy hại đến sức khỏe, tác động tiêu cực đến môi trường, gây thất thoát thuế vẫn tiếp diễn, thì trách nhiệm thuộc về ai?!