Bình Liêu - Ai nhớ, ai quên...
Nhịp sống văn hóa 29/12/2020 11:18
Nhiều thập kỉ qua, du lịch Quảng Ninh gắn liền với hình ảnh của du lịch biển, trong đó nổi tiếng nhất là vịnh Hạ Long - kì quan thiên nhiên thế giới và các biển đảo như Cô Tô, Quan Lạn, Cái Chiên… và cụm di tích tâm linh như: Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông… Vì thế, khi nhắc đến Bình Liêu nhiều người cảm thấy xa lạ…
Điểm đến mới vùng Đông Bắc
Bình Liêu là huyện miền núi nằm sát biên giới Việt - Trung, cách TP Hạ Long khoảng 108km. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ… với nhiều phong tục tập quán và nét đẹp văn hóa độc đáo. Những năm gần đây, giao thông phát triển, đường cao tốc nối Hà Nội với huyện Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh được xây dựng tạo điều kiện cho giao thương và du khách biết đến Bình Liêu nhiều hơn.
Ruộng bậc thang men theo các sườn núi |
Vì là vùng núi non rộng lớn nên Bình Liêu vừa có khí hậu thoáng mát, phong cảnh liêu trai hùng vĩ và những thửa ruộng bậc thang men theo các sườn núi đưa mùi thơm của hương lúa nếp, hương hồi, hương quế cùng những thanh âm rì rào, róc rách của suối ngàn từ rừng cao đổ xuống. Bình Liêu còn nổi tiếng với những cánh đồng cỏ lau nở trắng xóa dịp đầu đông. Những cành lau mềm mại, nhẹ nhàng đung đưa theo gió, khiến cả vùng núi non rộng lớn khoác lên mình vẻ đẹp dịu dàng, lãng mạn đến ngất ngây.
Hoa sở khoe sắc |
Mùa lau qua là lúc hoa sở bắt đầu khoe sắc. Hoa sở mộc mạc, thanh khiết, trắng muốt bung nở trên những ngọn núi cao tạo nên không gian chẳng nơi nào có được. Hoa sở còn gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, là loại hoa không chỉ có sắc mà còn có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cao cho người dân. Chính vì vậy, từ 5 năm nay, sau mùa cỏ lau, tỉnh Quảng Ninh vẫn tổ chức Lễ hội hoa sở với nhiều hoạt động văn hoá đặc sắc thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Những cột mốc thiêng liêng
Trên con đường tuần tra men theo biên giới của Việt Nam và Trung Quốc còn có những con đường nhỏ chạy cắt ngang qua các ngọn núi cao, bao quanh là những rừng keo, hồi, quế xanh ngát, trập trùng, phía dưới thung lũng là các bản làng của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ…. Bình Liêu không chỉ có núi cao hùng vĩ mà còn may mắn được sở hữu “tài sản” tuyệt đẹp mà ít tỉnh miền núi có được. Đó là gần 40km đường biên với cung đường tuần tra biên giới đẹp nhất vùng Đông Bắc - nơi cắm những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhiều cột mốc len lỏi bên những vườn đồi của người dân hai nước, nhưng nhiều cột ở vị trí đặc biệt, nằm trên những đỉnh núi cao, dốc, muốn lên đó là cả một hành trình khó khăn, phải có quyết tâm cao mới chinh phục được.
Cánh đồng cỏ lau nở trắng xóa |
Những điểm du khách hay tìm đến là cột mốc 1297, 1305, 1327 và đỉnh núi Cao Ly. Trong đó, cột mốc 1297 là cột mốc dễ đi nhất, cách trung tâm Bình Liêu khoảng 25km. Đây là điểm đón hoàng hôn đẹp nhất ở Bình Liêu. Ánh nắng chiều rót xuống vàng óng như mật, trải trên những sườn đồi xanh mướt.
Cột mốc tiếp theo là 1305, cách cột mốc 1297 khoảng 30km, đường rất dễ đi và đẹp nhưng độ dốc đến mức thẳng đứng của cung đường này thì hiếm nơi nào sánh được. Vì thế, đường lên cột mốc 1305 thường được gọi là “sống lưng khủng long”. Phải mất gần 2 tiếng đồng hồ leo qua hàng trăm bậc thang rất dốc mới đến được điểm cuối cùng. Mệt, nhưng được đặt chân đến điểm cuối của cột mốc 1305, bỏ lại phía sau chặng đường dài… chỉ còn lại cảm giác sung sướng đan xen niềm tự hào dân Việt. Ai nấy đều cảm thấy mình vô cùng bé nhỏ giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Hai cột mốc 1327 nằm ở bên giới Việt - Trung và đỉnh núi Cao Ly thường dành cho những thanh niên có thể lực và sức bền tốt. Đặt chân đến nơi đây để ngắm trời biển, núi sông âu đó cũng là niềm tự hào của mỗi người dân Việt. Cảnh sắc thiên nhiên rất hữu tình, thơ mộng như lạc chốn bồng lai với điệp trùng non nước và mây trắng bao phủ mênh mênh giống như Tà Xùa - Yên Bái hay Y Tý - Lào Cai.