Bình Dương: Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng
Đơn thư bạn đọc 14/06/2021 15:49
Ông Phạm Văn Mình trao đổi về những dấu hiệu vi phạm pháp luật của hai cấp toà trong vụ án. |
Đất có nguồn gốc rõ ràng nhưng bị tranh chấp
Theo hồ sơ, cha ông Mình là ông Phạm Văn Ưa (mất năm 2000) lúc sinh thời có quản lý, sử dụng và kê khai đăng ký 13.570 m2 đất. Ngày 3/11/1983, ông Ưa được UBND xã Phú Mỹ cấp Giấy chứng nhận đăng ký ruộng đất số 107/DKRĐ theo Chỉ thị 299/TTg. Đến ngày 9/6/1993, Phòng Kinh tế - Kỹ thuật thị xã Thủ Dầu Một lập tờ trình, để ngày 18/8/1993, UBND thị xã Thủ Dầu Một cấp Giấy chứng nhận số 332/GCN-SB công nhận chủ quyền sử dụng 13.570 m2 đất cho hộ ông Ưa.
Ngày 14/5/1999, hộ của ông Ưa được UBND thị xã Thủ Dầu Một cấp GCNQSDĐ số 00039QSDĐ/PM với tổng diện tích là 16.183 m2 (diện tích tăng thêm so với năm 1993 là do gia đình ông Ưa nhận chuyển nhượng thêm từ người khác).
Sau khi cha mất, ông Mình cùng các anh chị em trong gia đình tiến hành phân chia di sản là quyền sử dụng phần đất trên và được UBND thị xã Thủ Dầu Một cấp Giấy chứng nhận riêng cho từng người.
Đến ngày 4/12/2019, TAND TP Thủ Dầu Một thụ lý sơ thẩm vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu huỷ GCNQSDĐ”. Nguyên đơn là bà On khởi kiện các anh chị em của ông Mình, yêu cầu toà án công nhận 1.046,8 m2 (diện tích đất tranh chấp này nằm trong 13.570 m2 mà cha ông Mình được công nhận năm 1993); đồng thời yêu cầu huỷ một phần Giấy chứng nhận đã cấp cho các anh chị em của ông Mình.
Bản án dân sự sơ thẩm số 108/2020/DS-ST ngày 30/9/2020, của TAND TP Thủ Dầu Một công nhận bà On được quyền quản lý, sử dụng 1.046,8 m2 đất; kiến nghị UBND TP Thủ Dầu Một thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho các anh chị em của ông Mình để điều chỉnh lại diện tích; và đình chỉ đối với yêu cầu huỷ phần Giấy chứng nhận của bà On.
Bản án phúc thẩm số 47/2021/DS-PT ngày 10/3/2021, của TAND tỉnh Bình Dương: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn; sửa một phần bản án sơ thẩm về câu từ, cơ bản nội dung vẫn giữ nguyên.
Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng
Một, bà On không có các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Điều 99, 100, 101 Luật Đất đai và Điều 21 Nghị định 43/2014. Toà án chỉ căn cứ lời khai của bà On và biên bản xác minh của những người lớn tuổi tại địa phương để công nhận quyền sử dụng cho bà On.
Tòa án các cấp không đề cập đến Quyết định số 650/QĐ-UB ngày 18/08/1993 của UBND thị xã Thủ Dầu Một, về giao 13.570 m2 đất cho cha ông Mình, thể hiện đất anh chị em ông Mình đang sử dụng có nguồn gốc rõ ràng; không xem xét quy định pháp luật đất đai thời điểm thu hồi, giao đất và cấp GCNQSDĐ cho ông Mình, mà công nhận quyền sử dụng đất 1.046,8 m2 nằm trong 13.570 m2 đất đã giao cho nguyên đơn theo Quyết định 650 trên, dẫn đến tình trạng cùng một diện tích đất công nhận quyền sử dụng đất cho 2 người (bằng một quyết định hành chính và một bản án) bởi 2 cơ quan khác nhau, là thể hiện trái Luật Đất đai 1987 và Khoản 9 Điều 3 Luật Đất đai 2013.
Trang 1, Quyết định số 650/QĐ-UB ngày 18/08/1993 của UBND thị xã Thủ Dầu Một về giao 13.570m2 đất cho ông Phạm Văn Ưa (cha ông Mình), thể hiện đất anh chị em ông Mình đang sử dụng có nguồn gốc rõ ràng. |
Mặt khác, bà On cho rằng đã đóng thuế phần đất tranh chấp. Nhưng biên bản xác minh của toà án tại cơ quan thuế xác nhận gia đình bà On có đóng thuế tại thửa đất 481, tờ bản đồ số 14-1 được cấp Giấy chứng nhận số CH 01394, là thửa đất khác, không phải thửa đất tranh chấp. Nhưng Toà án vẫn nhận định“nguyên đơn có đóng thuế trên phần đất tranh chấp…”.
Bà On cho rằng đã sinh sống và đăng ký cư trú tại đất tranh chấp từ năm 1963. Nhưng theo Công an xã Phú Mỹ cấp cho Tòa án, gia đình bà On đăng ký cư trú từ năm 1979 tại một vị trí khác vị trí nhà đất tranh chấp.
Và các biên bản xác minh những người lớn tuổi sinh sống gần khu vực đất tranh chấp có dấu hiệu giả mạo, thể hiện vi phạm tố tụng về thu thập và đánh giá chứng cứ. Cụ thể, trong chỉ khoảng thời gian hai giờ, thẩm phán và thư ký toà án lập 7 biên bản xác minh tại nhà của 7 người ở những địa điểm khác nhau; có những biên bản xác minh mặc dù hai người ở hai địa điểm khác nhau, nhưng gần như được lập cùng một lúc (biên bản lập 11 giờ tại nhà ông T.V.R và biên bản lập 11 giờ 05 tại nhà ông N.V.L lập).
Hai, ông Mình cho rằng gia đình ông có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất từ năm 1983 cho đến nay. Nhưng hai cấp toà nhận định UBND thị xã (nay là thành phố) Thủ Dầu Một cấp Giấy chứng nhận cho gia đình ông là cấp đại trà nên không chính xác và không đúng đối tượng. Trong khi đó, tại Văn bản số 241/TNMT của Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Thủ Dầu Một gửi Toà án, khẳng định việc cấp Giấy chứng nhận cho các anh chị em của ông Mình trên cơ sở từ đất của ông Ưa, đúng quy định.
Trang 1, Công văn của Phòng TN&MT TP Thủ Dầu Một, gửi TAND TP Thủ Dầu Một khẳng định việc cấp GCN cho các anh chị em ông Mình là đúng quy định.
Ba, kể từ thời điểm thụ lý vụ án tháng 12/2019 đến ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 14/9/2020 (hơn 9 tháng). Nhưng TAND TP Thủ Dầu Một không chuyển hồ sơ cho TAND tỉnh Bình Dương giải quyết theo thẩm quyền, mà giữ lại xét xử là trái quy định tại khoản 4, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính: Thẩm quyền xem xét huỷ Giấy chứng nhận thuộc về TAND cấp tỉnh. Ngoài ra, trong biên bản hoà giải trước khi Toà án thụ lý vụ án, không có mặt của tổ trưởng dân phố, đại diện các hộ dân sinh sống lâu đời, đây là hai thành phần bắt buộc phải có.
Bốn, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng có chiếm hữu ngay tình trên 40 năm và áp dụng thời hiệu hưởng quyền dân sự để công nhận Giấy chứng nhận đất cho nguyên đơn, là thể hiện trái khoản 2 Điều 149 BLDS năm 2015: “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc”. Trong khi, nguyên đơn không có yêu cầu áp dụng thời hiệu trong vụ án này.
Năm, hai cấp Tòa án đều tuyên xử: Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi các Giấy chứng nhận đã cấp cho các anh chị em của ông Mình, là thể hiện trái quy định tại Khoản 1, Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Khi giải quyết vụ án dân sự mà đối tượng là quyết định cá biệt của cơ quan tổ chức (các Giấy chứng nhận là một quyết định cá biệt theo hướng dẫn nghiệp vụ của TAND Tối cao) thì toà án chỉ có quyền huỷ quyết định cá biệt đó.
Việc Tòa chỉ kiến nghị mà không thu hồi Giấy chứng nhận, còn gây khó khăn cho cơ quan thi hành án khi áp dụng quy định Khoản 3, Điều 106 Luật Đất đai năm 2013.
Ngày mới Online sẽ tiếp tục thông tin vụ việc!