Vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cần xem xét, xử lí theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước
Tin pháp luật 06/11/2023 23:02
Sau hơn 2 năm Toà phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ. Ngày 4/10/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Hồng Khanh cùng một số bị can khác liên quan, với lí do: “Hết thời hạn điều tra và chờ kết quả giám định”.
Ông Nguyễn Hồng Khanh mong các cơ quan Trung ương vào cuộc làm rõ dấu hiệu vi phạm tố tụng, oan sai. |
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Theo nhận định của Bản án phúc thẩm, đây là vụ án được khởi tố và xử lí theo Đơn tố giác của ông Nguyễn Hiệp Hòa - là con ruột của bà Hồ Thị Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại An Tây (Công ty An Tây). Theo đó, ông Hòa tố cáo ông Nguyễn Hồng Khanh (khi đang giữ chức Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát) đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Công ty An Tây; cấu kết với một số lãnh đạo Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn o ép bà Hiệp chuyển nhượng đất với giá rẻ cho ông Khanh; sau khi bán hết tài sản, bà Hiệp bị bệnh và chết vào ngày 11/8/2016.
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm xác định, kết luận rằng: ông Khanh cùng các bị cáo khác của Ngân hàng và bà Hiệp cấu kết với nhau trong việc thỏa thuận và thanh toán mua bán tài sản bảo đảm trái quy định. Đồng thời kí hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế gây thất thoát cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng. Từ đó xác định hành vi phạm tội của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”…
Qua xem xét, nghiên cứu hồ sơ vụ án, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận định vụ án này có quá nhiều thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng từ khâu thụ lí, xử lí đơn tố giác tội phạm. Cụ thể:
Ngày 16/10/2016, ông Hòa viết đơn tố giác gửi đến Công an tỉnh Bình Dương (bút lục số 04-06). Cũng trong ngày 16/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định phân công Điều tra viên và Kiểm sát viên phụ trách giải quyết đơn tố giác. Tuy nhiên, đến ngày 18/10/2016, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Dương mới thụ lí đơn tố cáo và ban hành Thông báo về việc tiếp nhận tin báo tội phạm. Và mãi đến ngày 12/3/2018 (sau gần 17 tháng), Cơ quan CSĐT mới tiến hành khởi tố vụ án là vi phạm quy định tại Khoản 1, 2, Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thời hạn 20 ngày nhận tin tố giác, xác minh, kiểm tra, gia hạn và không khởi tố vụ án.
Đồng thời, việc Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương tách một số hành vi liên quan trong vụ án để xử lí bằng một vụ án khác là không phù hợp và trái quy định tại Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự. Thiếu sót này đã ảnh hưởng tới việc xác định bản chất của vụ án, dẫn tới việc giải quyết vụ án thiếu tính toàn diện và triệt để.
Theo nội dung đơn tố cáo, ông Hòa cho rằng, ông Khanh đã thỏa thuận và cán bộ ngân hàng đã móc nối, ép mẹ ông Hòa là bà Hiệp phải bán tài sản với giá thấp để chiếm đoạt tài sản của bà Hiệp. Tuy nhiên, qua đối chứng giữa người làm chứng đã mâu thuẫn với nội dung tố cáo của ông Hòa. Đây là tình tiết quan trọng dẫn đến xác định bản chất của vụ án. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT chưa tiến hành cho đối chất, làm rõ là thu thập chứng cứ không đầy đủ và vi phạm quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc Toà án cấp sơ thẩm chưa đánh giá để làm rõ vấn đề: Quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng giữa bà Hiệp và ngân hàng, việc xử lí tài sản thế chấp để thu hồi nợ theo thỏa thuận hợp đồng tín dụng (Công ty An Tây không còn khả năng trả nợ) hoặc đâu là tài sản Nhà nước… để xác định đúng tội danh, dẫn đến việc quy kết các bị cáo tội “Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” là chưa đủ cơ sở, chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ nhận định trên, ngày 25/5/2021, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra và giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật.
Bản án phúc thẩm cũng nhận định: “Trong quá trình giải quyết vụ án này, cấp sơ thẩm đã có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, việc đánh giá chứng cứ còn phiến diện và thiếu cơ sở. Nội dung nhận định và quyết định có nhiều mâu thuẫn và không được bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, những sai sót này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được vì vậy cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra và giải quyết lại theo đúng quy định của pháp luật”.
Vụ án không thể tiếp tục kéo dài
Trong đơn thư kêu oan gửi các cơ quan chức năng mới đây, ông Khanh cho rằng, đây là vụ án mà ông và các bị cáo khác bị oan sai, bản thân ông bị trù dập.
Vào ngày 10/8/2018, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương đã khởi tố và bắt giam ông Khanh với tội danh “Vi phạm quy định quản lí sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”. Đến ngày 28/5/2020,TAND tỉnh Bình Dương đưa vụ án ra xét xử và kết án ông Khanh 10 năm tù với vai trò đồng phạm giúp sức.
Sau hơn 2 năm Toà án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ, chỉ rõ những sai sót và các vấn đề cần làm sáng tỏ của vụ án,các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương đã điều tra và nhiều lần trả hồ sơ qua lại. Đến ngày 4/10/2023, cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự và tạm đình chỉ điều tra bị can đối với ông Khanh cùng một số bị can khác liên quan, với lí do: “Hết thời hạn điều tra và chờ kết quả giám định”.
Ông Khanh cho rằng: “Đây có phải chăng là hành vi không tìm được chứng cứ phạm tội đối với tôi để cố tình kéo dài vụ án và không chịu trách nhiệm với việc làm sai trái của các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương. Tôi lo ngại sự kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tính mạng và cuộc sống của gia đình mình”.
Qua nghiên cứu vụ án, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, với năng lực điều tra và các vấn đề cần làm rõ mà bản án phúc thẩm đã chỉ ra thì không quá khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Dương trong bổ sung kết luận điều tra và truy tố. Việc kéo dài thời gian vụ án bằng hình thức “tạm đình chỉ điều tra” đã cho thấy, các cơ quan điều tra không có đủ chứng cứ để định tội, kết luận các bị cáo. Việc điều tra trước đây và định tội, xét xử có dựa vào sự suy diễn chủ quan hay không?
Đáng lẽ vụ việc ngay từ ban đầu có đơn tố cáo ông Khanh (vì ông Khanh lúc đó đang là Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bến Cát, đại biểu HĐND tỉnh) phải được Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương chỉ đạo, giao cho cơ quan Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xem xét thận trọng, khách quan, toàn diện để bảo đảm vụ việc được giải quyết theo đúng đường lối của Đảng và pháp luật. Tuy nhiên việc này đã không được xem xét theo đúng tinh thần đó, nên mới dẫn đến hậu quả lớn cả về mặt chính trị, pháp lí cho cả tổ chức Đảng và cá nhân ông Khanh.
“Đây là vụ án có dấu hiệu oan sai vì đã được TAND Cấp cao tuyên hủy bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Nếu cứ tiếp tục tạm đình chỉ thì vụ án sẽ chưa biết đến bao giờ kết thúc. Do đó, rất cần Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao vào cuộc xem xét và giải quyết theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, TS Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh
Mười năm lấy chồng, vợ tôi chưa một lần dám xin về ngoại ăn Tết Có lẽ nhờ sự nín nhịn, hy sinh đó của vợ, gia đình tôi mới giữ được êm ấm, yên bình suốt bao năm nay. |
Cần công tâm, khách quan, không xử oan người vô tội Được dàn dựng với kịch bản và đạo diễn kém nên càng “diễn”, càng… mâu thuẫn. Chứng cứ không có, mà cáo buộc bị can ... |
Luật sư đề nghị HĐXX phiên tòa phúc thẩm tuyên Lê Văn Hải vô tội “Nghị án kéo dài, sáng 24/4/2023 sẽ tuyên án”, là tuyên bố của Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm (TAND tỉnh Bình Dương) xét xử ... |