Biểu hiện đau dạ dày không thể bỏ qua
Sức khỏe 05/04/2022 11:00
Đau dạ dày ở vị trí nào?
Mỗi khi đau bụng nhiều người thường cho rằng chắc đau dạ dày và lầm tưởng rằng chỉ đau ở một vị trí là đau vùng thượng vị. Nhưng trên thực tế, ổ bụng có nhiều cơ quan, đau vùng bụng có thể xuất phát từ một trong những cơ quan ấy bao gồm: Cơ quan của hệ tiêu hóa - dạ dày, phần cuối thực quản (tâm vị), ruột non và ruột già (đại tràng), gan, túi mật, tuỵến tuỵ.
Ngoài ra, còn có các bộ phận khác như: Ruột thừa, động mạch chủ - động mạch lớn đi thẳng từ ngực xuống bụng...
Tuy nhiên, khi dạ dày bị tổn thương có thể xảy ra cơn đau bụng ở các vị trí khác nhau. Vị trí thường gặp nhất là đau bụng vùng thượng vị (vùng bụng nằm ở trên rốn, dưới phần xương ức). Người bệnh có các cơn đau âm ỉ, bụng bị căng tức vô cùng khó chịu. Ở một số trường hợp cơn đau có thể lan cơn đau tới vùng lưng sau và vùng ngực.
Ngoài đau bụng vùng thượng vị, nhiều người thi thoảng thấy đau bụng ở trên bên trái, đau khi bụng đói. Nhưng cũng sẽ tùy vào từng tình trạng bệnh lí của mỗi người có khi còn đau bụng âm ỉ hoặc đau một cách dữ dội liên tục trong một khoảng thời gian. Đau bụng vị trị trên rốn ngày càng dày và nặng hơn hoặc đau khi quá no, đau bụng khi quá đói... là một trong những triệu chứng nhận biết của bệnh viêm loét dạ dày giai đoạn đầu.
Ảnh minh họa |
Biểu hiện của đau dạ dày
Có thể nhận biết những dấu hiệu của căn bệnh đau dạ dày thông qua những biểu hiện dưới đây:
- Đau vùng thượng vị - khó chịu ở vùng thượng vị
Đau thượng vị là một trong những biểu hiện hay gặp khi đau dạ dày và là dấu hiệu thường có ở tất cả các bệnh nhân mắc các bệnh lí dạ dày - tá tràng.
Người bệnh thường cảm giác khó chịu hoặc đau ở thượng vị. Tùy thuộc vào từng người bệnh sẽ có biểu hiện khác nhau như: Vùng thượng vị có cảm giác đau tức, đau rát bỏng, nóng, đau âm ỉ. Cơn đau có thể lên ngực hay lan ra sau lưng hoặc không. Thường ở giai đoạn đầu người bệnh thường có cơn đau kéo dài một đến hai tuần và tái đi tái lại.
Người bệnh đau dạ dày thường có các biểu hiện đau chu kì và có liên quan đến bữa ăn (ăn quá no, khi đói quá cũng đau). Nếu người bệnh mắc các bệnh lí khác viêm dạ dày, ung thư dạ dày hoặc các bệnh lí khác thì có thể đau âm ỉ cả ngày.
- Đầy bụng, chán ăn, ăn chậm tiêu
Khi đau dạ dày người bệnh thường đầy bụng, chán ăn, kém ăn, chậm tiêu,... nguyên nhân là do triệu chứng bệnh gây ra cũng như thức ăn không được tiêu hóa tốt.
Sau bữa ăn, đau dạ dày khiến việc tiêu hóa thức ăn bị ảnh hưởng nên người bệnh dễ bị đầy hơi, chướng bụng, cảm giác khó chịu. Vì thế bệnh nhân cũng không muốn ăn và không thèm ăn.
Ngoài ra, người bệnh sau khi ăn có cảm giác đau thượng vị, rát bỏng vùng thượng vị lan lên xương ức, nôn.
- Ợ chua, ợ nóng
Khi đau dạ dày nên các chức năng kém đi, rối loạn vận động dạ dày thức ăn khó tiêu lên men và gây ra một số triệu chứng nhận biết dễ dàng như ợ chua, ợ nóng. Người bệnh có dấu hiện là có cảm giác nóng như đốt ở vùng xương ức hoặc giữa ngực, đôi lúc có cảm giác ở vùng cổ họng. Có thể đi kèm với các biểu hiện có vị nóng, đắng hoặc vị mặn ở cuống họng do dịch trào ngược của acid dạ dày, khó nuốt, cảm giác thức ăn bị kẹt trong ngực hoặc cổ họng...
- Nôn và buồn nôn
Biểu hiện buồn nôn, nôn không chỉ xuất hiện ở bệnh nhân đau dạ dày mà các bệnh lí xuất huyết dạ dày, viêm dạ dày cấp, viêm loét dạ dày,... cũng gặp phải.
Nhiều người bệnh than phiền có các biểu hiện buồn nôn là cảm giác muốn nôn nhưng không nôn ra được. Buồn nôn và nôn có thể đi đôi với nhau, nhưng cũng có khi chỉ có một dấu hiệu xảy ra đơn độc. Đây cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh đau dạ dày mà bệnh nhân nào cũng mắc phải gây ảnh hưởng đến nhiều đến khẩu vị, ăn uống và cả sức khỏe của người bệnh.
- Đại tiện ra máu
Nhiều người bệnh không có biểu hiện gì rõ ràng nhưng đại tiện thấy có biểu hiện phân đen hoặc có máu đỏ tươi...dấu hiệu này cho thấy người bệnh bệnh đau dạ dày, xuất huyết tiêu hóa.
Khi bệnh nhân bị chảy máu tiêu hoá, đó có thể là một triệu chứng của bệnh đau dạ dày. Ngoài ra, đây còn có thể là biểu hiện của các bệnh lí như: Viêm dạ dày cấp do thuốc, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, hội chứng Malory Weiss, vỡ tĩnh mạch thực quản do bị bệnh gan.
Một số bệnh lí ngoài ống tiêu hóa có thể gây nên chảy máu tiêu hoá: Bệnh lí về máu, xơ gan hay viêm gan. Do dùng một số thuốc như: Thuốc chống đông, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc chữa tăng huyết áp.
Khi đau dạ dày cần làm gì?
Đau dạ dày là tình trạng thường gặp nhưng nhiều người thường có tâm lí chủ quan với nó. Bởi trong một số trường hợp, cơn đau không kéo dài khiến người bệnh không tới cơ sở y tế. Tuy nhiên, khi đau dạ dày khởi phát triệu chứng dạng cấp tính theo từng đợt, khiến bệnh tiến triển nặng nguy hiểm đến sức khỏe như: Ung thư dạ dày, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị. Trong trường hợp đau dạ dày với nguyên nhân do nhiễm khuẩn HP sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm loét và ung thư dạ dày.
Chính vì vậy, khi gặp các dấu hiệu bệnh nghi ngờ trên, người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Ngoài việc tuân thủ chỉ định thầy thuốc người bệnh cần:
Ăn uống đúng giờ, hạn chế các chất kích thích như chua, cay, nóng.
Hạn chế sử dụng bia rượu.
Chế độ làm việc và nghỉ ngơi cân bằng.
Thư giãn cơ thể và tinh thần.
Không hút thuốc lá.
Tránh lạm dụng các loại thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau.
Đối với đau dạ dày do nhiễm khuẩn HP thì phải tuân thủ và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.