5 cách điều trị tiểu đường khoa học
Sức khỏe 24/10/2024 14:04
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường. Thông thường, đái tháo đường được phân thành 3 loại: Đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kì (xảy ra trong quá trình mang thai). Nguyên nhân gây bệnh do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin/đề kháng với insulin hoặc cả hai.
Dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường
Đối với đái tháo đường tuýp 2, các triệu chứng có thể rất nhẹ, người bệnh khó nhận ra, bao gồm:
- Cảm thấy rất khát.
- Đi tiểu nhiều.
- Nhìn mờ.
- Cáu kỉnh.
- Ngứa ran hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân.
- Mệt mỏi.
- Vết thương không lành.
- Nhiễm trùng nấm men.
- Cảm thấy đói.
- Giảm cân mà không cần cố gắng.
- Nhiễm trùng nhiều hơn.
- Biểu hiện da sẫm màu, sần quanh cổ hoặc nách (dấu gai đen)
Đối với đái tháo đường tuýp 1, bệnh biểu hiện rầm rộ và nghiêm trọng với các triệu chứng điển hình (4 nhiều): Ăn nhiều - uống nhiều - tiểu nhiều - sụt cân nhanh. Ngoài ra, bệnh cũng có thể biểu hiện các triệu chứng không điển hình hoặc biến chứng.
Ai dễ bị đái tháo đường?
Tầm soát đái tháo đường nên được tiến hành cho người có nguy cơ. Bệnh nhân bị đái tháo đường nên được sàng lọc biến chứng.
Người có nguy cơ đái tháo đường tuýp 1 cao (ví như anh chị em ruột và con của người đái tháo đường tuýp 1) có thể xét nghiệm tìm sự có mặt của kháng thể tiểu đảo tụy hoặc anti-glutamic acid decarboxylase, có trước khởi phát trên lâm sàng. Tuy nhiên, không có chiến lược phòng ngừa cho người có nguy cơ, nên sàng lọc thường xuyên dành cho thiết lập nghiên cứu.
Yếu tố nguy cơ của đái tháo đường tuýp 2 gồm:
- Tuổi= 45.
- Thừa cân hoặc béo phì.
- Lối sống ít vận động.
- Tiền sử gia đình có đái tháo đường.
- Tiền sử có suy giảm điều hòa glucose.
- Đái tháo đường thai kì hoặc cân nặng sau sinh > 4,1 kg.
- Tiền sử tăng huyết áp.
- Rối loạn lipid máu (HDL cholesterol < 35 mg/dL [0.9 mmol/L] or triglyceride level > 250mg/dL [2,8 mmol/L]).
- Tiền sử bệnh tim mạch.
- Hội chứng buồng trứng đa nang
Người chủng tộc da đen, người Tây Ba Nha, người Mỹ gốc Á hoặc gốc Ấn Độ.
Người = 45 tuổi và tất cả người lớn với các yếu tố nguy cơ mô tả trên nên được sàng lọc đái tháo đường với nồng độ glucose huyết tương đói, HbA1C, hoặc giá trị glucose sau 2h của 75-g OGTT ít nhất 1 lần mỗi 3 năm cho định lượng glucose huyết tương bình thường và ít nhất mỗi lần một năm nếu kết quả là rối loạn glucose lúc đói.
Cách chẩn đoán bệnh đái tháo đường
Để chẩn đoán bệnh đái tháo đường, người bệnh có biểu hiện gợi ý, tiền sử gia đình hay bản thân có liên quan sẽ đi khám và bác sĩ cho làm xét nghiệm như glucose máu lúc đói, HbA1c hoặc nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75g glucose theo hướng dẫn). Khi kết quả xét nghiệm vượt tiêu chuẩn khuyến cáo (Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ Hoặc Hội Nội Tiết và Đái Tháo Đường Việt Nam) thì người bệnh được chẩn đoán. (1)
1. Glucose huyết tương lúc đói = 126 mg/ dl (7,0 mmol /l). Đói được định nghĩa là không ăn hay uống thực phẩm chứa calo ít nhất 8 giờ.
Hoặc
2. Glucose huyết tương sau 2 giờ làm nghiệm pháp dung nạp glucose = 200 mg/dl (11,1 mmol/l). Nghiệm pháp được thực hiện theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng một lượng glucose tương đương với 75 g glucose khan hòa tan trong nước.
Hoặc
3. A1C = 6,5 % (48 mmol/mol). Xét nghiệm phải được thực hiện ở phòng thí nghiệm được chứng nhận và chuẩn hóa theo tiêu chuẩn xét nghiệm đạt yêu cầu.
Hoặc
4. Trên những bệnh nhân có các triệu chứng kinh điển của tăng đường huyết hay đường huyết tăng rất cao, đường huyết bất kì = 200 mg/dl (11,1 mmol/l). Bệnh nhân cần được xét nghiệm máu tại 2 thời điểm khác nhau. Không dùng xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán tiểu đường.
Sau khi chẩn đoán đái tháo đường, bác sĩ sẽ tiến hành phân loại đái tháo đường dựa triệu chứng, cơ địa, tiền căn gia đình hoặc tiến hành các xét nghiệm đặc hiệu.
Cụ thể:
- Xét nghiệm C peptide máu để đánh giá khả năng tiết insulin trong cơ thể, để phân biệt đái tháo đường tuýp 1 (thiếu hụt tiết insulin) hay đái tháo đường tuýp 2 (đề kháng insulin).
- Nếu nghi ngờ người bệnh mắc đái tháo đường tuýp 1, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để tìm tự kháng thể. Sự xuất hiện các kháng thể này cho thấy cơ thể đang tự tấn công chính các tế bào của mình và thường được tìm thấy ở người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 nhưng không phải với tuýp 2.
- Xét nghiệm tìm thể ketones trong máu/nước tiểu, là chất được tạo ra khi cơ thể li giải lipid để tạo năng lượng vì cơ thể thiếu hụt insulin dẫn đến không sử dụng được glucose, gợi ý tình trạng tăng đường máu cấp tính nguy hiểm đến tính mạng cần được điều trị sớm.
Điều trị bệnh đái tháo đường cần kết hợp nhiều yếu tố bao gồm: Lối sống, ăn uống, tập luyện, dùng thuốc… để ổn định lượng đường trong máu. Ngoài ra, với mỗi loại bệnh đái tháo đường khác nhau sẽ có những hướng điều trị cụ thể căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.
1. Điều trị chung cho bệnh tiểu đường tuýp 1 và 2
Những lưu ý chung khi điều trị bệnh đái tháo đường: Điều chỉnh lối sống là nền tảng trong điều trị và giúp bệnh nhân ổn định lâu dài.
1.1. Ăn uống lành mạnh
Sử dụng nhóm ngũ cốc, các loại hạt, trái cây, rau củ… nhiều chất xơ để cung cấp vitamin, khoáng chất và ít carbohydrate cho cơ thể.
Nhóm trái cây tốt cho sức khỏe người bệnh tiểu đường như cà chua, ớt chuông…; các loại rau không chứa tinh bột như rau lá xanh, bông cải xanh, súp lơ trắng; các loại đậu như đậu gà, đậu lăng; ngũ cốc nguyên hạt như mì ống, bánh mì làm từ lúa mì nguyên hạt, gạo nguyên hạt, yến mạch nguyên hạt và hạt quinoa.
Bên cạnh đó, các loại rau quả giàu chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, giảm lượng đường trong máu; cản trở sự hấp thụ chất béo, cholesterol trong chế độ ăn uống. Chất xơ còn giúp ngăn các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng đến tim mạch như huyết áp, viêm nhiễm…; giảm cảm giác thèm ăn, mau no và lâu đói hơn.
Chế độ ăn uống cũng nên sử dụng loại thực phẩm chứa chất béo không bão hòa (gồm chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa) giúp giảm cholesterol xấu trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Các nguồn chất béo tốt bao gồm: Dầu ô liu, hướng dương, dầu hạt cải…; các loại hạt như hạnh nhân, đậu phộng, hạt lanh, hạt bí ngô; cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ…
Ngoài ra, người bệnh cũng nên chia nhỏ đĩa thức ăn. Trái cây và rau không chứa tinh bột nên chiếm một nửa, ngũ cốc nguyên hạt chiếm một phần tư và thực phẩm giàu protein (chẳng hạn các loại đậu, cá hoặc thịt nạc) chiếm một phần tư.
Người mắc bệnh đái tháo đường cũng không nên hút thuốc lá và hạn chế ở gần khu vực hút thuốc lá; uống rượu lượng vừa phải.
1.2. Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho việc trị bệnh đái tháo đường mà còn mang đến nhiều lợi ích: Giảm cân nặng; Giảm lượng đường trong máu; Tăng độ nhạy cảm với insulin; Giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường
Để có được tác dụng này, việc tập luyện nên diễn ra khoảng 30 phút mỗi ngày/ 150 phút mỗi tuần. Tăng dần mức độ tập từ trung bình đến cao. Các môn vận động như đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe hoặc chạy; các bài tập kháng lực (ít nhất 2-3 lần mỗi tuần) như cử tạ, bài tập phối hợp… giúp tăng sức mạnh, khả năng giữ thăng bằng và duy trì cuộc sống năng động; rút ngắn thời gian không hoạt động (như ngồi máy tính) bằng cách đứng dậy, đi lại hoặc hoạt động nhẹ nhàng sau mỗi 30 phút ngồi yên.
1.3. Sử dụng thuốc
Thuốc không phải insulin (thường là viên uống)
Nhóm Metformin: Làm giảm lượng glucose mà gan sản xuất, cải thiện cách hoạt động của insulin trong, làm chậm quá trình chuyển đổi carbohydrate thành đường. Tuy nhiên, thuốc không dùng cho bệnh nhân suy thận. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu, chán ăn.
Nhóm Thiazolidinedione: Hoạt động bằng cách giảm lượng glucose trong gan, giúp các tế bào mỡ sử dụng insulin tốt hơn. Thuốc có thể phối hợp chung với các thuốc khác để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, một vài loại trong nhóm này có thể gây phù, tăng cân đột ngột, suy giảm thị lực, ung thư bàng quang, suy tim…
Thuốc gây tăng tiết insulin:
Nhóm Sulfonylureas: Giúp kích thích tuyến tụy bài tiết insulin, ngăn gan giải phóng glucose, tăng tổng hợp glycogen; giúp hạ đường huyết nhanh nhưng lưu ý tránh bỏ bữa khi dùng thuốc để giảm nguy cơ hạ đường huyết.
Nhóm Meglitinides: Hoạt động nhanh hơn sulfonylureas, giúp cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn. Thuốc này được khuyến cáo dùng ngay trước bữa ăn, có thể dùng cho bệnh nhân suy thận. Tuy nhiên, thuốc có giá thành cao và nguy cơ hạ đường huyết nếu không dùng đúng thời điểm.
Nhóm thuốc chủ vận thụ thể GLP-1: Hoạt động giống như hormone tự nhiên (incretin), làm tăng sự phát triển của tế bào B và lượng insulin mà cơ thể sử dụng. Thuốc làm giảm sự thèm ăn, giảm lượng glucagon cơ thể sử dụng, làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu.
Nhóm thuốc điều trị đái tháo đường ức chế men Dipeptidyl peptidase-4: Thuốc giúp GLP-1 không bị phá hủy, qua đó kéo dài hoạt động của incretin, giúp giảm lượng đường trong máu.
Thuốc có tác dụng làm chậm hấp thu chất béo và glucose từ ruột:
Nhóm thuốc ức chế men alpha - glucosidase: Làm giảm lượng glucose trong máu bằng cách trì hoãn sự phân hủy carbohydrate và giảm sự hấp thụ glucose ở ruột non; ngăn chặn một số enzym để làm chậm quá trình tiêu hóa một số loại tinh bột. Nên dùng thuốc trước bữa ăn.
Nhóm thuốc ức chế SGLT2: Giảm tái hấp thu glucose tại ống thận, giúp cơ thể loại bỏ glucose nên làm giảm đường huyết, kiểm soát tốt hơn huyết áp và cân nặng; làm chậm sự tiến triển của bệnh thận, giảm nguy cơ suy thận và tử vong ở những người bệnh có biến chứng thận. Một số thuốc trong nhóm được chứng minh làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.
Insulin
Insulin được sử dụng chủ yếu trong điều trị bệnh đái tháo đường type 1 do tuyến tụy không còn khả năng tạo ra insulin. Insulin cũng được sử dụng trong điều trị đái tháo đường type 2 khi cần.
Insulin được sử dụng dưới dạng tiêm và có nhiều loại khác nhau. Căn cứ vào mức độ suy giảm của insulin, bác sĩ sẽ chỉ định loại insulin phù hợp với từng ca bệnh. Các tùy chọn sử dụng insulin bao gồm: Insulin tác dụng nhanh, Insulin tác dụng kéo dài, Insulin trộn (cả nhanh và kéo dài), Insulin kết hợp GLP-1 - Soliqua (glargine-lixisenatide).
1.4. Theo dõi lượng đường trong máu
Người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ về thời gian và mức đường huyết mục tiêu cần đạt được. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng tốt. Điều này giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến căn bệnh này.
1.5. Cấy ghép
Dùng tế bào gốc lấy từ máu của dây rốn trẻ sơ sinh có thể giúp khôi phục khả năng sản xuất insulin ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1. Đây là kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Mỹ. Sau khi cấy ghép, lượng insulin trong máu của người bệnh sẽ được phục hồi, giúp cân bằng nồng độ glucose. Nghiên cứu này đem đến hi vọng cho người bệnh tiểu đường tuýp 1, thay thế cho việc phải phụ thuộc insulin suốt đời.
2. Điều trị tiền đái tháo đường
Điều trị tiền tiểu đường bao gồm điều trị không dùng thuốc và điều trị dùng thuốc đặc trị.
Điều trị không dùng thuốc là sự kết hợp các yếu tố như dinh dưỡng, tập luyện và thay đổi lối sống… để duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Điều trị thuốc, bao gồm thuốc giúp hạ đường huyết, Metformin (Glucophage, Fortamet) hoặc thuốc tương tự.
Các liệu pháp hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tinh thần. Cho dù vừa được chẩn đoán hay sống chung với bệnh trong một thời gian dài, nhiều người bệnh có thể trải qua những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, chán nản, kiệt sức… Lúc này cần một liệu pháp tinh thần cho người bệnh.
Người bệnh và thân nhân người bệnh hãy thường xuyên nói chuyện và chia sẻ cùng nhau. Thông qua nói chuyện và những lời động viên, người bệnh có thể ổn định tinh thần và duy trì mức đường huyết ổn định. Vì căng thẳng được xem là một trong những nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng caon
Theo chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh