Biến những thách thức của xu hướng già hóa dân số thành cơ hội phát triển mới
Vấn đề hôm nay 11/04/2024 13:20
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Thưa các quý vị đại biểu!
Hội thảo khoa học “Già hóa dân số Việt Nam - Thực trạng, xu hướng và khuyến nghị chính sách” là hoạt động khoa học thiết thực, đề cập đến một vấn đề mang tính thời sự của đất nước, phục vụ việc xây dựng Chiến lược quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam, sửa đổi Luật NCT, tổng kết 30 năm thực hiện Chỉ thị số 59/CT-TW “Về chăm sóc NCT”, triển khai Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội NCT Việt Nam; tổng kết quá trình 30 năm xây dựng và phát triển của Hội NCT Việt Nam; đặc biệt, góp phần vào việc tổng kết 40 năm đổi mới và xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Ngay từ buổi đầu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, NCT đã là một lực lượng xã hội quan trọng. Họ là lớp người giàu kinh nghiệm sống, tích lũy được những triết lý nhân sinh, cho nên được cộng đồng và xã hội tôn trọng. Chúng ta đều biết, các vị bô lão trong làng xã là những “cây cao bóng cả”, là những pho tri thức, trở thành người dẫn dắt và tổ chức mọi sinh hoạt cộng đồng. Khi nước nhà lâm nguy, các vị bô lão, “người giữ hồn dân tộc”, chính là nguồn sức mạnh tinh thần, cổ vũ con cháu xả thân cứu nước, như ý chí quyết tâm đánh giặc của Hội nghị Diên Hồng mà hào khí ngàn năm còn vang mãi non sông.
Ngay từ buổi đầu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, NCT đã là một lực lượng xã hội quan trọng. Họ là lớp người giàu kinh nghiệm sống, tích lũy được những triết lý nhân sinh, cho nên được cộng đồng và xã hội tôn trọng.
Trong Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trách nhiệm của các cụ phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất phụ lão cứu. Đất nước suy sụp phụ lão phủ trì”, “Dẫu tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi; nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang…
Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão đã có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng. Phụ lão làm, nhân dân làm theo”(1). Trong Thư gửi các vị phụ lão ngày 24/9/1945, Bác không tán thành với quan niệm “lão lai tài tận”, “lão giả an chi” và chỉ rõ: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tên tuổi già mà chịu ngồi không. Nước ta có những người như Lý Thường Kiệt, càng già càng quắc thước, càng già càng anh hùng”(2). Khi có Đảng lãnh đạo, NCT là lực lượng trung thành tuyệt đối, noi gương sáng trong quần chúng đi theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng, tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, đúng như lời Di huấn của Bác Hồ “tuổi cao, chí càng cao”.
Trong sự nghiệp đổi mới, NCT luôn đóng vai trò chủ động, sáng tạo; tham gia rất tích cực vào mọi hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, góp phần làm cho đất nước ta như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trên những nền tảng và tiền đề đó, chúng ta càng thêm tự hào, tin tưởng NCT là biểu tượng cho tinh thần anh hùng và văn hiến của dân tộc, là lực lượng tinh hoa, là kho báu trí tuệ xã hội, sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn trong giai đoạn phát triển mới, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Kết quả của hội thảo cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động thích ứng với bối cảnh, xu hướng già hóa dân số nhanh trên thế giới mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Già hóa dân số là một vấn đề mang tính toàn cầu, nhưng ở đất nước ta còn có những đặc thù riêng. Đó là chúng ta đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ dân số vàng.
Tuy chúng ta còn có thể tranh thủ cơ hội này để phát triển, nhưng cũng đang đứng trước ngưỡng cửa thời kỳ già hóa dân số với sự chuyển biến rất nhanh từ một xã hội “già hóa” sang một xã hội “già”. Ở các nước phát triển, thời kỳ già hóa dân số diễn ra sau thời kỳ dân số vàng khi đất nước đã phát triển, có tích lũy, giàu có, có điều kiện bảo đảm an sinh xã hội đối với NCT. Trong khi đó, dù Việt Nam mới chỉ bước vào nhóm nước có mức thu nhập trung bình với GDP bình quân đầu người năm 2023 khoảng 4.300 USD.
Với kết quả này, quy mô kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 xếp thứ 34 theo bảng xếp hạng của Trung tâm phân tích và dự báo kinh tế của Anh (CEBR) nhưng số NCT đã chiếm tỷ lệ cao (hiện xấp xỉ 17 triệu người, khoảng 17% dân số). Ngoài một bộ phận không nhiều (khoảng 20%) có lương hưu, số đông NCT phải dựa vào sự chăm sóc của con cháu và một phần từ sự bảo trợ xã hội.
Đặc biệt, sự chuẩn bị tâm thế, tài chính và các điều kiện bảo trợ xã hội, dù đã rất cố gắng ở nước ta, hiện vẫn còn ở mức thấp, trong khi sự biến đổi môi trường sống, một số giá trị văn hóa gia đình, cộng đồng chịu nhiều tác động không thuận bởi xu hướng thay đổi quan niệm sống đáng lo ngại của một bộ phận thanh niên, như: Không muốn lập gia đình, ngại sinh con, ít ràng buộc huyết thống, sử dụng dịch vụ chăm sóc để thay thế sự chăm sóc đối với ông bà, cha mẹ...
Tác động cộng hưởng của xu hướng chung và đặc thù riêng ở nước ta như vậy đặt ra những thách thức mới, nhất là thách thức của một xã hội “chưa giàu đã già”, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới về vấn đề già hóa dân số; cần phải đổi mới tư duy chiến lược trong quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tính hài hòa, bền vững trong sự gắn kết cộng đồng, phát huy sức mạnh của nhân dân và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đứng trước hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cách tiếp cận khoa học đối với vấn đề già hóa dân số còn phải bảo đảm tính nhạy cảm chính trị, sự tinh tế xã hội, tính triết lý nhân văn sâu sắc do NCT cũng là những người dễ bị tổn thương, sợ cô độc, dễ tự ái trong khi họ là những người tự trọng nhất, chúng ta cần coi NCT là hồng phúc của gia đình và xã hội; tin tưởng NCT là lực lượng xã hội hoàn toàn có thể có đóng góp những giá trị vật chất, tinh thần cho sự phát triển đất nước.
NCT là thành tố quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sức mạnh nhân dân.
Đảng ta luôn khẳng định NCT là thành tố quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của sức mạnh nhân dân; là những người đi đầu trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đóng vai trò thiết yếu trong việc phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; là nguồn lực hết sức quý báu đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ chủ trương: “Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng, và gia đình... Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc NCT. Bảo trợ, giúp đỡ NCT gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa”. Để bảo đảm NCT là trung tâm quy tụ, cầu nối quan trọng gắn kết các thế hệ trong gia đình, cộng đồng và xã hội, chúng ta cần có một hệ thống chính sách tương thích, bảo đảm môi trường pháp lý để kết nối toàn xã hội chung sức, đồng lòng bảo vệ, chăm sóc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, khích lệ, động viên NCT để họ thực sự sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc, tiếp tục cống hiến trí tuệ, nhiệt huyết vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Làm được như thế cũng chính là thực hiện bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NCT.
Trong xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh nghiệm ứng phó chính sách đối với vấn đề già hóa dân số của các nước đi trước rất có ý nghĩa cho các nước đi sau tham khảo. Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước đã trải qua thời kỳ già hóa dân số, tích lũy được nhiều bài học trong ban hành chính sách, trong huy động nguồn lực xã hội, trong sử dụng hợp lý nguồn lực NCT, trong sáng tạo mô hình hoạt động ngày càng phong phú, thiết thực, tạo môi trường sinh hoạt cộng đồng bổ ích cho NCT.
Nhân đây, tôi đề nghị các tổ chức, chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo này chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm tốt và những khuyến nghị chính sách về thích ứng với xu hướng già hóa dân số để Việt Nam tham khảo phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tiềm năng và lợi thế của đất nước. Đặc biệt, đề nghị các quý vị chia sẻ các kinh nghiệm về chính sách thúc đẩy tỷ lệ sinh ổn định, đổi mới giáo dục, cải cách lương hưu, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc bảo trợ NCT, đầu tư cho hệ thống y tế, cơ sở hạ tầng phù hợp, phát triển các lĩnh vực công nghiệp chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng cho NCT, để biến những thách thức của xu hướng già hóa dân số thành những cơ hội phát triển mới, góp phần xây dựng một nền kinh tế phát triển, bao trùm, năng động và nhân văn vì con người.
Mong rằng, các quý vị tiếp tục chia sẻ, ủng hộ, đồng hành cùng với Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ công ước quốc tế về NCT, để bảo đảm tiến trình thích ứng với “già hóa một cách tích cực” cho NCT. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nhất quán quan điểm phát triển nhanh, bao trùm và bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau, lấy con người làm trung tâm, trong đó coi NCT ở vị trí trung tâm của sự tiến bộ, công bằng xã hội.
Mỗi ý kiến phát biểu, mỗi bài tham luận tại hội thảo này đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc mang nhiều tâm huyết, trí tuệ đối với NCT, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và mong muốn hiến kế với Đảng, Nhà nước về những giải pháp chính sách ứng phó với xu hướng già hóa dân số của đất nước ta. Kết thúc hội thảo, đề nghị Trung ương Hội NCT, các cơ quan phối hợp tổ chức hội thảo tích cực chắt lọc kết quả để xây dựng báo cáo kiến nghị gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đến Ban Chỉ đạo Tổng kết 40 năm đổi mới, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, các ban, bộ, ngành liên quan làm cơ sở tham khảo trong việc tiếp tục đổi mới, xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về NCT.
Vào thời điểm này, đất nước ta nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng đang cùng chung vui, tự hào hướng về những ngày lễ trọng đại của dân tộc: Ngày giỗ tổ Hùng Vương; 1100 năm Ngày sinh của Đinh Tiên Hoàng đế - vị anh hùng dân tộc có công khai mở nền độc lập tự chủ của đất nước với khát vọng dân tộc hùng cường mang tên Đại Cồ Việt; 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hội thảo của chúng ta là một thông điệp mang tính dấu ấn quan trọng để chúng ta nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai, bởi NCT nước ta trong bất kỳ thời đại nào, hoàn cảnh nào cũng luôn là “cây cao bóng cả”, “người giữ hồn dân tộc”, chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển của đất nước, sự trường tồn của dân tộc; và càng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước hiện nay.
-----------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, trang 232, 233.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, trang 23.