Bảo vệ trẻ an toàn trên không gian mạng
Nghiên cứu - Trao đổi 05/10/2022 09:34
Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho nhu cầu truyền tin và khai thác thông tin dữ liệu của con người. Trong đó, hệ thống thông tin điện tử internet được người dân quan tâm sử dụng nhiều nhất nhờ tính thông dụng trong việc giao tiếp, tìm kiếm và đọc thông tin bằng tính năng ưu việt của các phần mềm ứng dụng về quản lí, số hóa tư liệu.
Internet đã trở thành phương tiện giúp truyền đạt, trao đổi thông tin, học tập, nghiên cứu, giao lưu… giữa mọi người trong xã hội. Đặc biệt, internet có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm tài liệu lưu trữ phục vụ đắc lực cho học tập, nghiên cứu… Do vậy, internet trở thành một công cụ hữu dụng cho việc khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ. Và việc trẻ tìm hiểu thông tin, học tập trên không gian mạng ngày một thuận lợi hơn, nhưng chính các em là người chịu tác động thông tin tiêu cực, thậm chí là nạn nhân của tội phạm như: Tống tiền, xâm hại tình dục, bắt cóc…
Ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lí phát triển bền vững và Tổ chức cứu trợ trẻ em Quốc tế tại Việt Nam, tại các thành phố lớn trên toàn quốc, Việt Nam có đến 96,8% trẻ sử dụng mạng internet, nhưng chỉ có khoảng 10% trẻ em có kiến thức và kĩ năng an toàn khi sử dụng. Các nguy cơ đối với trẻ thường thấy như: Bắt gặp nội dung xấu, không phù hợp với lứa tuổi như bạo lực, khiêu dâm, xâm phạm đời tư; các em có thể bị cư dân mạng chế giễu, chỉ trích, miệt thị hay bình luận ác ý. Thậm chí trẻ em có thể bị công kích, đe dọa hoặc xuyên tạc các thông tin hình ảnh có liên quan đến mình, trong đó, xâm hại tình dục cũng là hiểm họa đáng lưu ý. Một số kẻ xấu tiếp cận, làm quen và gạ gẫm trẻ tham gia vào tin nhắn đồi trụy hoặc chia sẻ hình ảnh, đoạn video nhạy cảm; đồng thời, có thể dùng những hình ảnh và tin nhắn này để ép buộc, đe dọa khiến các em phải nghe và làm theo các yêu cầu khác…
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, hay “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn công lao học tập của các cháu”. Do vậy, các rủi ro tiềm ẩn và hiện hữu đối với trẻ em hiện nay là đáng báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, học tập và tương lai của chúng…
Để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cần có sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội. Các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Nhưng hơn hết, cha mẹ cần quan tâm, quản lí, giám sát và hướng dẫn trẻ sử dụng internet, mạng xã hội; tăng cường trò chuyện, chia sẻ, tâm sự với trẻ, hướng dẫn con em mình các kĩ năng sử dụng thiết bị, mạng xã hội an toàn cũng như cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh; tạo điều kiện để trẻ em tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, hạn chế tiếp xúc với điện thoại và internet.
Đồng thời, trao đổi với trẻ để cùng đưa ra nguyên tắc sử dụng Internet và điện thoại di động, như không sử dụng điện thoại di động trong phòng ngủ; kiểm soát thời gian các em sử dụng mạng cho mục đích giải trí; đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình.
Bên cạnh đó, có thể sử dụng giải pháp công nghệ như cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn lọc nội dung người xấu, độc hại, không phù hợp với trẻ em. Theo dõi lịch sử truy cập mạng hoặc sử dụng ứng dụng của con em để kịp thời nhắc nhở, chỉ dẫn phù hợp. Phụ huynh cần lưu ý rằng, việc sử dụng các giải pháp công nghệ để khống chế, theo dõi hoạt động của con em trên không gian mạng nếu không khéo léo hoặc dựa trên sự đồng thuận thì sẽ dễ dẫn đến sự ngăn cách, mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái. Cung cấp cho con địa chỉ những trang web hữu ích phù hợp với lứa tuổi. Hướng dẫn con cách kết bạn, giao tiếp đồng thời hướng dẫn con cần chia sẻ với cha mẹ, thầy cô khi gặp rắc rối trên mạng…
Đã đến lúc cần những liều “vắc xin” từ các cơ quan chức năng, truyền thông, gia đình, nhà trường và xã hội để giúp trẻ “miễn dịch” với các nguy cơ tiềm ẩn trên không gian mạng. Cơ quan chức năng cần mang lại môi trường văn minh, tích cực trên các nền tảng để trẻ giữ được trạng thái “an toàn” trên môi trường mạng.