Cưỡng chế phá nhà dân rồi... bỏ hoang (!?)
Đơn thư bạn đọc 01/10/2020 09:42
Cuối năm 2017, UBND huyện Thủy Nguyên ra các quyết định thu hồi đất hai bên Quốc lộ 10, tại khu dân cự thôn Bến Bính, xã Tam Dương, nói là để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kĩ thuật Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, nhưng không bồi thường kể cả tài sản trên đất, mà chỉ hỗ trợ với giá rẻ mạt. Đầu năm 2019, bất ngờ chính quyền tổ chức cưỡng chế, đập phá nhà cửa và tài sản trên đất, rồi “tiện tay” phá luôn nhà không có quyết định thu hồi, để… bỏ hoang. Dân kêu từ thành phố đến Trung ương mà không thấu trời.
Ba hộ dân sử dụng 435,1m2 đất từ năm 1990, chính quyền đã 6 lần xác nhận tính hợp pháp. Ngày 23/8/2017, UBND huyện Thủy Nguyên ra hai Quyết định thu hồi 319,8 đất (giai đoạn 1), còn 115,3m2 thuộc giai đoạn 2 chưa có Quyết định thu hồi. Do thu hồi trái pháp luật, dân khiếu nại, cơ quan Trung ương đã có nhiều phiếu chuyển đơn và chỉ đạo địa phương giải quyết. Nhưng ngày 2/10/2018, UBND huyện Thủy Nguyên lại ban hành các quyết định cưỡng chế số 5290/QĐ-CT và số 5291/QĐ-CT. Dân tiếp tục khiếu nại, thì ngày 29/3/2019, huyện có Thông báo cưỡng chế số 01/TB-BCCTHĐ. Thông báo gửi đi ngày 1/4/2019, thì ngay hôm sau, 2/4/2019, chính quyền đã tổ chức cưỡng chế, đập phá nhà khiến dân không kịp trở tay, không kịp lấy tài sản trong nhà nên bị mất mát, thiệt hại rất lớn. Đáng nói là, trong khi cưỡng chế 2 nhà, đất của giai đoạn 1, lực lượng cưỡng chế “tiện tay” phá dỡ luôn xưởng may của anh Phạm Quang Hưng, diện tích 115,3m2, mà không hề có quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ.
Ngôi nhà trước khi bị cưỡng chế phá dỡ |
Kết quả xác minh cho thấy, đất của bà Nguyễn Thị Ngọc Anh là nhận chuyển nhượng nhà, đất người khác, diện tích 245,2m2 tại thôn Bến Bính, xã Tam Dương, có từ trước năm 1990. Trước là nhà cấp 4, dân sang nhượng cho nhau qua 3 chủ, sinh sống ổn định không có tranh chấp. Trên cơ sở đó, năm 2012, gia đình bà Ngọc Anh xây dựng lại thành biệt thự. Lúc này, ở đây là nông thôn nên chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch tổng thể. Theo điểm d, Khoản 1, Điều 62 Luật Xây dựng năm 2003, hoặc điểm k, Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng năm 2914, nhà ở của gia đình bà Ngọc Anh thuộc trường hợp không phải xin phép xây dựng. Về đất, do có nguồn gốc sử dụng vào mục đích xây nhà ở từ trước ngày 15/10/1993, ăn ở ổn định, không có tranh chấp, nên căn cứ Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, đất của các hộ dân đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Nếu tính thời điểm chính quyền huyện Thủy Nguyên ban hành quyết định thu hồi đất (tháng 8/2017), thì tại Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013, đất ở đây cũng đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, hoặc được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Tại hai quyết định thu hồ ngày 23/8/2017, chính quyền huyện Thủy Nguyên cho rằng “đất của UBND xã Tam Dương quản lí…”. Còn tại Phương án số 56/PA-TCT, do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên lập, lại nói: “Đất có nguồn gốc là đất chợ”. Hoặc: “thửa đất một phần nằm trong chỉ giới hành lang giao thông Quốc lộ 10, một phần nằm trong hành lang bảo vệ đê… nên không được bồi thường, hỗ trợ về đất”. Theo đó, vật kiến trúc và tất cả chỉ hỗ trợ 10%. Riêng căn nhà của gia đình bà Ngọc Anh, được tính thành tiền là 2.156.921.844 đồng, nhân với 10% bằng 215.692.184 đồng, tổng cộng các khoản được hỗ trợ 229.764.480 đồng.
Người dân đau đớn khi chứng kiến nhà cửa bị phá dỡ tan tành |
Vậy lấy gì chứng minh đất này do UBND xã quản lí và quản lí từ ngày, tháng, năm nào? Còn nói là chợ thì những người dân trên 80 tuổi đều nói: Đó là một sự hoang tưởng. Gần một Thế kỉ họ sống ở đây, không có cái chợ nào cả. Và, nếu đất này nằm trong chỉ giới hành lang giao thông, hành lang bảo vệ đê, vậy tại sao trên 40 năm nay dân làm nhà ở, người này sang lại cho người khác, rồi ba chủ đã xây dựng biệt thự, sử dụng nhiều năm mà chính quyền không hề có động thái nào xử lí?
Dường như thấy lập luận nêu trên khó “nuốt”, nên phải thay đổi cách làm. Tại Phương án số 56/PA-TCT, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đành phải chấp nhận: “Hỗ trợ đất sử dụng làm nhà ở trước ngày 15/10/1993. Diện tích được hỗ trợ tối đa là 200m2 (theo hạn mức giao đất ở tại khu vực nông thôn huyện Thủy Nguyên)…”. Tỉ lệ hỗ trợ 50%, với đơn giá 4.020.000 đồng/m2, tổng số tiền hỗ trợ là 260.898.000 đồng, cộng các hỗ trợ khác như: Hỗ trợ nhân khẩu đang ăn ở trên thửa đất thu hồi; hỗ trợ di chuyển chỗ ở, vật kiến trúc; Hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm lánh đối với hộ được xét giao đất ở có thu tiền sử dụng đất; Hỗ trợ về nơi ở mới, hỗ trợ ổn định cuộc sống đối với hộ được xét giao đất ở có thu tiền sử dụng đất, tổng số tiền hỗ trợ 286.898.000 đồng. Sau đó, tại Phương án số 47/PA-TCT, đơn giá đất nâng lên 8 triệu đồng/m2, vẫn mức hỗ trợ 50%, nâng tổng số tiền hỗ trợ về đất lên 519.200.000 đồng.
Thật lạ kì, không hiểu chính quyền huyện Thủy Nguyên lại mập mờ như vậy để làm gì, có lợi cho ai? Ở đây từ trước năm 1990 đã là khu dân cư, sao lại bảo là chợ? Chính quyền không đưa ra được bằng chứng nào để khẳng định khu vực này từng có một cái chợ, hoặc được quy hoạch làm chợ. Giả sử nơi đây trước đó từng là chợ, hoặc có quy hoạch làm chợ, nhưng ít nhất là từ năm 1990, ở đây đã là khu dân cư, không còn cái chợ nào. Nếu có quy hoạch chợ thì quy hoạch này đã hết hiệu lực. Nói thửa đất có một phần nằm trong chỉ giới hành lang giao thông và một phần hành lang bảo vệ đê, cũng không thuyết phục, chính quyền không đưa ra được bằng chứng nào về việc này. Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định rõ: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai… thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”. Nếu đất ở là hợp pháp, thì vật kiến trúc và tài sản khác trên đất cũng hợp pháp, phải được bồi thường 100%. Do đó, chính quyền lập phương án chỉ hỗ trợ 50% về đất, hỗ trợ 10% về vật kiến trúc và các tài sản khác trên đất là hoàn toàn trái pháp luật.
Chính quyền cưỡng chế nhà, đất rồi để hoang hóa, cỏ mọc um tùm |
Về cái gọi là Dự án Khu đô thị Bắc sông Cấm, cũng là chuyện... bịa đặt. Thực tế, không có quyết định nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án này. Mặt khác, pháp luật về đất đai và về đầu tư dự án có quy định rất rõ, chính quyền phải công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phải công khai dự án. Việc không công khai dự án, không công khai và lấy ý kiến Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mà tùy tiện ra quyết định thu hồi đất, rồi tổ chức cưỡng chế của chính quyền huyện Thủy Nguyên, là hành vi… điên rồ, không chỉ gây thiệt hại cho dân, mà còn gây tổn thất không nhỏ cho Nhà nước. Nhưng tại sao Đảng bộ huyện Thủy Nguyên, các cơ quan chức năng thuộc UBND huyện không can thiệp, ngăn cản, để chính quyền làm chuyện điên rồ như vậy, để gây thiệt hại cho cả dân và cho cả Nhà nước?
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đã khởi kiện UBND huyện Thủy Nguyên. TAND TP Hải Phòng đã thụ lí và sẽ đưa ra xét xử trong thời gian tới. Tin chắc rằng, TAND TP Hải Phòng sẽ phán quyết một cách nghiêm minh, đúng pháp luật để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.
Quận Lê Chân, Hải Phòng: Cần làm rõ việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở tại phường Kênh Dương Từ đất nông nghiệp được hợp thức hóa thành đất ở, xây nhà cao tầng kiên cố bị người dân phát hiện và tố cáo. ... |
Hải Phòng: Hàng chục công ty, bệnh viện bị xử phạt vì vi phạm luật môi trường Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại ... |