Bác Hồ với sự nghiệp trồng cây, trồng người
Nghiên cứu - Trao đổi 21/11/2023 09:14
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chính là sự nghiệp trồng người của toàn Đảng, toàn dân ta: "Vì lợi ích trăm năm", trong đó sự nghiệp giáo dục giữ vai trò trọng yếu. Bác đã coi giáo dục là khâu cơ bản để hình thành nhân cách con người, “phần nhiều do giáo dục mà nên". Theo Người: Xây dựng kinh tế, không có cán bộ không làm được, không có giáo dục, không có cán bộ cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa.
Bởi vậy, Bác luôn quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Sự quan tâm đó thể hiện ngay từ khi Người về sáng lập tổ chức "Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội" (1925). Lúc đó Bác đã lựa chọn bảy thiếu niên, trong đó có Lý Tự Trọng, đưa đi đào tạo cùng với việc giáo dục tổ chức thanh niên truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, giác ngộ thành viên của tổ chức này trở thành tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam…
Ngày 3/9/1945, một ngày sau khi đọc: "Tuyên ngôn độc lập", Người đã chủ trì phiên họp của Chính phủ nêu ra sáu nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết, trong đó có nhiệm vụ: Mở chiến dịch chống nạn mù chữ, chống giặc dốt. Sau này, trên cương vị lãnh đạo của Đảng, của cách mạng, Bác luôn dành cho sự nghiệp giáo dục sự quan tâm đặc biệt và sâu sắc.
Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người - Ảnh tư liệu |
Giáo dục và đào tạo có nhiệm vụ vô cùng trọng đại, đó là trực tiếp bồi dưỡng thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng. Theo Bác, giáo dục phải chú trọng cả "đức" và "tài". Người đặt chữ "đức" lên trước, coi đó là cái gốc của con người, của cách mạng, của công việc. Chữ "đức" gắn liền với chữ "tài". Người dạy: "Có tài phải có đức. Có tài mà không có đức, tham ô, hủ hóa, có hại cho nước. Có đức mà không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai". Chữ "đức" mà Bác dạy ở đây chính là đạo đức cách mạng, trung với nước, hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, là biết yêu và biết ghét. Yêu là yêu thương đồng chí, đồng bào, yêu lao động, là lòng trung thực, sự dũng cảm. Ghét là ghét thói lừa lọc, gian trá, nịnh bợ, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân. Cái đức giúp cho thế hệ trẻ hình thành nhân sinh quan cách mạng, đồng thời là cơ sở cho việc củng cố thế giới quan khoa học. Chữ "tài" có lúc Bác coi là "chuyên" trong cụm thuật ngữ hồng và chuyên. Tài và đức thống nhất biện chứng trong con người và được hình thành trong quá trình thực hiện nội dung giáo dục toàn diện: Đức, trí, thể, mĩ. Để học sinh có đủ đức, tài thì trước tiên thầy, cô giáo phải có đức, có tài, có tâm, có lòng thương yêu học sinh và nghề nghiệp. Bác rất chú ý đến giáo dục bằng hành vi nêu gương. Thầy, cô giáo như những tấm gương trong sáng, mẫu mực để học sinh noi theo. Thầy giáo cũng phải không ngừng học hỏi, rèn luyện để nâng cao tri thức và phẩm chất. Chỉ có vậy, thầy giáo mới không bị lạc hậu…
Bác còn chỉ cho chúng ta thấy rõ mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bởi vì, sự nghiệp giáo dục chăm lo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của mỗi gia đình, của các lực lượng xã hội. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố này mới tạo thành sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp trồng người thắng lợi.
Bác đã chỉ ra phương châm giáo dục hết sức khoa học: "Giáo dục phải phục vụ đường lối của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống Nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lí luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt, đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kĩ thuật, lao động sản xuất.
Những lời dạy của Bác tiếp tục soi sáng cho sự nghiệp trồng người của Đảng và Nhân dân ta hôm nay. Những năm qua, thành quả của sự nghiệp giáo dục trong công cuộc đổi mới là không thể phủ nhận. Nhà trường, gia đình và xã hội đã có sự gắn bó hơn, thế hệ trẻ thông minh hơn, năng động hơn, tài trí hơn. Sự nghiệp giáo dục và khoa học được Đảng ta thật sự coi là quốc sách hàng đầu để đáp ứng với đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự nghiệp trồng người hiện nay là phải thấm sâu, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Bác, xây dựng đội ngũ người thầy ngang tầm, cơ sở vật chất để đào tạo ngang tầm, quản lí và phương pháp giáo dục luôn đổi mới. Và điều quan trọng hơn cả là phải thấy sự nghiệp trồng người là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, của gia đình và các bậc phụ huynh hướng tới đào tạo được các thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng vừa "hồng", vừa "chuyên", đưa đất nước phát triển và sánh vai với các cường quốc năm châu.