Bác Hồ với công tác đền ơn đáp nghĩa
Nghiên cứu - Trao đổi 25/07/2023 10:50
Với ý nghĩa to lớn đó, Bác đã ra Chỉ thị tổ chức Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Tại Hội nghị trù bị ở Phú Ninh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên trong cả nước.
Bác Hồ chỉ rõ, sự đền ơn, đáp nghĩa thương binh, gia đình liệt sĩ cần phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể; bằng sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần do Nhà nước và Nhân dân cùng thực hiện. Người xây dựng cho mọi người quan niệm đúng đắn khi giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ: “Nên coi đó là nghĩa vụ của Nhân dân. Không nên coi đó là việc “làm phúc””.
Ảnh tư liệu |
Trong ngày Thương binh - Liệt sĩ đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), tại cuộc mít tinh kỉ niệm, có mặt 2.000 người dự, Ban tổ chức đã đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư có đoạn: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, gian nan vì sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ tổ tiên ta bị uy hiếp; cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa; của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta? Đó là những chiến sĩ mà nay một số thương binh là những người đã hi sinh vì gia đình, hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó phải chịu ốm yếu, què quặt.
Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”
Với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, Bác đã gửi một tháng lương, một bữa ăn của Bác và của nhân viên Phủ Chủ tịch để ủng hộ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Xuất phát từ thực tế đất nước còn nghèo, lại phải đương đầu với những thế lực thù địch, Bác Hồ cho rằng, công tác thương binh, liệt sĩ là việc làm “lâu dài chứ không phải chỉ trong một thời gian”. Dó đó, phải chú trọng những biện pháp để đồng bào nhiệt tình đền ơn, đáp nghĩa. Còn những người được giúp đỡ thì “yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động lợi ích cho xã hội”. Người đã nêu đặc trưng của người thương binh kiểu mẫu: “Hòa mình với Nhân dân, tránh phiền nhiễu Nhân dân, không công thần, không coi thường lao động, không coi thường kỉ luật, không bi quan chán nản” và “Thương binh tàn nhưng không phế”...
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước ta đã thể hiện trách nhiệm bằng những chính sách cụ thể ngày càng hoàn thiện hơn đối với các gia đình chính sách. Những chương trình vận động đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa; chăm sóc và nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang; xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ; xây nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ để làm nơi giáo dục truyền thống cho những thế hệ sau này. Nhiều phong trào áo lụa tặng bà; hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho con em những gia đình chính sách được thực hiện.
Tư tưởng, tình cảm của Bác Hồ đã hòa quyện cùng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ. Dù trong chiến tranh hay hòa bình, 76 năm qua, Đảng và Nhân dân ta luôn coi trọng công tác này. Giờ đây, việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đang được xã hội hóa tích cực. Phong trào thể hiện truyền thống, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.