“Ánh lửa từ trái tim” – Chương trình ý nghĩa và xúc động!
Xã hội 24/09/2023 16:57
Tối 23/9, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong phối hợp với Công ty cổ phần Him Lam, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức Chương trình tri ân, giao lưu mang tên “Ánh lửa từ trái tim”, nhân kỉ niệm Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 và Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12. Đây là lần thứ hai chương trình tổ chức, sau lần thứ nhất diễn ra vào năm 2017.
Các đại biểu tham gia chương trình |
Tham dự có các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam; Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chương trình có sự tham dự của 150 thương binh; cán bộ, y, bác sĩ đến từ 14 Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh trên toàn quốc và hơn 600 sinh viên các Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa và ĐH Xây dựng.
Chương trình giao lưu gồm hai nhóm chủ đề: “Những chiến công” và “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”. Cùng với những tiết mục nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ chuyên nghiệp, các thương binh thể hiện.
Mở đầu phần giao lưu, thương binh Trịnh Hữu Dần nhớ lại những kí ức khi bị giam 8 tháng tại Trại giam Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968.
Chia sẻ của thương binh Trịnh Hữu Dần từ Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá. |
“Ngày ấy, nhà tù u ám lắm, chúng tôi bị tra tấn dã man vào tai, sơ ý là bị đánh, chỉ được ăn cơm với muối…”. Sau 8 tháng bị giam tại trại giam Biên Hòa và tiếp tục bị giam tại đảo Phú Quốc. Sau khi Hiệp định Paris năm 1973 kí kết, thương binh Trịnh Hữu Dần được trao trả, từng điều trị tại nhiều nơi, đến năm 1986 về điều trị tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá đến nay và bị thương tật 81%.
Chia sẻ tại cuộc giao lưu, thương binh Nguyễn Văn Đãi, sinh năm 1950, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thương binh Trung tâm Nho Quan, Ninh Bình cho biết, cơ thể ông còn nhiều vết thương từ cuộc chiến tranh năm xưa: “Tôi bị thương ở sọ não, trong não vẫn còn mảnh đạn, hỏng một mắt và nhiều vết thương trên cơ thể”.
Thương binh Nguyễn Văn Đãi, Chủ tịch Hội đồng Thương binh Trung tâm Nho Quan, Ninh Bình. |
Năm 1972, trong trận đánh tại tỉnh Long An, ông Đãi bị thương được đồng đội đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, chiếc ba lô của ông đã để lại tại nơi bị thương, sau đó một đồng đội khác đã hi sinh tại đây. Ngỡ rằng người hi sinh là ông Đãi (căn cứ thông tin về ông có trong ba lô) nên sau khi chôn cất liệt sĩ hi sinh tại Bến Lức (Long An), bia mộ đã ghi tên ông Nguyễn Văn Đãi.
Cách đây gần chục năm, ông Đãi mới biết chuyện này. “Giặc tăng cường lực lượng và càn quét đến đơn vị chúng tôi tại chiến trường Long An. Chúng tôi cầm cự đến 4 giờ chiều, xe tăng cán vào miệng hầm, nhờ có những cây chàm che chắn miệng hầm, tôi vẫn còn sống dù bị thương nặng.
Khi chiến đấu, đồng đội chúng tôi thường có sổ ghi để biết ai còn ai mất để còn liên lạc. Tôi bất tỉnh vì bị thương nặng, người được đưa đi còn tư trang để lại hầm. 10 năm sau dân đi khai hoang, người ta phát hiện có hài cốt gần ba lô của tôi, người ta thẩm tra và lấy tên tôi gắn vào bia mộ.
Đồng đội tôi gửi thư nhắn gia đình vào Long An nhận hài cốt. Những năm 1986 -1987, gia đình chưa có điện thoại, 9h đêm hàng xóm gọi điện báo mới biết tôi còn sống”, thương binh Nguyễn Văn Đãi nói.
Thương binh Nguyễn Chí Tường đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Người có công Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Tường (sinh năm 1959) nhập ngũ năm 1977, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt và bước vào kỉ nguyên mới - hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển. Ông Tường là thương binh mất trên 81% sức khoẻ; từng bị cưa chân tới 6 lần.
Thương binh Nguyễn Chí Tường đang được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và Người có công Long Đất, Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ. |
Nhắn nhủ với giới trẻ đang sống trong thời bình, ông Tường nhấn mạnh: Thời chúng tôi ở tuổi đôi mươi như các bạn, khi Tổ quốc cần chúng tôi đã lên đường và sẵn sàng hi sinh, với ngọn lửa từ trái tim. Và hôm nay, những ánh lửa từ trái tim ấy đang được tiếp nối, trao truyền. Các bạn trẻ hãy nỗ lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên cương hải đảo. Chúng ta yêu hòa bình, đừng để chiến tranh xảy ra, cần phải gắng học tập, sáng tạo xây dựng đất nước phồn vinh, hùng cường.
Mặc dù bị tổn thương ở sọ não, gãy chân trái, nhưng tại buổi giao lưu, bác vẫn nhớ như in những nỗi đau cùng cực, “vết tích” của chiến tranh còn vương lại để nhắc nhở cho thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình ngày hôm nay.
Sinh viên Thu Trang năm thứ tư Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gửi tới các bác thương binh về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay. |
Đáp lại câu hỏi của em Thu Trang, sinh viên năm thứ tư, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gửi tới các bác thương binh về trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay, thương binh Nguyễn Chí Tường ân cần nói: “Nhiệm vụ cốt lõi của thế hệ trẻ hôm nay là học tập để xây dựng đất nước ngày một phồn vinh. Các cháu có cơ hội, điều kiện, thời gian để học tập nên hãy trân trọng, toàn tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả này. Có như vậy, dù hiện tại chúng tôi bị thương tật, đau đớn nhưng nhìn thấy tương lai của đất nước đang được gây dựng từ lớp trẻ nhiệt huyết, trách nhiệm, tôi và đồng đội sẽ càng hạnh phúc và tự hào, cố gắng sống cùng những nỗi đau về thể xác”.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong và đại biểu tại cuộc giao lưu. |
Chia sẻ về phần giao lưu với chủ đề “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong bày tỏ: Các thương binh với thương tật trên 81%, có người lên đến gần 100%, vẫn hằng ngày chiến đấu với thương tật. Đối với họ, cuộc chiến tranh vẫn không kết thúc dù đất nước đã thống nhất gần 50 năm. Đối với rất nhiều người, chiến tranh vẫn hằng ngày giằng xé, gào thét trên thân thể với những vết thương, những di chứng nặng nề hành hạ. Nhưng các thương binh kiên cường vượt lên đau đớn, những khó khăn thử thách người bình thường khó hình dung để tiếp tục sống, sống có ích. Người có gia đình thì tiếp tục chăm lo cho gia đình, nhiều người chưa có gia đình đã lập được gia đình, góp phần nuôi dạy con cái phương trưởng. Cuộc sống mỗi ngày của các cô, bác thực sự vẫn là một cuộc chiến đấu, một cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn.
Là người trực tiếp chăm sóc những thương binh nặng mắc bệnh tâm thần tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá, điều dưỡng viên Lê Thị Giang (sinh năm 1984) cho hay, chị đã có 15 năm công tác và có rất nhiều kỉ niệm không thể nào quên.
Điều dưỡng viên Lê Thị Giang Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hoá. |
Làm nhiệm vụ này từ năm 2009, tức từ khi còn là cô gái trẻ, chị Giang nói động lực của chị là người bố là thương binh vừa nhiễm chất độc hóa học. Bên cạnh đó, chị chia sẻ thêm: “Những gì bản thân tôi làm chỉ là hạt cát so với công lao của các bác đã hi sinh. Đối với các bác tâm thần thiệt thòi hơn cả, các bác không biết hương vị cuộc sống, phụ thuộc vào người phục vụ, có người không có gia đình, người thân, nhìn thương lắm. Bản thân tôi và các đồng chí trong trung tâm luôn phục vụ một cách tốt nhất, xem các bác như người thân”.
Ngoài ra, còn rất nhiều chia sẻ xúc động của các thương binh, cán bộ, điều dưỡng đến từ các Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công trên toàn quốc. Chương trình biểu diễn nghệ thuật từ do các nghệ sĩ chuyên nghiệp, giảng viên Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật quân đội và tốp múa Nhà hát Múa rối Thăng Long biểu diễn; đồng thời còn có các tiết mục biểu diễn của sinh viên và những tiết mục đặc sắc do chính các thương binh thể hiện.
Với sự đồng hành của các nhà tài trợ, Ban tổ chức đã tặng quà gần 1.000 thương bệnh binh nặng tham gia hoặc không trực tiếp tham gia chương trình.
Ban tổ chức chương trình “Ánh lửa từ trái tim” hi vọng chương trình góp phần nêu cao đạo lí uống nước nhớ nguồn, đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần cống hiến, hi sinh vì đất nước, vì Nhân dân.
Trước đó, 150 đại biểu của chương trình cùng Ban tổ chức viếng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn, Hà Nội), vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan TP Hà Nội và một số hoạt động khác.